Giờ thì quá rõ Bộ GTVT đã đặt ra một từ tối nghĩa để cho nhà đầu tư thu tiền các xe cộ lưu thông trên đường làm theo hình thức BOT. Ngoài cái sai về từ ngữ này, Bộ GTVT còn có thêm lỗi phạm luật như ý kiến của nhiều người hay không? Xin thưa, sau khi bỏ công tra cứu những quy định loằng ngoằng của pháp luật, câu trả lời của chúng tôi là “không”.
Đúng là trong thời gian vừa qua có một số dự án BOT đầy tai tiếng, nào là có mức thu “cắt cổ”, nào là được làm ở đường độc đạo khiến dân không có sự chọn lựa nên phải bấm bụng nộp hai lần phí… Tuy nhiên, cần rạch ròi cái sai cụ thể nào thì cứ tính theo cái sai đó. Còn trong việc ban hành quy định về việc lập các trạm thu, về mức giá tối đa ở các dự án BOT..., Bộ GTVT đã thực hiện đúng Nghị định 149/2016 hướng dẫn Luật Giá. Chi tiết hơn, theo điểm e khoản 2 Điều 8 nghị định này, bộ trưởng Bộ GTVT được quy định mức giá tối đa đối với dịch vụ sử dụng đường bộ gồm đường quốc lộ, đường cao tốc, các dự án đầu tư xây dựng đường bộ để kinh doanh.
Một câu hỏi liền theo: Nào giờ các trạm BOT toàn ghi là trạm thu phí, nếu có chấp nhận hay không về mức thu hay vị trí đặt trạm thì cũng không ai cự nự tên trạm, cớ gì Bộ GTVT thay đổi chi cho sai để bị thiên hạ “ném đá”?
“BOT là sản phẩm của doanh nghiệp (DN) mà DN thì ấn định giá. Còn phí thì mang tính chất nhà nước…”. Khi BOT đang là cụm từ khá nhạy cảm thì cách giải thích quá đơn giản về việc đổi sang trạm “thu giá” của người đứng đầu Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể tựa như đổ thêm dầu vào lửa!
Cần lưu ý là theo Luật Phí, lệ phí 2015 (có hiệu lực từ 1-7-2017) thì DN không nằm trong các chủ thể được phép thu phí; phí BOT không có trong danh mục phí và lệ phí kèm theo. Vì thế, các DN BOT được phép thu tiền khách hàng theo Luật Giá cho phải lẽ kinh doanh. Song tự định giá thì không có nghĩa là muốn “hét” bao nhiêu tùy thích. DN buộc phải hiệp thương với Bộ GTVT mức giá cụ thể của từng dự án trên nguyên tắc không vượt mức trần do Bộ GTVT quy định (có sự kiểm tra, giám sát của Bộ Tài chính). Như vậy, sự linh hoạt trong khuôn khổ của các DN BOT không quá nguy hiểm như lo ngại của nhiều người từ cách cắt nghĩa cụt lủn của vị bộ trưởng.
Vấn đề tiếp theo là cách đặt tên trạm. Làm theo Luật Giá thì không có nghĩa tên trạm phải là “thu giá” khiến ai nghe cũng chướng tai, ngoại trừ những người có chức sắc ở Bộ GTVT nên văn bản đã được “tỉnh queo” ký ban hành. Sự dở tiếng Việt là khỏi bàn cãi nhưng cũng phải thấy cái dở ấy xuất phát từ chỗ phải né từ “phí” đã bị Quốc hội độc chiếm khi ban hành Luật Phí, lệ phí.
“Phí là khoản tiền mà tổ chức, cá nhân phải trả khi được một tổ chức, cá nhân khác cung cấp dịch vụ”. Với định nghĩa truyền thống này của từ “phí” thì đối tượng thu phí là bất cứ ai chứ không chỉ là các cơ quan nhà nước. Với bệnh viện công hay tư thì đều là viện phí; với trường học công hay tư thì đều là học phí... Ấy thế, từ chỗ cũng thừa nhận như vậy trong Pháp lệnh Phí, lệ phí 2001 thì Luật Phí, lệ phí 2015 lại quy định chỉ có các cơ quan nhà nước, các đơn vị sự nghiệp công mới được dùng từ “phí” khi cung cấp dịch vụ công! Phải có luật để quản lý chặt chẽ các khoản thu của Nhà nước nhưng cắc cớ ở đây là từ “phí” thay vì là của chung như điều vốn dĩ thì bị biến thành của riêng của các cơ quan nhà nước.
Phải sửa từ “thu giá” (bằng thu tiền chẳng hạn) và xử lý thỏa đáng các tồn tại của một số dự án BOT để được lượng thứ và giảm thiểu được hồ nghi về những ý đồ gian trá đằng sau là việc mà Bộ GTVT cần làm ngay. Căn cơ hơn, để tránh gây thêm những rối loạn, từ “phí” phải được Quốc hội trả về cho xã hội để các trạm BOT cứ là trạm thu phí hay muôn vàn loại phí khác cứ được vận hành rất bình thường, còn theo luật nào thì là nghĩa vụ chấp hành của các tổ chức, cá nhân cung ứng dịch vụ.