Thù lao nhân chứng chỉ bằng suất cơm bụi?

Hiện nay khi nhân chứng tham gia các vụ án sẽ được thù lao 70.000 đồng/ngày và trả ngay tại tòa. Đây là mức thù lao khá thấp, bị đánh giá là không tương xứng với tính chất công việc làm chứng tại tòa.

Hiện Chính phủ đang lấy ý kiến về dự thảo nghị định hướng dẫn thi hành pháp lệnh chi phí giám định, định giá, chi phí cho người làm chứng, người phiên dịch trong tố tụng do Bộ Tài chính chủ trì soạn thảo. Điều đáng nói là thù lao cho người làm chứng theo dự thảo nghị định còn thấp hơn cả mức hiện tại và thủ tục chi trả lại quá rườm rà.

Thù lao quá thấp, thủ tục rườm rà

Theo dự thảo nghị định, chi phí của người làm chứng bao gồm chi phí đi lại, chi phí lưu trú và các chi phí khác theo quy định khi kết thúc công việc làm chứng, phiên dịch được triệu tập trong các hoạt động tố tụng. Đơn vị tính là theo số ngày họ thực tế tham gia phiên tòa, phiên họp và các hoạt động tố tụng khác giải quyết vụ án hình sự, dân sự, hành chính. Có hai loại thù lao đó là thù lao cho người làm chứng và tiền lương cho người thực hiện giám định, định giá với vai trò là người làm chứng được tòa triệu tập.

Về mức thù lao cụ thể, khoản 2 Điều 14 dự thảo nghị định quy định nếu người làm chứng tham gia phiên tòa thì được hưởng bằng 100% mức lương cơ sở (đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang) tính theo ngày. Nếu người làm chứng không phải đang tham gia phiên tòa mà chỉ tham gia các phiên họp và các hoạt động tố tụng khác giải quyết vụ án hình sự thì thù lao của họ chỉ còn một nửa (50% mức lương cơ sở tính theo ngày). Với trường hợp người thực hiện giám định, định giá với vai trò là người làm chứng tại tòa thì tiền lương bằng 200% mức lương cơ sở tính theo ngày (khoản 1 Điều 14 dự thảo).

 
Một nhân chứng (cầm micro) trong một phiên xử lưu động của TAND tỉnh Bình Dương. Ảnh minh họa: T.TÙNG

Hiện nay theo Nghị định 66-2013 của Chính phủ thì mức lương cơ sở là 1.150.000 đồng/tháng. Do dự thảo nghị định không nói rõ hơn về cách tính toán ngày lương cơ sở nên sẽ có hai cách tính:

Cách thứ nhất, nếu tính theo ngày làm việc thì một tháng có 22 ngày làm việc và ngày lương cơ sở sẽ là hơn 52.000 đồng. Như vậy thù lao cho người làm chứng sẽ từ hơn 26.000 đồng/ngày đến hơn 104.000 đồng/ngày tùy trường hợp.

Cách thứ hai, nếu chia bình quân theo cách hiểu một tháng có 30 ngày thì ngày lương cơ sở sẽ là hơn 38.000 đồng. Như vậy thù lao cho người làm chứng sẽ từ hơn 19.000 đồng/ngày đến hơn 76.000 đồng/ngày tùy trường hợp.

Có thể thấy tính theo cách nào thì thù lao của một người làm chứng cũng quá ít ỏi. Trong trường hợp người làm chứng không phải đang tham gia phiên tòa mà chỉ tham gia các phiên họp hay các hoạt động tố tụng khác giải quyết vụ án hình sự thì thù lao của họ chỉ từ hơn 19.000 đồng/ngày đến hơn 26.000 đồng/ngày, chỉ bằng một suất cơm bụi!

Chưa kể, Điều 17 dự thảo nghị định quy định thủ tục đề nghị thanh toán thù lao và tiền lương này rất rườm rà. Theo đó, khi kết thúc việc làm chứng, người đề nghị phải làm một bộ hồ sơ trong đó giấy đề nghị thanh toán phải có tên, địa chỉ, mã số thuế; nội dung chi phí đề nghị và phương thức thanh toán. Họ còn phải gửi kèm giấy triệu tập của cơ quan tố tụng, phôtô giấy tờ tùy thân, tài liệu, chứng từ có liên quan đến việc yêu cầu thanh toán để chứng minh các khoản chi phí hợp lý. Trong thời hạn tối đa là 15 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ và tham khảo ý kiến của các cơ quan có liên quan (nếu có), cơ quan tố tụng mới thanh toán chi phí cho người làm chứng.

Bước lùi đáng lo ngại

Luật sư Nguyễn Thế Phong (Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Long An) nhận xét quy định như dự thảo là bước lùi đáng lo ngại trong hoạt động tố tụng.

Luật sư Phong phân tích: Có một thực tế là hiện nay bản thân người dân rất ngại tới tòa làm chứng, không chỉ vì sợ phiền hà mất thời gian, sợ trách nhiệm, sợ bị trả thù mà còn vì thù lao quá ít. Ví dụ, làm một người thợ xây, được hưởng ngày công từ 250.000 đồng đến 300.000 đồng/ngày. Nếu họ bỏ việc đi làm chứng trong một vụ án bị ngắt khúc liên tục, có khi kéo dài hàng năm trời với mức thù lao bèo bọt như trên thì chắc chắn không ai muốn đi.

Theo luật sư Phong, cần phải điều chỉnh lại thù lao cho người làm chứng cho phù hợp với thực tế. Với tình hình hiện nay, nếu nhân chứng có địa chỉ ở gần tòa thì nên trả theo kiểu “giao khoán” cho họ 300.000 đồng hoặc 400.000 đồng/ngày. Nếu họ ở cách xa tòa thì phải thêm cho họ chi phí đi lại và ăn ở (tiền vé xe, tiền xăng, tiền ăn trưa). “Như vậy mới gọi là bù đắp được phần nào công sức mà người làm chứng phải bỏ ra để phục vụ quá trình tố tụng theo yêu cầu. Cần phải tạo sự hấp hẫn về thù lao để huy động sự tự giác và có khi nó cũng nâng cao tính trung thực từ nhân chứng. Ngược lại, nếu tiếp tục để người dân có tâm lý mệt mỏi, thoái thác, ngán ngại việc làm chứng thì suy cho cùng hoạt động tư pháp sẽ bị ảnh hưởng. Tôi nghĩ không chỉ phải bổ sung thù lao mà còn phải có chế độ khuyến khích vật chất và tinh thần khác cho những người làm chứng” - luật sư Phong nói.

Về thủ tục thanh toán, luật sư Trần Công Ly Tao (Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP.HCM) nhận xét: “Bắt nhân chứng phải làm thủ tục xét duyệt rồi chờ nửa tháng mới được nhận thù lao thì chẳng khác nào hành họ. Một người ở cách tòa 100 km, làm chứng xong, họ về nhà làm hồ sơ rồi lại bắt xe đò lên nộp hồ sơ, nửa tháng sau lại bắt xe đến nhận kết quả. Đấy là chưa kể trường hợp hồ sơ còn thiếu hoặc trục trặc khác như cán bộ tòa đi vắng, tòa chưa có tiền… Trong khi các chứng từ, hóa đơn để xin thanh toán rất dễ bị thất lạc, mất mát nếu quá trình giải quyết vụ án bị ngắt khúc hoặc quá lâu. Ngoài ra, những chi phí cho việc đi lại như vậy ai phải chịu hay lại bổ vào đầu nhân chứng? Đã trả thù lao quá thấp mà lại còn bắt đi lên đi xuống thì đương nhiên nhân chứng sẽ ngại và né tránh trách nhiệm”.

Từ đó, luật sư Ly Tao đề xuất cứ nên làm như hiện nay là khi kết thúc một phiên xử hoặc ngày xét xử, thư ký phiên tòa mời người làm chứng đến ký nhận tiền luôn.

THANH TÙNG

 

Thù lao phải tương xứng trách nhiệm, nghĩa vụ

Nhân chứng là người chứng kiến sự việc, giúp cơ quan tố tụng làm sáng tỏ bản chất của vụ án. Họ có những nghĩa vụ, trách nhiệm rất nặng nề, chẳng hạn nếu từ chối khai báo hoặc khai báo gian dối thì có thể bị khởi tố, tòa triệu tập mà không đến thì có thể bị áp giải. Chưa kể để đi làm chứng họ phải mất thời gian, công sức, tạm ngưng công việc đang làm, đối mặt với nguy cơ bị người khác căm ghét, trả thù, lại không được ai bảo vệ. Trong khi đó thù lao cho họ lại chưa bằng tiền công của một người phụ hồ là quá bất hợp lý.

Tôi nghĩ rằng Bộ Tài Chính nên nghiêm túc xem lại dự thảo nghị định của mình để đảm bảo tính hợp tình, hợp lý.

Luật sư PHAN NGỌC NHÀN,
Đoàn Luật sư tỉnh Đắk Lắk

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm