Thông tin kế hoạch tổ chức đón người về quê của một số tỉnh

Nhiều ngày qua rất nhiều bạn đọc thắc mắc cách nào liên hệ để được về quê.

Nhiều người dân gặp khó khăn đang sinh sống và làm việc tại TP.HCM, Bình Dương đã được các địa phương tổ chức đưa người về thành công. Điển hình như Hà Tĩnh đã đón 814 công dân từ TP.HCM về đến Hà Tĩnh an toàn vào sáng 26-7, tỉnh này cũng đã lên kế hoạch đón công dân đợt 2 bằng tàu hỏa.

Thừa Thiên-Huế cũng đã tổ chức hai đợt đón công dân trở về bằng tàu hỏa và máy bay với hơn 600 người.

Để người dân có thể về quê an toàn, tránh trường hợp đã xảy ra tại chốt giáp ranh giữa Long An và TP.HCM hàng trăm người tự ý chạy xe máy về quê nhưng không được cho qua chốt, chúng tôi điểm lại kế hoạch đưa người dân về quê của các tỉnh để bạn đọc tiện theo dõi, liên hệ.

Tại Thanh Hoá, những công dân ưu tiên được đón là những người có hoàn cảnh khó khăn là lao động tự do bị mất việc làm, người già trên 65 tuổi, trẻ em dưới 15 tuổi, phụ nữ có thai có hoàn cảnh gia đình khó khăn, người bị mắc kẹt hoặc đi công tác.

Thông tin Hội đồng hương Thanh Hóa tại TP.HCM để người dân liên hệ, hướng dẫn thủ tục: Anh Nguyễn Đình Thắng: 0978638888; Anh Trịnh Tiến Dũng: 0981864686; Anh Hồ Huy: 0988111111; Chị Ngô Thị Tuyến: 0868589368; Anh Trần Văn Mười: 0913924399.

Tại Tây Ninh, để đăng ký về quê người dân có thể liên hệ Hội đồng hương TP.HCM để được hướng dẫn đăng ký. Hoặc người dân có thể đăng ký tại địa chỉ: https://tinhhinhcovid.tayninh.gov.vn/dang-ky-ve-tay-ninh . Hoặ cũng có thể tải app “Tây Ninh Smart” trên điện thoại thông minh.

Tại Nghệ An, người dân đăng ký về quê tại website: dangkyveque.nghean.gov.vn Dự kiến đầu tháng 8, tỉnh Nghệ An sẽ tổ chức thực hiện đón đợt 1 với khoảng 1.000 người từ TP.HCM trở về quê.

Trang đăng ký đưa người dân về quê của tỉnh Hậu Giang. Ảnh: ĐẶNG LÊ

Tại Hậu Giang, người dân đăng ký tại trang web của Sở LĐ-TB&XH tỉnh qua địa chỉ: https://sldtbxh.haugiang.gov.vn hoặc thông qua app Hậu Giang trên điện thoại thông minh.

Tại Lâm Đồng, UBND tỉnh này yêu cầu các huyện, TP tuyệt đối không tiếp nhận đối với các trường hợp tự ý về địa phương bằng phương tiện cá nhân hoặc các phương tiện khác (không liên hệ, đăng ký với chính quyền địa phương để tổ chức đón theo quy định).

UBND tỉnh Lâm Đồng yêu cầu UBND huyện, TP hướng dẫn công dân thuộc đối tượng ưu tiên đăng ký danh sách, cung cấp đầy đủ thông tin cá nhân (họ tên, tuổi, địa chỉ thường trú, nghề nghiệp, số điện thoại, địa điểm đón…).

- Huyện Đạ Tẻh: Người thân của công dân có nhu cầu về quê thì đăng ký với UBND các xã, thị trấn huyện này tổng hợp danh sách.

Về chi phí: Nếu cách ly tại cơ sở không thu phí lưu trú thì người dân đóng tiền ăn theo mức tối thiểu 80.000 đồng/người/ngày. Nếu cách ly tại cơ sở có thu phí thì tiền ăn và tiền ở đóng theo thông báo của cơ sở đó.

- Huyện Lâm Hà: Người thân tới Ban chỉ đạo phòng chống dịch của các xã, thị trấn để đăng ký thông tin (họ tên, tuổi, SĐT, CMND hoặc CCCD, hộ khẩu thường trú tại Lâm Hà, địa chỉ tạm trú tại TP.HCM và các tỉnh phía nam, đăng ký hình thức cách ly).

Thời gian đăng ký từ 27-7-2021 đến hết ngày 2-8-2021

- TP Đà Lạt: Người dân tới UBND các phường, xã để đăng ký về quê đề từ đó các phường xã tổng hợp danh sách gửi TP Đà Lạt để tổ chức đưa người dân từ TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai về.

Trước đó, tại một buổi họp báo cung cấp thông tin về dịch COVID-19, Phó Bí thư Thường trực Thành uỷ TP.HCM Phan Văn Mãi đã đề nghị người dân có nhu cầu về quê nên có đăng ký với từng địa phương để các địa phương trao đổi với nhau, tổ chức cho bà con đi về. Từ đó, đảm bảo an toàn sức khoẻ và cũng dễ cho các địa phương trong quản lý phòng chống dịch.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm