Ngày 11-5, tổ đại biểu Quốc hội TP.HCM đơn vị 7 đã có buổi tiếp xúc với cử tri quận 2. Tổ này gồm có ông Phan Nguyễn Như Khuê, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy TP; bà Nguyễn Thị Quyết Tâm, nguyên Chủ tịch HĐND TP; bà Trịnh Ngọc Thúy, Phó Chánh án TAND TP.
Tổ đại biểu Quốc hội TP.HCM đơn vị 7 nghe ý kiến phát biểu của cử tri quận 2. Ảnh: TÁ LÂM
Để bảo đảm phòng, chống dịch COVID-19, buổi tiếp xúc chỉ mời 90 cử tri, ngồi cách nhau 2 m và trước khi vào hội trường phải khai báo y tế.
Với hơn 15 ý kiến phát biểu, cử tri quận 2 quan tâm đến nhiều vấn đề lớn của đất nước và địa phương như dự án Luật Thanh niên, Luật Cư trú, Luật Bảo vệ môi trường, hay các vấn đề liên quan đến công tác phòng, chống dịch COVID-19, bậc thang giá điện...
Nêu ý kiến tại buổi tiếp xúc, cử tri Nguyễn Tiến Nhân đề nghị cho biết việc sáp nhập phường Bình An và Bình Khánh (quận 2) có thực hiện được không và việc sáp nhập này sẽ ảnh hưởng như thế nào đến cuộc sống, sinh hoạt của người dân, đơn cử một số giấy tờ thủ tục như CMND sẽ phải thay đổi.
Ngoài vấn đề trên, ông Nhân cũng đề nghị tổ đại biểu Quốc hội cho biết việc triển khai xây dựng dự án khu đô thị sáng tạo phía đông đến đâu? Ông cũng đề nghị cần có chính sách giúp đỡ những người lao động tự do bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.
Ông Diệp Sáng, cử tri phường Cát Lái, bày tỏ ý kiến liên quan đến vụ án Hồ Duy Hải bị tử hình về hai tội giết người và cướp tài sản, xảy ra tại Bưu điện Cầu Voi (Long An) cách đây 12 năm. Vụ án này vừa xử giám đốc thẩm, Tòa Tối cao đã bác kháng nghị, y án tử đối với Hải.
Theo ông Sáng, ba vật chứng quan trọng gồm con dao, cái thớt và cái ghế là tang vật vụ án nhưng lại để sơ suất không còn. “Từ nhược điểm đó mới dẫn đến việc kêu oan suốt bao nhiêu năm, vật chứng phải giữ kỹ lưỡng, điều tra cũng cần chặt chẽ hơn” - ông Sáng nói.
Liên quan đến ý kiến cử tri về việc sáp nhập một số phường thuộc khu đô thị mới Thủ Thiêm, ông Nguyễn Phước Hưng, Chủ tịch UBND quận 2, cho biết theo nghị quyết của Quốc hội, các xã, phường có diện tích dưới 500 ha và dân số dưới 16.000 người phải tổ chức sáp nhập.
Giai đoạn 1 thực hiện nghị quyết sẽ tổ chức sáp nhập các phường, xã chỉ đạt 50% hai tiêu chí nói trên, tức diện tích dưới 250 ha và dân số chỉ đạt dưới 8.000 người. “Do đó, quận 2 có bốn phường thuộc diện phải tổ chức sáp nhập là phường Bình Khánh, phường Bình An, phường Thủ Thiêm và phường An Khánh” - ông Hưng nói.
Từ đó, người đứng đầu chính quyền quận 2 cho biết UBND quận sẽ xây dựng đề án sáp nhập bốn phường này, tức là sáp nhập phường An Khánh với phường Thủ Thiêm và sáp nhập phường Bình Khánh với phường Bình An. Sau đó sẽ báo cáo UBND TP xem xét.
Tuy nhiên, theo ông Hưng, trước khi đề án được thông qua, quận sẽ hỏi ý kiến cử tri để sáp nhập, nhằm hạn chế việc xáo trộn, phức tạp trong hồ sơ của người dân.
TP.HCM đã ban hành chính sách bồi thường cho người dân Thủ Thiêm Tại buổi tiếp xúc, mặc dù cử tri không nêu những vấn đề liên quan đến khu đô thị mới Thủ Thiêm nhưng Chủ tịch UBND quận 2 Nguyễn Phước Hưng vẫn dành thời gian thông tin về vấn đề này. Theo ông Hưng, hôm 7-5, UBND TP.HCM đã ban hành chính sách bồi thường, hoán đổi đất đối với các hộ dân thuộc khu 4,3 ha đã được Thanh tra Chính phủ kết luận nằm ngoài ranh quy hoạch. Hiện quận 2 đang xây dựng kế hoạch thực hiện. “UBND quận cố gắng làm nhanh nhất để thực hiện theo kết luận của Thanh tra Chính phủ và Nghị quyết 40 của HĐND TP” - ông Hưng nói. Đối với người dân tại năm khu phố thuộc ba phường An Khánh, Bình An và Bình Khánh có khiếu nại cũng nằm ngoài ranh quy hoạch, theo ông Hưng, do thực hiện các quy định phòng, chống dịch COVID-19 nên chưa đối thoại với người dân. Được biết cuộc đối thoại này theo sự thống nhất giữa Thanh tra Chính phủ và UBND TP.HCM dự kiến diễn ra từ ngày 17 đến ngày 22-2 nhưng do dịch COVID-19 đến nay chưa thực hiện được. Ông Hưng cho biết dự kiến cuộc đối thoại này sẽ diễn ra cuối tháng 5 đầu tháng 6. |
(PLO)- TP.HCM sẽ không sắp xếp "cào bằng" mà sẽ có hai phương án phù hợp với đặc thù của địa phương.