Những ngày này, người dân và doanh nghiệp TP.HCM đang rất quan tâm về mô hình và lộ trình để TP bước vào giai đoạn bình thường mới.
Chia sẻ với Pháp Luật TP.HCM, Tiến sĩ Vũ Thành Tự Anh (Giám đốc Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright) nhận định: “Muốn quyết định nới lỏng hay điều chỉnh giãn cách xã hội thì trong tay TP phải có dữ liệu và các mô hình thống kê dịch tễ một cách khoa học.”
5 thực tế cần được nhận thức
. Phóng viên: Thưa ông, nếu cần phải nhấn mạnh vấn đề then chốt nhất hiện nay trong chính sách chống dịch của TP.HCM, thì điều đó là gì?
+ TS. Vũ Thành Tự Anh: Tôi cho rằng không chỉ riêng TP.HCM mà cả Việt Nam nói chung phải thay đổi định hướng trong xây dựng và thực thi chiến lược chống dịch trong giai đoạn tới. Lý do là tình hình dịch bệnh đã thay đổi rất nhiều, nhưng chính sách hiện tại của chúng ta chưa thể bắt kịp. Tôi lấy ví dụ, các Chỉ thị 15, 16, 19 và nhiều văn bản hành chính khác đều ra đời trong bối cảnh trước đây khi chưa có biến chủng Delta và khi Việt Nam theo đuổi mục tiêu “zero covid”, tức là loại bỏ hoàn toàn virus gây bệnh ra khỏi cộng đồng. Đến nay, nhiều văn bản chính sách mới vẫn thể hiện mục tiêu này, dù rằng chúng ta đã thừa nhận điều đó là không thể.
Lãnh đạo Nhà nước và TP cũng đã xác định chuyển mục tiêu từ “zero covid” sang sống chung với virus. Điều này rất quan trọng, nhưng nhận thức và định hướng mới phải được hiện thực hóa trong việc hoạch định và thực thi chiến lược mới. Chứ nếu nói sống chung với virus mà vẫn áp chính sách cũ thì loay hoay mãi cũng không thể bước vào giai đoạn bình thường hóa cuộc sống trong điều kiện mới được.
. Chúng ta có thể hình dung câu chuyện “bình thường hóa cuộc sống trong điều kiện mới” như lời ông nói là như thế nào?
+ Hiện nay có năm thực tế mà chúng ta cần nhận thức. Thứ nhất, sống chung với sự tồn tại của virus khác với việc sống chung với dịch. Nói một cách hình tượng thì chúng ta có thể sống chung với lũ nhỏ, ôn hòa; nhưng tuyệt đối không thể sống chung với đại hồng thủy. Với SARS-CoV-2, chúng ta chấp nhận trong cộng đồng sẽ tồn tại một số lượng người bị lây nhiễm nhất định, chứ không thể để nó phát triển thành đại dịch theo kiểu đại hồng thủy, có thể cuốn trôi rất nhiều sinh mạng. Nói cách khác, dù sống chung SARS-CoV-2 nhưng phải kiểm soát được nó.
Thứ hai, như tôi đã nói thì chúng ta không thể đạt mục tiêu “zero covid”. Biến chủng Delta với mức độ lây nhiễm rất nhanh khiến điều này vượt khỏi tầm với, thậm chí với các nước có độ phủ vaccine cao như Singapore, Anh, Israel… thì đến bây giờ họ vẫn không thể đạt miễn dịch cộng đồng hoặc “zero covid”.
Thứ ba, tình hình vaccine của thế giới năm 2021 sẽ tiếp tục khan hiếm. Thậm chí, ngay cả khi các nước phát triển có thể dôi dư ra hơn một tỷ liều vaccine trong năm nay thì việc chia sẻ cho các nước khó khăn hơn vẫn là điều rất gian nan vì nhiều rào cản về thủ tục, hậu cần, kỹ thuật… Vì vậy, Việt Nam cũng chưa thể nào có nhiều vaccine được. Báo chí thỉnh thoảng lại đưa tin Việt Nam sắp nhập về hàng chục triệu liều vaccine, nhưng thực tế là chẳng có gì chắc chắn, và chúng ta vẫn thiếu vaccine nghiêm trọng.
Thứ tư, TP.HCM hay các tỉnh, thành khác đều không thể siết chặt giãn cách xã hội trên diện rộng một cách lâu dài. Sức chịu đựng của người dân và doanh nghiệp có hạn. Nguồn lực của trung ương và của TP cũng có hạn, và cả hai đang bắt đầu kiệt sức. Quan trọng nhất, việc siết chặt giãn cách xã hội kéo dài trên diện rộng đã không còn phù hợp với bối cảnh mới nữa. Chúng ta phải học cách thích nghi để sống chung với virus.
Thứ năm, dịch bệnh ở miền Đông và Tây Nam Bộ sẽ còn phức tạp. Điều đó mang lại nhiều rủi ro cho TP.HCM. Vì vậy, tất cả các chính sách của TP phải có tính liên vùng và liên thông với các tỉnh khác. TP không thể chỉ chống dịch một mình, mà phải đối thoại và cùng phối hợp trong vai trò là trung tâm của cả vùng TP.HCM.
. Trong bối cảnh mới đó thì chúng ta có gì trong tay, thưa ông?
+ Chúng ta hiện có ba thuận lợi. Tỷ lệ tiêm vaccine của TP.HCM đã đạt mức đáng kể và tiếp tục tăng. Về phía doanh nghiệp, rất nhiều đơn vị đã có phương án thích nghi với dịch bệnh. Người dân đã dần điều chỉnh hành vi để thích ứng với trạng thái bình thường mới.
Người dân mua thực phẩm theo phiếu chẵn lẻ tại tại một siêu thị ở quận 3, TP.HCM. Ảnh: NGUYỆT NHI
Trạng thái cân bằng và ưu tiên chính sách của TP.HCM
. Trước những yêu cầu đặt ra từ bối cảnh mới cũng như những thuận lợi trong tay thì TP sẽ phải hướng tới trạng thái cân bằng ra sao?
+ Nhiều người thường nhắc tới hai trạng thái cân bằng trong ứng phó dịch COVID-19. Một là trạng thái cân bằng theo kiểu “zero covid” như của Trung Quốc, Hong Kong, Đài Loan, New Zealand. Hai là trạng thái cân bằng theo kiểu miễn dịch cộng đồng như là Thụy Điển hay ở một chừng mực nào đó là Anh.
Với Việt Nam, cả hai điểm cân bằng này đều không khả dĩ, vì vậy sẽ phải nhắm đến điểm cân bằng thứ ba – sống chung với virus nhưng kiềm chế không để xảy ra đại dịch nghiêm trọng, phải đảm bảo trạng thái đỉnh dịch luôn nằm dưới năng lực của hệ thống y tế có thể giải quyết được. Đó là trạng thái cân bằng mới – hay được gọi là trạng thái bình thường hóa trong điều kiện tồn tại dịch bệnh.
. Trạng thái cân bằng mới này có thể đạt được bằng cách triển khai các ưu tiên chính sách trên thực tế như thế nào, thưa ông?
+ Tôi cho rằng có ba nhóm ưu tiên chính sách. Hai mục tiêu đầu tiên là bảo vệ sinh mạng và đảm bảo sinh kế của người dân. Điều này lâu nay đã nhắc đến nhiều. Riêng ưu tiên thứ ba theo tôi là rất là quan trọng, nhưng từ trước tới giờ chúng ta chưa nhấn mạnh, đó là chúng ta tìm cách thích nghi để “tiến hóa” cho phù hợp với môi trường dịch bệnh và kinh tế đã khác trước. Bài học lớn nhất của lịch sử loài người là tiến hóa. Điều đó có nghĩa là khi chúng ta đã nhìn thấy bối cảnh của dịch bệnh thay đổi, bối cảnh của nền kinh tế thay đổi, bối cảnh tâm lý cộng đồng và xã hội thay đổi, thì chúng ta phải tiến hóa và thích nghi.
Bộ đội Sư đoàn 5 đi chợ hộ dân ở phường 15, quận Bình Thạnh, TP.HCM. Ảnh: HOÀNG GIANG
Phương châm và nguyên tắc hành động
. Để chuyển hóa các ưu tiên chính sách này vào thực tế thì TP cần xem xét các phương châm và nguyên tắc cụ thể như thế nào trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay?
+ Thứ nhất, chúng ta phải mở cửa dần dần theo từng cấp độ. Mỗi cấp độ này sẽ tương ứng với mức độ rủi ro, vì bài toán xử lý dịch bệnh nếu nhìn từ góc độ chính sách chính là bài toán quản lý và kiểm soát rủi ro.
Như vậy, có thể thí điểm mở cửa dần với các quận, huyện đã kiểm soát được dịch, tiến độ tiêm vaccine tốt, có thể ứng phó hiệu quả nếu dịch tái bùng phát. Tương tự về chính sách đối với các ngành kinh tế, TP cũng phải cân nhắc các yếu tố tầm quan trọng, mức độ rủi ro nội tại của mỗi ngành/phân ngành khi muốn mở cửa trở lại.
Bên cạnh đó, mỗi chính sách đưa ra phải có tầm nhìn bền vững và dài hạn vì với SARS-CoV-2 thì bài toán kiểm soát dịch bệnh sẽ là lâu dài. Ở mỗi cấp độ sẽ có các tiêu chí rõ ràng về tiêm chủng, năng lực điều trị của hệ thống y tế, và tổ chức sản xuất – đảm bảo an sinh xã hội... Ví dụ, nếu trong trường hợp chưa có vaccine, điều trị chưa tốt thì bắt buộc phải có giãn cách nghiêm để virus không lây lan thành đại dịch ngoài tầm kiểm soát.
Cuối cùng, chúng ta muốn đưa ra một quyết định bất kỳ về giãn cách, dù nới lỏng hay siết chặt, thì phải dựa vào dữ liệu cụ thể, rõ ràng. Và khi chúng ta đã có quyết định thì nên có “dự lệnh” trước – chẳng hạn như một tuần – để người dân, doanh nghiệp có thời gian chuẩn bị và thích nghi.
3 nhóm dữ liệu cần được xây dựng làm cơ sở
. Nói như vậy chúng ta sẽ có những kịch bản cụ thể để sống chung với SARS-CoV-2. Những kịch bản đó trong bối cảnh của TP.HCM hiện nay và sắp tới có thể được xây dựng dựa vào các yếu tố dữ liệu đầu vào cụ thể nào?
+ Muốn có kịch bản thì chúng ta phải đánh giá một cách chính xác nhất có thể tình trạng dịch bệnh. Tuy nhiên, rất tiếc là cho đến nay “bức tranh” tình hình dịch bệnh của TP chưa thật sự đầy đủ. Phải nhấn mạnh rằng muốn quyết định nới lỏng hay điều chỉnh giãn cách xã hội thì trong tay TP phải có dữ liệu và các mô hình thống kê dịch tễ một cách khoa học.
Ví dụ như trước đây, chúng ta thường hay nói giãn cách hai tuần thì kiểm soát được dịch; hay chúng ta chọn một mốc thời gian nào đó để tuyên bố có thể nới lỏng giãn cách. Và thực tế thì chúng ta đã “lỗi hẹn” một số lần khiến người dân hụt hẫng, thất vọng. Chính sách chống dịch cần được dẫn dắt bởi dữ liệu, chứ không phải các mốc thời gian. Nếu chúng ta không có dữ liệu về dịch bệnh, không có mô hình, thì làm sao có thể biết là tới một thời điểm nào đó cần phải làm gì và có thể đạt được gì.
Vì vậy chúng ta phải củng cố ngay lập tức, cập nhật một cách liên tục hệ thống ba nhóm dữ liệu. Thứ nhất, TP cần phải có đầy đủ dữ liệu về y tế và dịch tễ, liên quan tới tình trạng lây nhiễm dịch bệnh trong cộng đồng (tỷ lệ tử vong, tỷ lệ bệnh nặng, tỷ lệ dương tính trên tổng số ca xét nghiệm, tỷ lệ nhiễm bệnh...)
Thứ hai, dữ liệu về năng lực y tế, đặc biệt là dữ liệu tiêm chủng phải được cập nhật chính xác, hiệu quả. Ở nhóm này thì dữ liệu vaccine đối với người từ 50 tuổi trở lên, có bệnh lý nền, phụ nữ có thai,… là cực kỳ quan trọng vì đây là nhóm dễ bị tổn thương nhất khi nhiễm COVID-19. Ngoài ra, năng lực y tế còn bao gồm tỷ lệ sử dụng giường bệnh, năng lực cấp cứu và chữa trị bệnh nhân trở nặng, năng lực xét nghiệm, truy vết phát hiện ca mới…
Thứ ba, rất quan trọng, là dữ liệu về tầm quan trọng và mức độ rủi ro của từng ngành, phân ngành kinh tế của TP. Nhóm dữ liệu này cho TP thấy được đâu là những ngành huyết mạch, cần được ưu tiên và bảo vệ. Với đặc thù ở TP.HCM thì có thể thấy sẽ có những nhóm ngành như dịch vụ thiết yếu (cung ứng thực phẩm, nhu yếu phẩm, y tế…), dịch vụ tài chính-ngân hàng, logistics, công nghiệp chế tạo chế biến…
2 ma trận định hình chính sách bình thường mới
. Với các nhóm dữ liệu đầu vào như vậy thì chúng ta có thể hình dung ra cách xây dựng các kịch bản về kiểm soát dịch bệnh và giãn cách xã hội khi bình thường hóa đời sống trong điều kiện mới như thế nào?
+ Chúng ta có thể xây dựng được hai ma trận quan trọng để lên các phương án hành động tương ứng. Thứ nhất sẽ là ma trận giữa mức độ dịch bệnh và mức độ phủ vaccine. Giả sử mức độ dịch bệnh được phân làm ba cấp độ là thấp, trung bình, và cao. Tương tự, mức độ phủ vaccine cũng được chia thành ba cấp như vậy.
Với ma trận này, chúng ta sẽ tính toán và đánh giá được phối hợp giữa mức độ dịch bệnh và tiêm chủng vaccine đang ở trạng thái nào, từ đó có mức độ giãn cách xã hội tương ứng. Cụ thể là khi mức độ dịch bệnh còn nghiêm trọng và độ phủ vaccine còn hạn chế thì mức độ giãn cách vẫn phải nghiêm ngặt (mức IV – màu đỏ). Còn khi vaccine đã phủ diện rộng, đặc biệt là cho đối tượng người nhiều tuổi và bệnh nền, đồng thời tình trạng dịch bệnh đã được kiểm soát hoàn toàn thì chúng ta đã chuyển sang trạng thái “bình thường hóa” (mức I – màu xanh). Giữa đỏ và xanh có sự chuyển biến của cam, vàng… cho thấy mức độ giãn cách xã hội được điều chỉnh vào từng giai đoạn cụ thể.
Với ma trận này, chúng ta sẽ có một số kịch bản kiểm soát mức độ dịch bệnh. Một là lấy vaccine làm chủ đạo để giảm mức độ dịch bệnh; hai là lấy vaccine để mở đường và có sự phối hợp, tiếp bước của công tác điều trị; ba là lấy công tác điều trị là chủ đạo; và cuối cùng là đẩy mạnh song song công tác tiêm chủng và điều trị cho bệnh nhân để giảm mức độ dịch bệnh.
Sau khi có ma trận thứ nhất, TP muốn đưa ra quyết định về mức độ giãn cách xã hội thì phải nhìn vào năm cơ sở. Thứ nhất, đánh giá tiến độ tiêm vaccine, nhất là nhóm trên 50 tuổi. Thứ hai, cần phải có bằng chứng cho thấy vaccine có hiệu quả, bao gồm ngừa lây nhiễm, trở nặng, tử vong. Thứ ba, mức độ lây nhiễm không làm cho hệ thống y tế bị quá tải đến mức không thể trụ được bền vững. Thứ tư, cần phải có đánh giá của Bộ Y tế về mức độ rủi ro dịch bệnh nếu xảy ra trường hợp có biến chủng mới của SARS-CoV-2. Và thứ năm là khả năng cung ứng các gói an sinh xã hội cho các nhóm yếu thế.
Bác sĩ Bệnh viện hồi sức COVID-19 (TP Thủ Đức) cấp cứu cho bệnh nhân F0 nặng. Ảnh: NGUYỆT NHI
Ma trận thứ hai là sự phối hợp giữa mức độ giãn cách xã hội – kết quả từ phân tích ma trận thứ nhất – với mức độ ưu tiên/tầm quan trọng của từng ngành, phân ngành kinh tế của TP. Ở mỗi trạng thái giãn cách xã hội khác nhau (xanh-vàng-cam-đỏ) thì chúng ta sẽ có các phương án “mở” phù hợp với từng ngành, phân ngành kinh tế. Các ngành quan trọng “cao” là các ngành thiết yếu, điện, nước, viễn thông, lương thực thực phẩm, y tế… Các ngành quan trọng “thấp” nhất là vũ trường, quán bar, karaoke… Nếu cấp độ giãn cách đang nghiêm ngặt (báo động đỏ), thì ngoại trừ các ngành rất quan trọng, các ngành còn lại phải đóng cửa. Trái lại ở trạng thái an toàn hơn thì các nhóm ngành khác được hoạt động trở lại.
Như vậy, có thể hình dung lãnh đạo TP sẽ có một bảng điều khiển dữ liệu (dashboard) về tình hình dịch bệnh, mức độ tiêm phủ vaccine ở từng địa bàn cụ thể, từ đó có quyết sách phù hợp nhất.
. Việc lên các phương án cụ thể, mạch lạc như vậy có ý nghĩa như thế nào đối với người dân và doanh nghiệp, thưa ông?
+ Ý nghĩa đầu tiên là không chỉ chính quyền mà toàn xã hội sẽ có những thông tin có hệ thống, công khai, minh bạch, có thể đo lường được để nhận định tình hình dịch bệnh một cách duy lý chứ không cảm tính.
Thứ hai, khi có những chỉ dẫn mạch lạc, dựa vào dữ liệu về cấp độ giãn cách hay mức độ mở cửa thì người dân và doanh nghiệp sẽ tạo được kỳ vọng hợp lý, nhờ đó điều chỉnh hành vi hay hoạt động sản xuất – kinh doanh một cách chủ động hơn. Tất nhiên, dù ở cấp độ cá nhân hay tổ chức (địa phương, doanh nghiệp, đoàn thể…) thì mỗi cá nhân, tổ chức sẽ có nguồn lực, tổ chức, vận hành, kỷ luật … khác nhau. Vì vậy, tất cả đều cần phải nhìn vào những đánh giá về rủi ro chung của toàn TP và với từng địa bàn cụ thể để có thể tự sắp xếp phương án phù hợp nhất.
Ở cấp độ ngành hay phân ngành, với cùng một tình trạng rủi ro nhưng có doanh nghiệp này mở cửa nhanh chóng, có doanh nghiệp phải từng bước chứ không mở hoàn toàn ngay lập tức được. Tương tự, việc đi lại làm việc, sinh hoạt của mỗi cá nhân người dân cũng phải được thu xếp phù hợp với các đánh giá chung về rủi ro dịch bệnh từ TP. Qua đó cũng thấy rằng tâm thế thay đổi, sự chuẩn bị của doanh nghiệp; hay ý thức và thói quen của người dân khi quay lại bình thường hóa trong điều kiện mới là rất quan trọng.
Điều kiện để chính sách đạt hiệu quả
. Để thực hiện các phương án kế hoạch như đã nêu trên một cách mạch lạc, hiệu quả thì theo ông, TP cần lưu ý những điều kiện gì?
+ Nhiều khi chúng ta chỉ nói đến chính sách mà quên nhắc tới việc thực thi. Chính sách đúng thì chưa đủ, việc thực thi phải hiệu quả mới được. Ở TP đã có tình trạng chính sách đúng nhưng tới khi thực thi thì lại để xảy ra những trục trặc rất đáng tiếc.
Vậy thì ở TP, cần phải đảm bảo các điều kiện gì? Điều quan trọng trước tiên là phải đảm bảo năng lực hệ thống y tế, đặc biệt là tiêm chủng vaccine và hiệu quả điều trị. Về vaccine, phải tập trung ưu tiên cho người từ 50 tuổi trở lên, có bệnh lý nền. Nếu tỉ lệ tiêm chủng của nhóm này thấp thì cho dù tỉ lệ chung của nhóm người trên 18 tuổi cao thì cũng không thành công. Sự thành công của chiến dịch tiêm chủng được đánh giá bởi sự bảo vệ cho nhóm chịu rủi ro cao.
Về hiệu quả điều trị, trước tiên phải bảo vệ tinh thần và sức khỏe của đội ngũ y bác sĩ. Hiện tôi thấy họ đã rất mệt mỏi. Bằng mọi giá, thông qua các quy chế chính sách làm việc, đãi ngộ tốt nhất có thể, phải bảo vệ được tuyến đầu này. Việc này thất bại thì chống dịch cũng sẽ thất bại. Bên cạnh đó, muốn sống với virus gây bệnh thì phải chủ động nâng cấp cơ sở vật chất, năng lực y tế, phác đồ, thuốc điều trị, y tế cơ sở…
Bên cạnh đó, TP muốn nhanh chóng xây dựng kịch bản dịch bệnh, kết hợp với số liệu tiêm chủng để tính toán phương án các cấp độ giãn cách thì phải thực hiện nhiều nhiệm vụ. Ngành y tế TP phải xây dựng được các chỉ tiêu, cách đo lường, ngưỡng đánh giá mức độ nghiêm trọng của dịch bệnh… Từ đó, cập nhật dữ liệu đầy đủ và chính xác vào hệ thống cơ sở dữ liệu y tế. Kết hợp dữ liệu vaccine, TP cần xây dựng bảng điều khiển dữ liệu (dashboard) cho toàn TP và các quận, huyện với hai trục tọa độ là mức độ dịch bệnh và độ phủ vaccine.
Song song, để xác định độ mở của các ngành kinh tế căn cứ theo mức độ giãn cách xã hội và tầm quan trọng của từng ngành, các Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Công Thương, Sở Tài Chính và các sở ngành khác phải cùng vào cuộc. Chúng ta cũng cần một dashboard cho toàn TP và từng quận, huyện với hai trục tọa độ là mức độ giãn cách xã hội và tầm quan trọng của ngành/phân ngành kinh tế.
Một vấn hết sức quan trọng là đảm bảo an sinh. Khi vận hành các chính sách quản lý rủi ro, sẽ có những trường hợp người dân và doanh nghiệp chịu tổn thương. TP đã trải qua nhiều tháng liền giãn cách xã hội, nên việc xác định một cách nhanh chóng, đầy đủ, kịp thời các đối tượng cần được hỗ trợ là rất quan trọng. Hỗ trợ kịp thời thì nền kinh tế và đời sống người dân ít bị tổn thương hơn, và họ sẽ ủng hộ Nhà nước triển khai các chính sách để chống dịch hiệu quả hơn.
Muốn vậy, một là TP phải kêu gọi và có cơ chế phù hợp cho khu vực tư nhân và xã hội tham gia phòng chống dịch. Hệ thống y tế tư nhân là rất quan trọng, nhưng đang vướng cơ chế về tài chính. Trong phòng chống dịch, an sinh là quan trọng thì phải có các tổ chức thiện nguyện, tổ chức xã hội vươn tới những khu vực, những nhóm người dân mà Nhà nước chưa thể tiếp cận được.
Cuối cùng, phải xây dựng nền tảng công nghệ thông tin có tính tích hợp, liên thông và chia sẻ để giúp phòng chống dịch và tổ chức hoạt động kinh tế - xã hội hiệu quả. Tất cả những hoạt động chống dịch nói trên nếu không áp dụng công nghệ thì hoặc là chậm, hoặc là thiếu chính xác, tốn nhân lực, và thậm chí là không thể triển khai được. Như việc cấp thẻ xanh vaccine, nếu cơ sở dữ liệu, nền tảng công nghệ không theo kịp thì sẽ lại tạo ra nút thắt.
Người dân quét mã QR qua chốt thông qua camera hạn chế tiếp xúc tại chốt trên đường Phan Đăng Lưu, quận Phú Nhuận, TP.HCM. Ảnh: HOÀNG GIANG
Đảm bảo tư duy “chống dịch theo vùng”
. Chính sách chống dịch của TP cần lưu ý đến những yêu cầu nào trong bối cảnh dịch ở các tỉnh, thành lân cận vẫn còn rất phức tạp?
+ Dịch bệnh không dừng lại ở phạm vi địa giới hành chính mà nó có tính liên vùng. TP muốn chống dịch hiệu quả thì buộc phải có sự hợp tác của các địa phương xung quanh và ngược lại. Vì vậy, các tỉnh, thành nằm trong Vùng TP.HCM sẽ có động lực chung để có thể ngồi lại và thống nhất các phương án hành động.
Trước hết, phải cùng nhau thống nhất giải pháp đảm bảo ổn định, phát triển kinh tế cả vùng. Dù trong kịch bản dịch bệnh nào thì các chuỗi cung ứng phải được thông suốt; các dòng lưu thông có tính huyết mạch, có tính liên vùng phải được thông suốt, như dòng về lương thực thực phẩm, nguyên vật liệu, xuất nhập khẩu, logistics… Ngoài ra, phải có sự tương hỗ về hệ thống y tế mà quan trọng nhất là chia sẻ vaccine, hỗ trợ năng lực xét nghiệm và điều trị.
Với vai trò trung tâm của cả vùng, TP.HCM cần đảm bảo hai mục tiêu. Một là phải đảm bảo chính sách chống dịch của mình hiệu quả. Mình phải khỏe mạnh thì mới nghĩ đến chuyện giúp các tỉnh bạn. Hai là hỗ trợ vaccine (như TP đã làm với Đồng Nai, Bình Dương…), hỗ trợ lực lượng y tế, dịch vụ chữa bệnh từ xa, nhận bệnh nhân từ địa phương khác trong khả năng cho phép. Tóm lại, cần đặt chiến lược chống dịch của TP trong tổng thể của một vùng thì mới đạt hiệu quả bền vững.
. Xin cám ơn ông.