Trước đó, xúc xích Viet Foods bị đưa thông tin có chứa chất cấm có khả năng gây ung thư. Vụ việc đến nay cũng chưa rõ ràng và chưa có kết luận chính thức rằng cấm hay cho phép sử dụng chất này. Doanh nghiệp (DN) cũng cảm thấy bị oan vì sự mâu thuẫn, chồng chéo của quy định trong nước và thế giới khiến việc dùng phụ gia, hóa chất không rõ là cấm hay cho dùng.
Trong khi mọi việc chưa rõ ràng thì các luồng thông tin về chất cấm và gây ung thư đã khiến DN điêu đứng, do thông tin lan truyền trên mạng không rõ ràng khiến sự tiếp nhận của người đọc cũng bị lệch lạc theo.
Trong mấy ngày qua, lại tiếp tục rộ lên thông tin các loại dầu gội có chứa chất cấm methylisothiazolinone (MIT), methylchlorothiazolinone (MCT). Đặc biệt, nhiều bài viết còn nhấn mạnh việc Cục Quản lý dược có văn bản cấm cả năm nay rồi! Nhiều hình ảnh chụp cận cảnh những chai dầu gội, trên vỏ chai mục thành phần có in tên những chất này.
Nhưng những bài viết ấy lại không nói rõ rằng văn bản của Cục Quản lý dược có ghi rõ hàm lượng sử dụng 0,0015% với sản phẩm “rinse-off”. Có hàm lượng nghĩa là không cấm hoàn toàn. Vấn đề là DN có vượt hàm lượng hay không. Nếu không chứng minh được là DN đã sử dụng vượt hàm lượng thì không thể nói họ sai, càng không thể nói có chất cấm, vì thực chất là không cấm.
Nhiều bài viết vẫn ám chỉ rằng dầu gội là mỹ phẩm, vì vậy “không được dùng thêm thành phần MCT trong một sản phẩm mỹ phẩm” để cho rằng DN sai. Thế nhưng chỉ cần một động thái rất nhỏ là tra cứu trên Internet xem sản phẩm “rinse-off” là gì thì đã có thể hiểu “rinse-off” là dầu gội, dầu xả, sữa tắm, kem cạo râu, xà bông rửa tay... Như vậy, không thể nói dầu gội có MIT, có MCT là sai.
Càng không thể nói DN sai một khi Cục Quản lý dược đã có văn bản cho phép sử dụng đến tháng 11 này.
Nói thêm một chút về thời gian áp dụng các tiêu chuẩn. Ở các nước, khi ban hành quy định, đặc biệt là các tiêu chuẩn cho sản phẩm thường phải cân nhắc năng lực của DN và luôn có thời hạn để họ chuyển đổi, thích ứng. Do đó, từ lúc gợi ý ra một tiêu chuẩn cho đến lúc xử lý vi phạm trên thị trường là một quá trình dài, thậm chí rất dài, 3-5 năm.
Việc năm 2015 có một văn bản giới thiệu tiêu chuẩn và cho phép DN từ từ thay đổi trong cả năm dài, thậm chí gia hạn thêm sáu tháng tại Việt Nam là việc làm phù hợp với quốc tế. Việc DN chưa kịp chuyển đổi ngay lập tức cũng không phải tội lỗi của họ. Thế nhưng nhiều thông tin lan truyền không minh bạch, thậm chí là thiếu hiểu biết, quy kết “cấm cả năm nay” đã khiến không ít người đọc có ác cảm rằng DN đã sai mà lại còn dai!
Có mấy ai sẽ chờ và đọc những thông tin kết luận chính thức về xúc xích Viet Foods? Có bao nhiêu người đọc theo dõi và chờ kết luận vụ dầu gội? Cho dù là đọc thêm, liệu sau cùng người ta sẽ nhớ những gì? Xúc xích, dầu gội, chất cấm, ung thư!
Vậy xin đặt câu hỏi: Ai sẽ chịu trách nhiệm và chịu trách nhiệm thế nào về những tổn hại gây ra cho DN khi vô tư “tán” thông tin một cách thiếu trách nhiệm như thế?