Thủ lĩnh Tư Chu và biệt động Sài Gòn - Bài 1: F100 và kế hoạch X

LTS: Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy tết Mậu Thân 1968 đã tạo ra bước ngoặt của cuộc kháng chiến chống Mỹ. Kế hoạch này đã được soạn thảo từ năm 1964 với dự định tiến lên giành thắng lợi vào cuối giai đoạn chiến lược chiến tranh đặc biệt. Lực lượng F100 - đoàn biệt động Quân khu Sài Gòn-Gia Định được thành lập cũng nhằm phục vụ cho kế hoạch này.

Năm 1965, ông Tư Chu, tức Đại tá Nguyễn Đức Hùng (vừa từ trần ngày 16-5), chính thức được giao nhiệm vụ chỉ huy trưởng đoàn biệt động Quân khu Sài Gòn-Gia Định F100 khi lực lượng này được thành lập.

Những trận đánh khiến quân thù bạt vía

Là người gần gũi và gắn bó máu thịt với lực lượng F100, hơn ai hết, ông Tư Chu hiểu rất rõ lực lượng này, từ nhiệm vụ tác chiến cho đến tinh thần, tâm tư của các chiến sĩ biệt động sau mỗi chiến công thầm lặng của họ.

Sinh thời, ông Tư Chu từng chia sẻ: “Lực lượng này có hai nhiệm vụ chính. Một là anh đánh, đánh mạnh vào, đánh tiêu diệt nhiều sinh lực địch, tập trung chủ yếu vào thằng Mỹ. Thứ hai, mà nhiệm vụ này mới quan trọng, là chuẩn bị cho thời cơ chiến lược. Mà thời cơ chiến lược này diễn ra như hồi Mậu Thân, là tập kích vào các cơ quan đầu não của Mỹ và chế độ cũ ở Sài Gòn. Nghĩa là ban đầu anh tập kích, anh đánh cho sập các bộ phận chỉ đạo của nó để mà tạo điều kiện cho quần chúng nổi dậy. Muốn chuẩn bị cái này thì anh phải có kho tàng trong thành phố, phải có lực lượng sẵn sàng ở trong, phải nghiên cứu chuẩn bị mục tiêu ở trên quy định. Nghĩa là tất cả mấy cái đó phải sẵn sàng. Đến khi thời cơ đến thì anh ở trong thành phố anh nhảy ra đánh thôi”.

Thủ lĩnh Tư Chu và biệt động Sài Gòn - Bài 1: F100 và kế hoạch X ảnh 1

Các cựu chiến sĩ biệt động Sài Gòn thắp hương tưởng niệm trước miếu thờ các liệt sĩ biệt động Sài Gòn tại cổng sau dinh Độc Lập (nay là Hội trường Thống Nhất). Ảnh: qdnd.vn.

Và như vậy nên sự ra đời của lực lượng F100 nhằm mục đích phục vụ cho cuộc tổng tiến công và nổi dậy, tức kế hoạch X, ban đầu dự định diễn ra vào thời điểm năm 1965. Đại tá Vũ Ba - nguyên cán bộ tham mưu miền xác nhận: “Vào thời điểm đó, ở trong này đã in sẵn tiền của Mặt trận giải phóng. Chuẩn bị cả về lực lượng, bộ đội cùng nhiều thứ khác. Định là sẽ giành thắng lợi cuối cùng trong năm 1964 đầu 1965. Nhưng trước nguy cơ Mỹ có thể đổ quân trực tiếp tham chiến tại miền Nam Việt Nam, Trung ương đã quyết định hoãn kế hoạch này lại, tiếp tục chuẩn bị cho đến khi nào có thời cơ thì đánh. Và thời cơ đó là Mậu Thân 1968”.

Kế thừa truyền thống của lực lượng biệt động Sài Gòn-Gia Định thời chống Pháp, với tiền thân là những đội vũ trang, tự vệ của người dân Sài Gòn, các ban công tác thành từ thời tướng Nguyễn Bình, lực lượng F100 trước khi bước vào chiến dịch Mậu Thân 1968, dưới sự chỉ huy của “ông trùm biệt động” Tư Chu đã đánh những trận vang dội. Đó là các trận đánh vào các mục tiêu trọng yếu của Mỹ và chính quyền Sài Gòn như trận đánh sập tòa Đại sứ Mỹ (tháng 3-1965), trận phá hủy Tổng nha cảnh sát Sài Gòn (tháng 8-1965), đặt thuốc nổ cư xá Métropol (tháng 12-1965), cư xá hỗn hợp Victoria (tháng 4-1966), pháo kích ngày lễ quốc khánh VNCH (tháng 11-1966), tham gia tập kích sân bay Tân Sơn Nhất (tháng 12-1966)…

Mục tiêu: Đánh sập các cơ quan đầu não

Cựu thủ lĩnh F100 nhớ lại, để phục vụ cho kế hoạch X, ngay tại thời điểm lực lượng này ra đời, ông đã được cấp trên giao nhiệm vụ điều nghiên 25 mục tiêu quan trọng ở Sài Gòn. Nhưng sau ba năm nghiên cứu kỹ lưỡng, đến thời điểm chuẩn bị cho Mậu Thân, ông mới chỉ xác định và chuẩn bị được chín mục tiêu. Và trên thực tế khi vào chiến dịch, lực lượng biệt động chỉ nổ súng tấn công tại năm trong số chín mục tiêu đó.

Giải thích tại sao lại có sự chênh lệch này, ông Tư Chu cho biết do sự cố trong hiệp đồng tác chiến, các đội biệt động đánh mục tiêu Biệt khu thủ đô, Tổng nha cảnh sát Sài Gòn không thể nổ súng đúng giờ G, buộc phải hủy kế hoạch. Đơn vị đánh khám Chí Hòa giữa đường hành quân bị lộ nên phải rút. Còn mục tiêu cổng Phi Long - sân bay Tân Sơn Nhất thì kho vũ khí chuẩn bị cho lực lượng đánh trận bị rỉ sét, hư hỏng nặng, không dùng được. Do vậy, Đội 8 biệt động phải chuyển hướng, hợp sức cùng Đội 9 đánh chiếm mục tiêu Bộ Tổng tham mưu ngụy.

Và ngay trước thời cơ lịch sử, lực lượng F100, đơn vị biệt động được biên chế lại thành ba cụm biệt động cho gọn nhẹ, tránh nguy cơ bị lộ và thuận tiện cho việc chỉ huy và hiệp đồng tác chiến. Nhiệm vụ của các cụm này là phải đánh chiếm Bộ Tổng tham mưu, Biệt khu thủ đô, khám Chí Hòa, sân bay Tân Sơn Nhất, dinh Độc Lập, Tổng nha cảnh sát, Bộ Tư lệnh hải quân, đài phát thanh, Đại sứ quán Mỹ. Riêng mục tiêu Đại sứ quán Mỹ chỉ được Bí thư khu ủy Võ Văn Kiệt chỉ thị bổ sung một tuần trước ngày chiến dịch nổ ra (24-1-1968).

Thủ lĩnh Tư Chu và biệt động Sài Gòn - Bài 1: F100 và kế hoạch X ảnh 2

Thủ lĩnh Tư Chu và biệt động Sài Gòn - Bài 1: F100 và kế hoạch X ảnh 3

Trận đánh vào cư xá Brink vào tháng 12-1964 do lực lượng F100 thực hiện. Trong ảnh: Cột khói bốc cao tại Brink và cảnh cư xá tan hoang sau trận đánh. Ảnh tư liệu

Thời khắc lịch sử

Vào thời điểm xảy ra sự kiện Mậu Thân chấn động cả thế giới, trong nội đô Sài Gòn, quân phòng thủ của đối phương gồm: bốn sư đoàn Mỹ, bốn sư đoàn quân đội Sài Gòn, tám tiểu đoàn lính thủy đánh bộ, một tiểu đoàn an ninh thủ đô.

Đối đầu với lực lượng hùng hậu đó là 88 chiến sĩ thuộc lực lượng đặc biệt tinh nhuệ của biệt động Sài Gòn. Một sự đối sánh có thể làm kinh ngạc và giật mình với những bộ óc phân tích chiến tranh sắc sảo nhất.

Nhiệm vụ của 88 con người ấy là thực hiện những đòn tấn công, tập kích, chiếm và giữ các mục tiêu với sự tiếp ứng của các lực lượng thanh niên, sinh viên trong nội đô, tạo điều kiện cho các tiểu đoàn mũi nhọn của các phân khu tiến vào chiếm lĩnh mục tiêu.

Ông Tư Chu kể công tác chuẩn bị và bảo đảm cho chừng đó con người cùng xung trận trong đợt 1 Mậu Thân thật không dễ dàng và vô cùng phức tạp. Giữa một vòng vây bố phòng dày đặc, kiểm soát gắt gao, làm thế nào để đưa một lượng lớn vũ khí vào thành là vấn đề sinh tử. Trực tiếp đánh là 88 chiến đấu viên. Nhưng đằng sau đó còn là hàng trăm con người làm công tác giao liên, vận chuyển vũ khí, giữ kho và phục vụ chiến đấu. Cách ngụy trang của dân mình, theo ông là vô cùng khéo léo và kín đáo. Có đợt ông đi kiểm tra, không thể nhận ra chỗ nào là nơi cất giấu vũ khí giữa rất nhiều hàng hóa đang chuẩn bị được các mũi giao liên chuyển vào thành.

Chị Lê Thị Kim Liên nhớ lại, vào năm cha chị - ông Lê Tấn Quốc, chỉ huy phó Đội 5 biệt động - tham gia đánh trận dinh Độc Lập, chị mới 13 tuổi. Trước trận đánh khoảng 5-6 tháng, chị được cha dắt đến mục tiêu dinh Độc Lập, dặn dò chị phải đếm kỹ lưỡng tổng số bước chân, từ một góc đường cho thẳng đến các cửa chính và cửa hông của dinh thự này rồi về báo lại cho cha. Vì lúc đó địch chặn hết các ngả đường, người lớn không đi được, chỉ có trẻ con mới không bị để ý, kiểm soát.

Đêm 30 tết, cha chị trở về nhà, dẫn theo các cô chú trong Đội 5 biệt động. “Lúc bấy giờ ba tôi với các chú, các anh có lập một bàn thờ tuyên thệ như vầy: Chúng tôi thề hy sinh tính mạng, tài sản gia đình để phục vụ cho chuyến đi này! Lúc đó tôi thấy không khí rất long trọng”.

Trước giờ xuất kích, cha chị dặn dò: “Ba ra đi, có khả năng ba về, mà cũng có khả năng ba không về…”. Nào ngờ giây phút đó đã trở thành lời trăng trối sau cùng, mà mãi đến sau ngày đất nước thống nhất chị Liên mới biết cha mình đã anh dũng hy sinh trong trận chiến đó.

Đạo diễn LÊ PHONG LAN

Kỳ tới: Bản hùng ca bất tử

Do kế hoạch hợp đồng tác chiến bị trục trặc, 88 chiến sĩ thuộc lực lượng đặc biệt tinh nhuệ của biệt động Sài Gòn đã phải đơn độc chiến đấu đến viên đạn cuối cùng…

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm