Thông cầu đường sắt Bình Lợi vào tháng 9

Ban quản lý (BQL) dự án 7 (Bộ GTVT) cho biết đầu tháng 9-2019 dự án cầu đường sắt Bình Lợi sẽ chính thức thông cầu sau bốn năm thi công. Trước đó, dự án này dự kiến thông cầu vào ngày 30-7 nhưng vẫn chưa thực hiện được do vướng giải phóng mặt bằng.

Hộ dân cuối cùng đã giao mặt bằng

Theo ghi nhận của phóng viên, ngày 21-8, các công nhân tại dự án cầu đường sắt Bình Lợi đang tích cực thi công để hoàn thiện công trình đúng tiến độ. Hiện các công nhân đang tập trung thi công những công đoạn cuối như đường dẫn vào cầu, thực hiện đổ đá dăm sau khi các thanh ray và tà vẹt được lắp đặt xong ở đường dẫn phía quận Bình Thạnh, thi công hành lang dành cho người đi bộ và hoàn thiện hành lang cầu…

Anh Nguyễn Văn Tài, công nhân đang gia cố những thanh tà vẹt trên trụ cầu chính, cho biết tất cả đang nỗ lực làm việc ngày đêm, cả thứ Bảy và Chủ nhật để kịp tiến độ thông cầu. “Hơn hai năm làm ở công trình này nên tôi rất mong ngóng dự án sớm hoàn thiện, để giao thông được thuận tiện hơn” - anh Tài chia sẻ.

Về phía người dân chịu ảnh hưởng về mặt bằng, ông Phạm Bá Quyên (phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức), cho biết ông đã bàn giao mặt bằng cho UBND quận Thủ Đức. Phía quận cũng đã cam kết thời gian thực hiện chi trả bồi thường, hỗ trợ đối với phần thu hồi đất của ông là 60 ngày kể từ khi ký văn bản cam kết.

Đại diện quản lý công trình cho hay dự án cầu đường sắt Bình Lợi thi công đã bốn năm nhưng vướng giải phóng mặt bằng nên chậm tiến độ, công việc bị đình trệ. Đến nay hộ dân cuối cùng đã đồng ý bàn giao mặt bằng nên các công nhân đang hoàn thiện các hạng mục để kịp tiến độ thông cầu.

Các công nhân đang thi công những công đoạn cuối cùng. Ảnh: ĐÀO TRANG

Hoàn thiện 95% công trình

Trao đổi với PV Pháp Luật TP.HCM, ông Hoàng Tuấn Khoát, Phó Giám đốc BQL dự án 7, cho biết cầu đường sắt Bình Lợi cũ do tĩnh không thông thuyền thấp (khoảng 1,5 m) chỉ đảm bảo cho các tàu nhỏ hơn 300 tấn qua lại. Luồng sông không đảm bảo cho các tàu tải trọng lớn lưu thông qua sông Sài Gòn khu vực TP.HCM - Bình Dương nên các tàu qua lại thường xuyên va chạm, ảnh hưởng đến an toàn giao thông đường sắt. Dự án cầu đường sắt Bình Lợi gồm hạng mục cải tạo, nạo vét luồng sông, đảm bảo tiêu chuẩn sông cấp II. Đồng thời xây dựng cầu đường sắt Bình Lợi mới, nâng tĩnh không lên 7 m, tăng năng lực vận tải đường thủy (tàu 1.000 tấn lưu thông). Sau đó, thông qua cảng vụ tiến hành thu phí phương tiện đường thủy nội địa để hoàn vốn.

Về tiến độ dự án, ông Khoát cho biết hiện tại đã đạt khối lượng hơn 95%, các hạng mục cơ bản đã xong. Để kịp tiến độ các công nhân đang thi công cả ngày lẫn đêm. Sau khi dự án được hoàn thiện, BQL dự án 7 sẽ làm thủ tục xin thông tàu và tiến hành cho tàu hàng chạy thử trước khi lưu thông. Ban cũng sẽ phối hợp với chủ đầu tư làm việc cùng cơ quan quản lý đường sắt và các đơn vị liên quan lựa chọn thời gian phù hợp kết nối đường ray mới với đường ray hiện tại, không làm ảnh hưởng đến hành trình tàu chạy.

Trước đó, dự án này dự kiến thông cầu vào ngày 30-7 nhưng không kịp do gặp nhiều khó khăn trong quá trình thi công. Cụ thể, nhà thầu vừa thi công vừa phải đảm bảo an toàn giao thông đường sắt và đường thủy. Việc điều hòa lưu thông tàu thuyền qua cầu cũ và khu vực công trường rất phức tạp. Bên cạnh đó còn vướng mắc về thủ tục di dời hai trụ điện 110 kV thuộc đường dây Tân Sơn Nhất - Bình Lợi, xin thủ tục cắt điện để thi công dưới đường điện cao thế, thi công đường tạm thông tàu để đảm bảo không gián đoạn đường sắt Bắc-Nam.

“Đặc biệt, việc chậm trễ còn do công tác giải phóng mặt bằng kéo dài, việc bàn giao mặt bằng chậm và không liên tục. Tuy nhiên, tất cả khó khăn trên đã được quận Thủ Đức, quận Bình Thạnh và UBND TP.HCM hỗ trợ nên đến đầu tháng 9-2019 cầu sẽ thông” - ông Khoát khẳng định.

Nhiều năm chờ đợi

Tháng 3-2015, Bộ GTVT công bố danh sách nhà đầu tư đăng ký tham gia thực hiện dự án xây mới cầu đường sắt Bình Lợi và đầu tư cải tạo, nâng cấp luồng sông Sài Gòn - đoạn từ cầu đường sắt Bình Lợi tới cảng Bến Súc (Bình Dương).

Tháng 5-2016, dự án cầu đường sắt Bình Lợi được thi công với tổng mức đầu tư 1.302 tỉ đồng. Cầu có chiều dài 1,3 km với độ tĩnh không 7 m, cho phép tàu lửa chạy với vận tốc 100 km/giờ, đồng thời tạo thuận tiện cho giao thông thủy. Cầu mới nằm cách cầu cũ 12 m về phía hạ lưu.

Ban đầu dự án dự kiến đưa vào sử dụng từ tháng 6-2016 nhưng phải dời ngày thông cầu nhiều lần vì các yếu tố khách quan, trong đó có yếu tố vướng giải phóng mặt bằng. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới