Thu hoạch 'vàng đen' nhiều nguy hiểm, chủ vườn hồ tiêu khó kiếm nhân công

(PLO)- Mùa thu hoạch hồ tiêu năm nay, nhiều chủ vườn tại Đắk Lắk, Đắk Nông phải đăng tải tìm kiếm người làm trên mạng xã hội, hứa cho xe đưa đón từ nhà đến rẫy.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Hồ tiêu được ví như “vàng đen” vì có thời điểm giá cao, mang lại lợi nhuận lớn cho người dân Tây Nguyên, trong đó có tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông. Thế nhưng, công việc thu hoạch hồ tiêu nguy hiểm, chủ vườn khó kiếm nhân công.

Khó tìm lao động

Những ngày cuối tháng 2-2024, người dân tại Đắk Lắk, Đắk Nông và các tỉnh khác trên địa bàn Tây Nguyên tất bật vào vụ thu hoạch hồ tiêu.

Hiện, giá hồ tiêu đang tăng (hơn 90.000 đồng/1 kg) khiến bà con nông dân phấn khởi. Trên nương rẫy, nhiều người cùng nhau bắc thang, kéo bạt thu hoạch hồ tiêu.

hồ tiêu 4.JPG
Nhiều người kéo bạt hái hồ tiêu. Ảnh: T.T

Thế nhưng, việc kiếm nhân công tại địa phương khó, nhiều chủ vườn trên địa bàn Đắk Lắk, Đắk Nông liên tục đăng tải thông tin, tìm người thu hoạch hồ tiêu lên mạng xã hội, hứa cho xe đưa đón từ nhà đến tận nương rẫy.

Ông Phạm Văn Qúy (xã Ea Ning, huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk) cho biết hiện 5 sào hồ tiêu của gia đình ông đã chín. Nhiều chùm hạt hồ tiêu đã rơi rụng xuống đất.

Theo ông Qúy, năm nay việc tìm nhân công hái hồ tiêu khó. Bởi lẽ, hái tiêu chỉ là công việc thời vụ, ngắn ngày. Đa phần lực lượng nhân công trẻ đã vào các thành phố lớn hoặc tìm những công việc ổn định để làm.

“Tôi tìm mãi mới có được mấy người để hái tiêu. Đa số người hái tiêu đều ở tuổi trung niên”, ông Qúy nói.

hồ tiêu 7.jpg
Nhiều chùm hạt hồ tiêu chín rụng dưới đất. Ảnh: T.T

Theo anh Hoàng Duy Minh, một người đang tuyển nhân công hái hồ tiêu tại Đắk Nông, năm nay khó kiếm người hái hồ tiêu hơn những năm trước.

“Tôi quen mấy chủ vườn nên họ nhờ kiếm người hái hồ tiêu. Năm nay thật sự khó kiếm người. Tôi kiếm trực tiếp không được nên đăng tải thông tin lên nhiều trang mạng xã hội nhưng vẫn chưa đủ người hái hồ tiêu theo nhu cầu”, anh Minh nói.

Anh Y Thim Niê (ngụ xã Ea Bhốk, huyện Cư Kuin), cho biết mỗi ngày hái hồ tiêu thuê, anh được trả công gần 300.000 đồng.

hồ tiêu 2.JPG
Mùa thu hoạch hồ tiêu đang diễn ra. Ảnh: T.T

Theo anh Y Thim, do việc thu hoạch hồ tiêu nhẹ nhưng phải leo cao, nhiều nguy hiểm, đòi hỏi sự khéo léo, tỉ mỉ nên ít người theo làm hơn những công việc thời vụ khác.

Nghề nguy hiểm

Mỗi lần nhắc đến công việc leo trèo, hái hồ tiêu, sắc mặt bà Lê Thị Ngọc (43 tuổi, ngụ xã Ea Ning, huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk) thay đổi hẳn vì ám ảnh.

Theo bà Ngọc, mấy năm trước bà leo lên chiếc thang có độ cao khoảng 6 m để hái hồ tiêu thuê. Do gió to, bà Ngọc té xuống đất.

hồ tiêu 8.jpg
Bà Ngọc mang tật nguyền vì té ngã khi hái hồ tiêu. Ảnh: T.T

Bà Ngọc được người thân đưa đi bệnh viện thăm khám, điều trị vì gãy xương sống. Sau nhiều tháng nằm viện, bà Ngọc được trở về nhà nhưng hai chân cứ teo tóp dần, đi lại không bình thường như trước.

“Cha mẹ đã bán bớt đất để chạy chữa cho tôi. Thế nhưng, chân tôi ngày càng nhỏ lại, bước đi không vững, mất khả năng lao động. Chỉ vì chút bất cẩn mà tôi tàn tật, phải sống nhờ cha mẹ già”, bà Ngọc nói.

Trao đổi với PLO, ông Phạm Bá Thủy, Chủ tịch UBND xã Ea Ning, xác nhận địa bàn xã Ea Ning có khoảng 900 ha hồ tiêu. Trong đó, có nhiều diện tích hồ tiêu được trồng bằng trụ sống (cho hồ tiêu bám và leo vào cây tự nhiên) nên rất cao.

Theo ông Thủy, khi thu hoạch hồ tiêu, nhiều người phải bắc thang, leo trèo lên cao và dễ bị té ngã.

“Các trụ tiêu sống thường cao 6-10m. Hầu như năm nào trên địa bàn xã cũng có người té, bị thương khi thu hoạch hồ tiêu. Riêng năm 2022 và 2023, trên địa bàn xã có hai trường hợp bị té dẫn đến tử vong khi hái hồ tiêu”, ông Thủy trao đổi.

hồ tiêu 6.jpg
Người thu hoạch hồ tiêu thường phải leo trèo cao. Ảnh: T.T

Ông Nguyễn Thanh Minh, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Cư Kuin, cho biết toàn huyện có 4.500 ha hồ tiêu, sản lượng ước tính khoảng 12.000 tấn/năm.

Theo ông Minh, thời gian qua, huyện Cư Kuin đã phối hợp với các đoàn thể, địa phương cấp xã và các thôn buôn liên tục khuyến cáo bà con hạ độ cao các trụ tiêu, chằng néo thang, đeo dây đai bảo vệ lúc leo trèo… để hạn chế tai nạn khi lao động.

Theo bác sĩ Huỳnh Như Đồng, Trưởng khoa Ngoại thần kinh, Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên (Đắk Lắk), mỗi vụ thu hoạch hồ tiêu, bệnh viện tiếp nhận hàng chục trường hợp gãy cột sống, gãy tay, chân vì té thang khi leo trèo.

Bác sĩ Đồng cho biết đa số các nạn nhân đều té từ độ cao nên bị chấn thương nặng, nếu không vào viện kịp thời, các bệnh nhân phải chịu di chứng, ảnh hưởng đến sức khỏe về sau.

Toàn tỉnh Đắk Lắk có gần 33.000 ha hồ tiêu, sản lượng ước tính hơn 82.000 tấn, chiếm khoảng 40% diện tích, 43% sản lượng hồ tiêu vùng Tây Nguyên.

Theo Sở LĐ-TB-XH Đắk Lắk, hằng năm đơn vị đều có văn bản gửi các địa phương để nắm bắt, tổng hợp thông tin về nhu cầu thuê lao động, tổng hợp số lượng, nhu cầu thuê mướn lao động.

Qua đó, Sở LĐ-TB-XH sẽ phối hợp với các địa phương và Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Đắk Lắk để cung cấp thông tin, giới thiệu việc làm cho người lao động, không để xảy ra tình trạng đứt, gãy lao động, làm ảnh hưởng đến việc thu hoạch các loại nông sản như cà phê, hồ tiêu…ảnh hưởng đến tiến độ thu hoạch của người dân.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm