Mùa vu lan. Bão số năm bất ngờ tràn vào thành phố. Mưa càng lúc càng nặng hạt. Sấm chớp đì đùng đì đoàng làm mấy cụ già đang ngủ bỗng giật mình, run lật bật ngồi sát vào mé tường nhà lâm râm cầu nguyện. Gió rú rít qua mái tôn phát ra những âm thanh hù hù, ào ào thật rợn người. Mặt sông bên cạnh trung tâm nuôi dưỡng người già và trẻ em không nơi nương tựa vốn dĩ hiền lành hôm nay đục ngầu và đầy sóng. Các dãy phòng đều đóng kín.
Thu mặc áo mưa lật đật ra khỏi phòng, băng qua cái sân rộng đầy sình đất nhão nhoẹt, trơn trợt đi về phía phòng ngủ tập thể. Khổ nỗi đôi dép lào dính chặt xuống lớp sình dày không chịu văng lên. Cô gượng sức giật mạnh. Bựt. Trên đôi chân Thu chỉ còn có chiếc quai dép. Mặc. Cô đi chân không băng băng trong cơn mưa tầm tã. Trên vai Thu dưới làn áo mưa đục đục là giỏ bánh tét - hôm nay là ngày rằm tháng 7.
- Mấy cô ơi, mở cửa cho con vào. Hôm nay là lễ vu lan mà, phải ăn bánh uống trà rồi kể chuyện đời xưa cho bớt buồn chớ. - Thu nói rất lớn.
- Hoan hô, hoan hô cô Thu, hoan hô… - Tiếng cô sáu Bé cười ha hả.
Một người, hai người rồi cả phòng chui ra khỏi mùng tạo âm thanh rộn ràng rất vui tai. Tiếng người mò mẫm tìm dép, tìm mắt kiếng loạn xạ. Có cô loay hoay chải lại mớ tóc bạc cho gọn gàng. Nghe động, mấy chú, mấy bác phòng cạnh bên cũng lục đục kéo sang chung vui. Họ đâu còn ai để chia ngọt sẻ bùi trong ngày này, nhất là trong cái cảnh gió mưa đầy đất, đầy trời như bây giờ. Những chiếc bánh đem ra đã lâu, những ấm trà đặc kẹo, thơm phưng phức giờ cũng nguội dần. Không ai nói với nhau một lời, chỉ còn những ánh mắt vô hồn, thẩn thơ, tiếc nuối nhìn vào khoảng đêm đen mù mịt bão bùng.
- Tui nhớ quê quá. Chẳng biết khi nào mới về được. Mà... mà... - giọng chú Sáu Đắk Lắk buồn buồn cất lên phá tan bầu không khí nặng nề.
Đến giờ cũng không ai biết tên chú là gì, bởi chú lúc tỉnh lúc mê. Chỉ biết lúc tỉnh, chú kể quê mình ở ngoài miền Đắk Lắk quanh năm với rừng núi, với bạt ngàn cà phê. Khi Nhà nước quy hoạch mấy chục công cà phê làm khu du lịch sinh thái gì đó, tự dưng chú trở thành tỉ phú vùng này. Mà đâu chỉ có chú, cả cái xóm này ai cũng như chú hết. Chín đứa con xúm xít bàn tán lời ra tiếng vào khiến chú xiêu lòng chia cho mỗi đứa mấy trăm triệu đồng làm ăn. Chú nghĩ tụi nó mồ côi mẹ đã là điều bất hạnh, thôi thì cho tụi nó mớ vốn làm ăn. Phần chú chừa lại chút ít xuống thị trấn thuê nhà ở trọ. Già rồi ăn ở có bao nhiêu. Lúc dọn đi, cả lũ con khóc lóc tấm tức, nước mắt chảy bù lu bù loa.
- Ba cứ yên tâm, tụi con hứa sẽ làm ăn đàng hoàng, mỗi tháng sẽ chu cấp đầy đủ cho ba lúc tuổi già bóng xế - Thằng con cả sụt sùi.
- Lúc nào thấy không khỏe ba gọi điện thoại, tụi con sẽ về ngay - Đứa con gái kế nức nở.
Chú lặng lẽ không nói gì. Nỗi buồn tràn ngập. Linh tính mách bảo chú sắp mất đi đám con mà mấy mươi năm vợ chồng chú dãi nắng dầm mưa nuôi chúng lớn khôn. Không đứa con nào mở miệng rước chú về phụng dưỡng. Chú buồn đến cháy ruột cháy gan. Bỏ xứ ra đi, gia tài quý giá nhất chỉ còn di ảnh người vợ Ba Na quá cố. Đêm về, trong căn nhà trọ ẩm thấp, tối tăm, chú ngồi thì thầm, thở than với người đã mất để vơi nhẹ nỗi buồn trống vắng. Mấy năm trôi qua, tiền bạc cạn dần dù chú đã hết sức tằn tiện. Đau bệnh không dám uống thuốc. Thèm cũng không dám ăn uống. Cái sức khỏe lực điền của người đàn ông vạm vỡ đã suy kiệt ở cái tuổi 70. Không một đứa con nào thăm viếng, gọi điện thoại. Chú quyết định gom góp số tiền ít ỏi còn lại rời nhà trọ xuống thành phố mưu sinh. Chân ướt chân ráo tới đô thành, chú bị bọn móc túi lấy sạch tiền dù đã gói chúng cẩn thận bằng mấy lớp bọc nylon nhét sâu trong cái giỏ đệm cũ mèm. Chú lơ thơ lẩn thẩn, cười rồi khóc một mình. Người ta đưa chú vô bệnh viện tâm thần. Mấy tháng sau thấy chú thuyên giảm nên đưa chú vô đây.
Đâu chỉ có chú sáu Đắk Lắk cô đơn. Ở đây còn có hàng chục người khác cũng cô đơn như chú, có người đã vĩnh viễn nằm lại đất này sau bao năm gần gũi, một sự gần gũi mà một người bình thường sẽ không bao giờ nghĩ đến vì sẽ cô đơn đến cháy lòng trong quãng đời còn lại. Công tác ở đây đã hai mươi mấy năm rồi, Thu thuộc lòng “lý lịch trích ngang” của từng hoàn cảnh éo le, bất hạnh đang nương tựa chốn này. Chú ba Sấm quê ở miền Trung, sau trận lũ lụt lịch sử không còn nhà cửa, chú bỏ quê vô đây bán bánh lá gai - vốn là đặc sản quê mình - với hy vọng mỏng manh dành dụm tiền gửi về quê dựng lại căn nhà bị lũ cuốn đi. Cơn bệnh gan đến bất ngờ. Hội từ thiện biết chuyện lo chạy chữa và đưa chú vào trung tâm hơn ba năm qua.
Thu nhớ rõ lắm những lần túc trực bên giường bệnh khi các cô chú lâm bệnh nặng, có người cứ mê sảng gọi tên người thân trong nỗi tuyệt vọng chán chường, có người nóng nảy còn hất cả những ly sữa, chén cháo vào mặt cô như một sự trút giận chưa bao giờ có. Có người trước lúc mất còn nắm chặt bàn tay Thu không chịu buông như một sự biết ơn lớn lao mà cô đã mang đến cho họ trong thời gian qua. Mỗi ngày đi qua những cái giường trống không ấy, Thu lại khóc, lại xót xa cho những phận người không may mắn ấy.
- Sao cháu không lấy chồng đi. Bộ tính ở “giá” luôn hả? - Chú năm Sự quê ở Bến Tre trêu chọc.
- Con mà lấy chồng thì còn ai bầu bạn cùng cô chú, rồi ai ca vọng cổ cho chú đờn mỗi đêm?
- Ờ, biết là vậy nhưng thấy bây cực khổ, hổng chồng, sao thấy tội nghiệp quá trời.
- Con quen rồi, có chi cho nó cực, lỡ gặp người hổng biết lo thì khổ gấp đôi, số con vậy rồi.
Nói để chống chế, đỡ tủi thân chớ Thu cũng buồn và cô đơn lắm chớ. Phụ nữ ai chẳng vậy. Tuổi cỡ cô có người đã làm bà nội, bà ngoại rồi, còn Thu... Lấy ai bây giờ với cái tuổi ngót nghét 45. Đến giờ cô cũng không biết quê quán của mình ở đâu nữa. Cha mẹ là ai Thu cũng mù tịt. Chỉ biết cô đã lớn lên và được cưu mang tại ngôi chùa nhỏ bên cạnh dòng kênh nước đen. Nghe sư cô trụ trì chùa kể lại, vào một đêm mùa thu mưa bão, có một người phụ nữ trẻ lặng lẽ bỏ đứa bé vào cái ruột xe hơi bên dưới được lót bằng một tấm ván carton rồi đẩy ra dòng nước đen đủi đang chảy xiết. Cạnh đó một người đàn ông đứng đợi. Rồi cả hai lên chiếc xe đạp đạp nhanh như trốn chạy. Sư cô lật đật gióng chuông rồi tất tả bơi ra dòng kênh hôi hám ấy để cứu lấy một sinh linh bé nhỏ đang dần tím tái. Đó là Thu. Cái tên Nguyễn Thị Thu cũng do sư cô đặt để nhớ về cái đêm mùa thu hung tợn ấy.
Tốt nghiệp trung học y tế, Thu tình nguyện ở lại chăm sóc trẻ em mồ côi tại chính ngôi chùa đã làm sống lại cuộc đời cô như một sự trả ơn không đoạn kết. Tại ngôi chùa này, Thu đã chứng kiến bao trường hợp bị bỏ rơi trước cổng chùa, bên dòng kênh định mệnh ấy, có đứa khỏe mạnh, bụ bẫm, có đứa suy kiệt xanh rờn, có đứa đã bị nhiễm HIV, sống với Thu một thời gian rồi lại ra đi vĩnh viễn. Nhiều lúc cô nghĩ có lẽ mình sinh ra để lo toan, nghĩ ngợi, chăm sóc cho mọi người và chứng kiến biết bao giờ phút sinh ly tử biệt. Cách đó ít năm, sư cô khuyên Thu nên đến với trung tâm chăm sóc người già không nơi nương tựa này để hoàn thành tâm nguyện của mình.
- Thôi đừng buồn nữa các cô, chú. Vu lan tới mà ai nấy buồn so thì mất vui. Để con ca một bản vọng cổ Dệt chặng đường xuân nghe cho vui, chú năm ơi, chuẩn bị đờn nghe chú.
Cả phòng vỗ tay lốp bốp tạo những tiếng kêu thật vui tay, ngộ nghĩnh. “... Em ra đi khi gà chưa gọi sáng. Trăng mùng 10 còn giỡn nước giữa đầm sen…”. Tiếng hát Thu trầm ấm làm sao, nhiều cô chú mủi lòng len lén chậm hai hàng nước mắt. Tiếng đàn ghi ta mùi mẫn buồn buồn lan tỏa trong căn phòng xua đi cơn gió lạnh đang lùa qua các khung cửa sổ. Chú hai Hóa gõ song loan bằng cái muỗng canh vô cái chén nghe cái cốp mỗi khi xuống nhịp. Cô sáu Ảnh mơ màng đăm đăm đôi mắt nhìn về khoảng không đen thăm thẳm, miệng lẩm bẩm cầu nguyện “...Nam mô a di đà phật cứu khổ cứu nạn... nam mô...”.
Mấy mươi mảnh đời khác nhau, quê quán khác nhau, bất hạnh cũng khác nhau nhưng nỗi cô đơn đang hòa quyện về đây trong phút giây này. Mưa đã tạnh. Bão dần tan. Gió không còn rú rít. Màn đêm như mỏng dần và tan đi.
Trên khoảng tối chập chờn, những con người đang sống giữa phồn hoa đô thị nhưng đang chơi vơi giữa biển đời cô đơn lạc lõng trong đêm rằm tháng 7.
Truyện ngắn của TÔ PHỤC HƯNG