Thời tiết cực đoan, chuyện đã không còn có thể làm lơ

(PLO)- Lời kêu gọi hành động bảo vệ khí hậu ngày càng dồn dập trong bối cảnh thế giới đang hứng chịu hàng loạt hiện tượng thời tiết cực đoan.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Biến đổi khí hậu và hiện tượng El Niño khiến năm 2023 này trở thành năm chứng kiến nhiều hiện tượng thời tiết cực đoan, từ nắng nóng nhất kỷ lục cho đến mưa lũ lịch sử.

Thời tiết cực đoan đến từng cửa nhà

Những tháng gần đây, hàng loạt khu vực trên thế giới chứng kiến lần lượt hết nắng nóng đến bão lũ.

Tại châu Âu, thời điểm cuối tuần rồi lũ lụt chết người vẫn lan rộng ở Hy Lạp, Thổ Nhĩ Kỳ, Bulgaria, Tây Ban Nha. Hiện tượng lũ lụt này xảy ra chỉ vài tuần sau khi những nước này hứng chịu cháy rừng và trong bối cảnh hạn hán kéo dài, nhiệt độ cao kỷ lục. Riêng ở Hy Lạp bên cạnh lũ lụt thì cháy rừng vẫn tiếp diễn trong tuần rồi, đã có 28 người chết.

Nước lũ và bùn bao phủ thị trấn Palamas ở Karditsa, vùng Thessaly, miền Trung Hy Lạp, ngày 8-9. Ảnh: AP

Nước lũ và bùn bao phủ thị trấn Palamas ở Karditsa, vùng Thessaly, miền Trung Hy Lạp, ngày 8-9. Ảnh: AP

Tại châu Mỹ, Canada chứng kiến cháy rừng nghiêm trọng. Nhiệt độ nhiều khu vực ở Mỹ cao kỷ lục, quá ngưỡng chịu đựng con người. Thảm họa cháy rừng ở đảo Maui, bang Hawaii tháng trước làm hàng trăm người chết. Nắng nóng chưa qua, nhiều bang như Vermont và New York đã hứng lũ lụt nặng.

Tại châu Á, rất nhiều nước phải chịu mức nhiệt cao trong mùa hè này. Tuần rồi là một tuần mưa nhiều ở Đông Á. Tại Nhật, TP Mobara thuộc tỉnh Chiba giáp thủ đô Tokyo ngày 9-9 ghi nhận lượng mưa kỷ lục kể từ năm 1976, theo hãng tin AFP.

Lượng mưa đổ xuống Hong Kong tuần rồi tương đương 1/4 lượng mưa hằng năm của TP. Cả tỉnh Quảng Đông và TP Thâm Quyến lân cận cũng hứng lượng mưa kỷ lục, theo đài CCTV.

Từ cuối tháng 7 đến đầu tháng 8, ít nhất 16 tỉnh, thành phía bắc và đông bắc Trung Quốc hứng lượng mưa và lũ lụt kỷ lục do ảnh hưởng bão Doksuri và bão Khanun, theo kênh CGTN. Bắc Kinh hứng lượng mưa lớn nhất trong 140 năm, chỉ trong 83 tiếng đồng hồ lượng mưa vượt quá 60% lượng mưa thông thường trong năm.

“Tôi biết từ “chưa từng có” đã được sử dụng nhiều lần và nó có thể không gây ấn tượng. Nhưng ở đây ngay cả từ này cũng không truyền tải được mức độ nghiêm trọng của hiện tượng” - Bộ trưởng Bộ Bảo vệ dân sự và khủng hoảng khí hậu Hy Lạp Vassilis Kikilias nói về hiện tượng mưa lũ mà nước này đã và đang chứng kiến.

Lời kêu gọi dần được lắng nghe

Biến đổi khí hậu và hiện tượng nóng lên toàn cầu đang làm biến đổi mạnh các kiểu thời tiết. Nắng nóng, lũ lụt ngày càng xảy ra thường xuyên và nghiêm trọng hơn khắp thế giới. Thực tế này khiến ngày càng xuất hiện nhiều lời kêu gọi phải hành động nghiêm túc giảm thiểu tác động những thảm họa đã được báo trước.

Trước thềm thượng đỉnh G20 (kết thúc cuối tuần rồi ở Ấn Độ), một nhóm nhà khoa học khí hậu độc lập ở Mỹ và Anh kêu gọi G20, kiểm soát khoảng 80% nền kinh tế toàn cầu, ngừng đốt nhiên liệu hóa thạch. Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres kêu gọi G20 truyền thông điệp chống biến đổi khí hậu, đình chỉ cấp phép và tài trợ các dự án mới có sử dụng nhiên liệu hóa thạch.

Tin vui là tuyên bố chung G20 có nội dung thống nhất kế hoạch đối phó với biến đổi khí hậu. Cụ thể, các nước thống nhất theo đuổi mục tiêu tăng năng suất năng lượng tái tạo toàn cầu lên gấp ba vào năm 2030, tăng các quỹ giúp giải quyết thảm họa khí hậu.

Ngày 8-9 tại Kenya, qua sau ba ngày hội nghị thượng đỉnh về khí hậu châu Phi, các lãnh đạo châu lục này ra Tuyên bố Nairobi - đề xuất một số loại thuế và cải cách toàn cầu mới với các tổ chức tài chính quốc tế để giúp tài trợ thích nghi biến đổi khí hậu, hãng Reuters đưa tin.

Tuyên bố Nairobi yêu cầu các chủ thể gây ô nhiễm lớn và các tổ chức tài chính toàn cầu cam kết cung cấp nhiều nguồn lực hơn giúp đỡ các nước nghèo. Tuyên bố kêu gọi các lãnh đạo thế giới ủng hộ chế độ đánh thuế carbon toàn cầu. Theo Quỹ Tiền tệ quốc tế, hiện có khoảng 20 nước áp đặt thuế carbon nhưng ý tưởng về chế độ thuế carbon toàn cầu chưa thu hút được nhiều chú ý.

Các đề xuất trong Tuyên bố Nairobi sẽ được đưa tới hội nghị khí hậu của Liên hợp quốc vào cuối tháng này và Hội nghị thượng đỉnh khí hậu COP28 tại Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất cuối tháng 11.•

Vì sao ngay sau nắng nóng là bão lũ?

Từ Âu sang Á, hiện tượng lũ lụt xảy ra không lâu sau một thời gian các khu vực này hứng chịu nắng nóng kỷ lục, hạn hán, cháy rừng. Với các nhà khoa học khí hậu, điều này không ngạc nhiên. Trường hợp Hy Lạp, từ năm 2021 một nhóm 46 nhà khoa học đã cảnh báo về nguy cơ lở đất và lũ lụt ở vùng Attica (bao gồm thủ đô Athens), bán đảo Peloponnese và đảo Evia (lớn thứ hai Hy Lạp) - những khu vực xảy ra cháy rừng lớn trong mùa hè nắng nóng.

Theo các nhà khoa học, “cháy rừng sẽ ảnh hưởng đến các quá trình địa mạo thủy văn ở các khu vực bị cháy ở mức độ khác nhau”, “sẽ có sự gia tăng tốc độ xói mòn và vận chuyển trầm tích”, “dẫn đến sự gia tăng tần suất lũ lụt, vận chuyển vật chất và lở đất, trong một khoảng thời gian không thể ước tính rõ ràng nhưng dao động 2-15 năm”.

Mùa hè này, Hy Lạp chứng kiến hàng trăm vụ cháy rừng. Và tầm vài tuần sau đó là lũ lụt kéo đến. Tương tự, tại Thổ Nhĩ Kỳ, lũ lụt xảy ra chỉ ba tuần sau khi đất nước vật lộn với hạn hán và nhiệt độ cao.

Điều đáng ngại nữa, cùng với đà biến đổi khí hậu thì các cơn mưa sẽ lớn hơn trên cả toàn cầu, vì không khí ấm hơn sẽ chứa nhiều nước hơn.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm