Thông điệp từ báo cáo công tác dân nguyện

(PLO)- Theo Ban Dân nguyện, hàng loạt vấn đề cử tri bức xúc đặt ra yêu cầu cần giải quyết nhanh chóng và có giải pháp căn cơ.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Chiều 15-12, tiếp tục phiên họp thứ 18, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho ý kiến về báo cáo công tác dân nguyện của QH trong hai tháng 10 và 11-2022.

Hàng loạt vấn đề như xăng dầu, an toàn vệ sinh thực phẩm, “xã hội đen” đi giải quyết tranh chấp đất đai... được nêu ra.

Bổ sung báo cáo là “doanh nghiệp khó tiếp cận tín dụng”

Báo cáo trước UBTVQH, Trưởng ban Dân nguyện Dương Thanh Bình cho hay cử tri, Nhân dân bày tỏ sự bức xúc về việc giá xăng dầu tại các kỳ điều hành gần đây không cao như những tháng đầu năm nhưng thị trường trong nước lại xảy ra tình trạng nhiều cây xăng dừng bán hàng, bán cầm chừng.

Nhiều trường hợp không mua được đủ số lượng theo nhu cầu sử dụng.

Theo ông Bình, xăng dầu là mặt hàng thiết yếu trong đời sống cũng như sản xuất hằng ngày của người dân, doanh nghiệp (DN) nên nếu để việc này diễn ra trên diện rộng và liên tục sẽ gây thiệt hại lớn, ảnh hưởng đến kinh tế, trật tự xã hội và đời sống của người dân.

Cử tri cũng đặc biệt lo lắng về tình hình vệ sinh an toàn thực phẩm, nhất là trong trường học. Ông Bình nêu vụ việc hàng trăm học sinh bị ngộ độc thực phẩm tại Trường iSchool Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa) làm dẫn chứng.

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương tại phiên họp UBTVQH ngày 15-12. Ảnh: T.THẮNG

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương tại phiên họp UBTVQH ngày 15-12. Ảnh: T.THẮNG

Đặc biệt, theo trưởng Ban Dân nguyện, cử tri cũng lo lắng về tình hình kinh tế khó khăn, nhiều người lao động bị cắt việc, thôi việc khi tết Nguyên đán đã gần kề; tình trạng rút BHXH một lần; thiếu thuốc chữa bệnh vẫn diễn ra trên diện rộng, ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng khám chữa bệnh cho người dân...

Nêu ý kiến, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của QH Vũ Hồng Thanh nhận xét báo cáo của Ban Dân nguyện nêu kiến nghị của Nhân dân khá đầy đủ nhưng cần bổ sung thêm mảng của DN.

“Tháng 10 và 11, DN tiếp cận tín dụng rất khó khăn. Chứng khoán thời điểm đó cũng xuống dưới 1.000, trái phiếu DN đang thắt chặt, bất động sản thì bán tháo...” - ông Vũ Hồng Thanh nói đây là các vấn đề DN đang đề nghị các cấp có thẩm quyền sớm giải quyết.

“Nếu tình trạng này kéo dài thì một số DN sẽ rất khó khăn, có thể dẫn đến phá sản” - chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế nhấn mạnh.

Cũng theo ông Vũ Hồng Thanh, DN phản ánh hiện Chính phủ, QH đang sửa đổi Luật Đất đai, tuy nhiên, các phương tiện thông tin đại chúng có vẻ “tô hồng”, thông tin một chiều. Ông dẫn chứng việc thông tin người dân sẽ được hưởng giá bồi thường cao hơn nên người dân có tâm lý chờ đợi, mong ngóng sửa đổi Luật Đất đai sẽ được hưởng giá cao hơn.

Trong khi đó có tình trạng cán bộ, công chức đang sợ trách nhiệm, đang né tránh nên DN “kêu” nhiều dự án không giải phóng được mặt bằng, gây ách tắc trong triển khai...

Tình trạng vướng mắc trong thực hiện Luật Quy hoạch, các quy hoạch kèm theo đang chậm nên nhiều dự án đang phải tạm dừng, các địa phương cũng rất khó khăn trong triển khai các dự án mới.

Dùng “xã hội đen” giải quyết tranh chấp đất đai

Về khiếu nại, tố cáo, ông Dương Thanh Bình cho hay thời gian qua trên địa bàn cả nước xảy ra một số vụ việc phức tạp về an ninh trật tự. Trong số đó, nhiều vụ việc xuất phát từ tranh chấp dân sự, kinh tế liên quan đến đất đai, khai thác mặt nước.

Ông Bình dẫn chứng vụ việc dùng băng nhóm “xã hội đen” để giải quyết tranh chấp đất tại xã Cửa Dương, huyện Phú Quốc, Kiên Giang hồi cuối tháng 10 vừa qua và cho rằng nguyên nhân của tình trạng trên, phần lớn do công tác quản lý đất đai của chính quyền cấp cơ sở bị buông lỏng trong thời gian dài.

Cạnh đó, có tình trạng một số cán bộ thiếu tinh thần trách nhiệm trong thực thi công vụ; người dân lợi dụng sự buông lỏng quản lý, lợi dụng kẽ hở của pháp luật tự ý bao chiếm đất công, đất rừng…

Trưởng ban Dân nguyện nhận định thời gian qua lực lượng công an địa phương đã thực hiện nhiều giải pháp, biện pháp nhằm ngăn chặn tình trạng sử dụng băng nhóm “xã hội đen” để giải quyết mâu thuẫn, tranh chấp. Đồng thời thực hiện các biện pháp nhằm ngăn chặn, phòng ngừa và kiên quyết xử lý nghiêm minh đối với đối tượng vi phạm. Tuy nhiên, do lực lượng còn mỏng, việc thực hiện giao đất, giao rừng còn chậm trễ, có trường hợp còn có sai phạm dẫn đến khó khăn trong công tác giải quyết tranh chấp, xử lý triệt để đối với trường hợp vi phạm.

Ông Bình cho biết đoàn giám sát của UBTVQH về chuyên đề tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo đã có ý kiến đề nghị UBND tỉnh Kiên Giang cần tăng cường công tác quản lý đất đai, xử lý nghiêm đối với trường hợp xây dựng công trình trái phép, lấn chiếm đất công, đất rừng.

Đoàn giám sát cũng đã đề nghị chỉ đạo lực lượng công an ngăn chặn và xử lý kịp thời trường hợp dùng băng nhóm “xã hội đen” để giải quyết mâu thuẫn, tranh chấp trong Nhân dân. Tuy nhiên, tình hình chuyển biến còn chậm...

Nhấn mạnh thêm, Phó Chủ tịch QH Trần Quang Phương cho hay đoàn giám sát đã cảnh báo với UBND tỉnh Kiên Giang tình trạng các băng nhóm tội phạm hoạt động trên địa bàn.

“Không chỉ phát sinh từ các băng nhóm với nhau mà người dân mượn cái này cũng có, DN mượn cái này cũng có. Chính quyền thì dựa vào DN, DN thì dựa vào các nhóm này. Có tình trạng đó không?” - Phó Chủ tịch QH đề nghị các cơ quan liên quan nắm thông tin và có báo cáo thêm về việc này.

31 băng nhóm ở Phú Quốc đã bị đưa vào diện quản lý

Về thông tin liên quan tình hình an ninh trật tự tại Phú Quốc, Thứ trưởng Bộ Công an Lê Văn Tuyến cho biết thời gian qua tỉnh Kiên Giang nói chung và Phú Quốc nói riêng nổi lên tình trạng tranh chấp đất đai.

Theo ông Tuyến, nguồn gốc đất ở Phú Quốc phức tạp, rất khó xác định giữa các hộ dân, giữa công ty nông, lâm trường. Chưa kể tình trạng mua bán trao tay giữa các hộ dân khiến việc quản lý đất đai ở địa bàn rất phức tạp.

Thứ trưởng Bộ Công an cũng đánh giá sau dịch COVID-19, du lịch và các hoạt động khác của Phú Quốc hoạt động trở lại nên diễn biến tình hình tội phạm có phức tạp. Bộ Công an đã chỉ đạo Công an tỉnh Kiên Giang tập trung xử lý, xác định 31 nhóm thường xuyên có hoạt động theo kiểu ổ nhóm, băng nhóm.

“Vụ việc xảy ra ở Phú Quốc, bộ đã chỉ đạo Cục Hình sự và Công an tỉnh Kiên Giang tập trung điều tra khám phá, khởi tố vụ án, khởi tố bị can, tập trung xác định rõ các đối tượng thực hiện hành vi phạm tội, đang củng cố hồ sơ để xử lý theo quy định pháp luật” - ông Tuyến nói.

Thứ trưởng Bộ Công an cho biết thêm tình hình Phú Quốc hiện nay “không có vấn đề gì diễn biến phức tạp”, theo báo cáo của Kiên Giang. Các băng nhóm, ổ nhóm đã được công an cơ sở rà soát, đưa vào đối tượng quản lý và chủ động biện pháp phòng ngừa để bảo đảm an ninh trật tự trên địa bàn.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm