Những ngày này, quan hệ giữa Mỹ và Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte lại dậy sóng sau khi ông Randall Schriver (trợ lý bộ trưởng Quốc phòng Mỹ) tuần trước cảnh báo Philippines “suy nghĩ hết sức cẩn thận” về hậu quả mua vũ khí từ Nga với liên minh Mỹ-Phi.
Sau cảnh báo của ông Schriver, ông Duterte đã phản pháo “quý vị là ai mà cảnh cáo chúng tôi?”.
Như một thông điệp hòa giải, mới đây, cả ba bộ trưởng Mỹ - Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis, Ngoại trưởng Mike Pompeo, Bộ trưởng Thương mại Wilbur Ross - cùng viết một bức thư gửi ông Duterte.
Ông Duterte đọc to bức thư của ba bộ trưởng Mỹ gửi cho mình tại lễ kỷ niệm thành lập Bộ Tư lệnh Đông Mindanao ở TP Davao (Philippines) ngày 23-8. Ảnh: RAPPLER
Trong thư, các bộ trưởng Mỹ có những lời tích cực rằng “quan hệ đối tác bền vững được xây dựng dựa trên sự sẻ chia lịch sử và các giá trị cùng nhau”, đề nghị một cuộc gặp với ông Duterte nhằm thuyết phục ông mua khí tài quốc phòng Mỹ.
Tuy nhiên, sau khi đọc thư, ông Duterte đã có phản ứng trái với mong đợi hòa giải của phía Mỹ.
“Khó để nói chúng ta là bạn. Đúng là chúng ta đang là bạn nhưng nên nhớ, chúng ta là bạn vì quý vị biến chúng tôi thành thuộc địa nhiều năm trước… Đó không phải là tình bạn dựa trên sự hài lòng lẫn nhau… Đó là quan hệ bạn bè mà quý vị áp đặt lên chúng tôi” - ông Duterte nói tại lễ kỷ niệm thành lập Bộ Tư lệnh Đông Mindanao ở TP Davao (Philippines) ngày 23-8, sau khi đọc to lá thư của ba bộ trưởng Mỹ.
Chê F-16 của Mỹ
Trong thư, ba bộ trưởng Mỹ cũng nhắc đến khả năng bán máy bay chiến đấu F-16 và trực thăng cho Philippines, các loại khí tài mà Mỹ cho là quân đội Philippines đang rất cần.
Tuy nhiên, ông Duterte lại bất mãn khi Mỹ “nhử” các loại vũ khí công nghệ cao mà không thiết thực với Philippines.
“Cái tôi cần chỉ là các máy bay cánh quạt để chống bọn nổi dậy. Chúng tôi không có bất kỳ kẻ thù nào khác - NPA, IS, Abu Sayyaf. Chúng tôi không cần F-16 và họ thì nhử nó trước mặt chúng tôi sau khi sỉ nhục chúng tôi” - ông Duterte nói.
Ông Duterte nói F-16 của Mỹ không thiết thực với nhu cầu của Philippines. Ảnh: WIKIPEDIA
Ông Duterte cũng công kích việc Mỹ thường cung cấp khí tài, vũ khí đã sử dụng cho đối tác. Ông nhắc lại việc Mỹ bán cho Philippines sáu trực thăng dùng rồi, và rồi ba chiếc trong số đó đã rơi làm một số binh sĩ chết.
“Chúng tôi mua sáu trực thăng. Chúng đã được NATO sử dụng trước đó, họ nói chúng đã được tân trang. Rõ ràng, chúng đã được khai thác quá mức. Ba trong số các trực thăng này đã rơi, giết toàn bộ binh sĩ của tôi… Và giờ, họ lại nói về chuyện mua khí tài”.
“Trước tiên chứng minh cho tôi thấy thiện chí của quý vị đi” - ông Duterte gửi thông điệp đến phía Mỹ.
Tuy nhiên, ông Duterte cũng nói ông không mấy lạc quan khi thực tế là các nghị sĩ Mỹ có thể phong tỏa các thương vụ bán vũ khí bất cứ lúc nào họ muốn: “Tôi muốn nhắc người Mỹ về tất cả chuyện này… Làm sao đảm bảo được tôi sẽ nhận được cái tôi đã đặt mua?”.
Sẽ không bao giờ sang Mỹ
Về đề nghị gặp của ba bộ trưởng Mỹ, ông Duterte đồng ý nhưng từ chối sang Mỹ, nhấn mạnh “tôi sẽ không bao giờ sang Mỹ”. Và theo ông Duterte thì bất cứ cuộc gặp nào giữa ông và phía Mỹ sẽ chỉ diễn ra một khi Mỹ trả lại Philippines ba quả chuông Balangiga mà quân đội Mỹ mang về nước như chiến tích sau vụ thảm sát Balangiga năm 1901, thời chiến tranh Philippines-Mỹ (1899-1902).
“Nếu các quả chuông Balangiga không được trả, chúng tôi không có điều gì để nói” - ông Duterte kiên quyết, nói rằng các ký ức về các quả chuông “vẫn luôn ám ảnh mọi người ở đây vì chúng bị lấy đi cùng với máu và sinh mạng”.
Ba quả chuông được đặt tại nơi từng là căn cứ của Lữ đoàn Bộ binh số 11 tại căn cứ không quân F.E. Warren ở TP Cheyenne, bang Wyoming, Mỹ. Ảnh: INQUIRER
Vụ thảm sát xảy ra tháng 9-1901, sau khi một nhóm người Philippines tấn công giết 48 lính Mỹ đóng quân ở Balangiga. Hậu quả, lính Mỹ đã thực hiện một vụ thảm sát khiến khoảng 2.500 người Philippines ở Balangiga thiệt mạng.
Trong tháng 8 này, một số nghị sĩ Mỹ lên tiếng rằng sẽ trả các quả chuông cho Philippines.
Cân nhắc mua tàu ngầm Nga hoặc Hàn Quốc
Philippines trước nay vốn phụ thuộc nhiều vào Mỹ trong việc cung cấp vũ khí nhưng thời gian gần đây bắt đầu chuyển hướng sang các thị trường Trung Quốc và Nga. Các hạng mục đang được Philippines cân nhắc là tàu tuần tra, trực thăng, xe bọc thép và cả tàu ngầm. Hiện Nga đang chào mời Philippines mua tàu ngầm lớp Kilo, thậm chí nói sẵn sàng cho vay nếu nước này không đủ tiền.
Cả Trung Quốc và Nga đều có cung cấp miễn phí cho Philippines một số loại vũ khí nhỏ như súng ống. Trong khi đó, Mỹ từ chối bán súng trường tấn công cho Philippines với lý do lo ngại về nhân quyền nước này trong bối cảnh ông Duterte đang tiến hành cuộc truy quét tội phạm ma túy.
Ông Duterte bên một khẩu súng trường. Mỹ từ chối bán súng trường tấn công cho Philippines. Ảnh: AFP
Đầu tuần này, Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana vẫn sang Nga bàn chuyện mua tàu ngầm và một số thiết bị quốc phòng khác sau khi tiếp và nghe lời cảnh cáo từ ông Schriver.
Nói với báo chí ngày 23-8, ông Lorenzana nói Philippines vẫn chưa quyết định chuyện mua tàu ngầm Nga, đang cân nhắc thêm khách hàng Hàn Quốc.
“Tàu Nga làm thì tốt hơn nhưng đắt hơn. Chúng tôi không phải nước giàu, có thể chúng tôi sẽ chọn phương án vừa tiền hơn. Chờ xem đã, vẫn chưa có quyết định”.