Mới đây, Sở GTVT TP.HCM trình UBND TP về rà soát hiện trạng hạ tầng giao thông đường bộ để xây dựng đề án thu phí sử dụng tạm thời một phần lòng đường, hè phố. Trong đó, Sở GTVT đã liệt kê ra các trường hợp sử dụng tạm thời một phần hè phố phải đóng phí. Hiện Sở Tư pháp và các địa phương đang rà soát và sẽ tiến hành thu phí trong thời gian tới.
Hàng loạt tuyến đường bị lấn chiếm
Theo ghi nhận của PV, hàng loạt tuyến đường ở TP.HCM đang bị lấn chiếm để sử dụng cho mục đích riêng. Đơn cử như các tuyến đường Nguyễn Du, Lý Tự Trọng, Hàn Thuyên, Công xã Pari (quận 1)… đều được sử dụng để trông giữ xe, phục vụ ăn uống.
Điển hình đường Lý Tự Trọng, một số chủ tiệm đã bày bàn ghế ra hết vỉa hè để bán đồ ăn, nước uống phục vụ người dân. Tương tự, vỉa hè trên đường Công xã Pari cũng được trải những tấm thảm để phục vụ cà phê bệt. Tại lòng đường những tuyến đường trên là hàng chục ô tô dừng, đỗ gây mất mỹ quan đô thị.
Trước thực trạng trên, Sở GTVT TP cho biết hiện nay sở đang tiến hành rà soát hiện trạng hạ tầng giao thông đường bộ để xây dựng đề án thu phí sử dụng tạm thời một phần lòng đường, hè phố trên địa TP. Từ đó xây dựng đề án thu phí sử dụng tạm thời một phần lòng đường, hè phố phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương.
Sở GTVT cũng đưa ra những trường hợp sử dụng tạm thời một phần hè phố phải đóng phí như: Điểm tổ chức kinh doanh dịch vụ, mua bán hàng hóa; điểm bố trí các công trình, tiện ích phục vụ giao thông công cộng có thu tiền sử dụng; điểm lắp đặt các công trình tạm, các trụ quảng cáo tạm; tổ chức các hoạt động văn hóa (thể thao, diễu hành, lễ hội); điểm trông, giữ xe phục vụ hoạt động văn hóa…
Ba trường hợp sử dụng tạm thời một phần lòng đường phải đóng phí gồm: Tổ chức các hoạt động văn hóa và điểm trông giữ ô tô phục vụ các hoạt động văn hóa có thu tiền sử dụng; điểm trung chuyển rác thải sinh hoạt của doanh nghiệp vệ sinh môi trường đô thị; bố trí điểm trông giữ xe có thu phí.
TP.HCM sẽ triển khai thu phí ở lòng đường, vỉa hè trong thời gian tới. Ảnh: ĐT |
Cần sự đồng thuận của người dân
Đại diện UBND phường 4, quận Tân Bình cho biết công tác xử phạt tình trạng lấn chiếm lòng đường, vỉa hè cũng có nhiều khó khăn. Tuy nhiên, UBND phường cũng thường xuyên tuyên truyền, vận động người dân chừa lối cho người đi bộ. Tất nhiên, những trường hợp vi phạm đều bị xử phạt hành chính.
Góp ý về vấn đề thu phí lòng đường, vỉa hè, vị đại diện này cho biết: TP nên rà soát lại tất cả tuyến đường dự kiến có triển khai thu phí. Trong đó, các tuyến bao gồm hè phố và lòng đường có thu phí phải đáp ứng các điều kiện về đảm bảo an ninh trật tự, mỹ quan đô thị, diện tích của vỉa hè đủ rộng… Đặc biệt là phải đảm bảo diện tích đi bộ phục vụ người dân.
Mặt khác, để xem xét các tuyến đường này cũng cần có sự phối hợp với các ngành, quản lý đô thị, UBND phường, công an phường và quận... Đặc biệt, các địa phương, TP cần lấy ý kiến tham khảo của người dân trước khi triển khai thu phí.
Từ các yếu tố trên, TP cần ban hành quy định cụ thể về diện tích sử dụng, diện tích để sử dụng công cộng cho người đi bộ, sinh hoạt và cả mức phí. Song song đó, TP cần ban hành các quy định chế tài các hành vi vi phạm lấn chiếm dù đã được cấp phép.
“Trước tiên, TP nên thí điểm tại một số khu vực đảm bảo đủ điều kiện, đặc biệt là diện tích và mỹ quan đô thị. Đồng thời, TP cũng cần tính toán tới công tác nhân sự, kiểm tra và xử lý các trường hợp vi phạm…” - vị đại diện nhận định.
Tương tự, đại diện UBND quận 4 cho biết hiện nay quận nhận được thông tin về việc khảo sát, thu phí một số tuyến đường, hè phố. Khi triển khai thu phí tất nhiên sẽ có yếu tố tích cực, cả những mặt làm được và khó khăn nhất định. Thời gian qua, UBND quận 4 cũng đã rất quyết liệt trong việc giải quyết tình trạng lấn chiếm lòng đường, vỉa hè trên địa bàn TP. Việc thu phí hè phố sẽ phần nào giải quyết tình trạng lấn chiếm lòng đường, vỉa hè ở TP.
TS khoa học Ngô Viết Nam Sơn, chuyên gia quy hoạch đô thị, cho biết ông ủng hộ đề án thu phí lòng đường, vỉa hè. Theo ông, việc triển khai thu phí lòng đường, vỉa hè sẽ giúp TP.HCM chỉnh trang đô thị hơn.
Ông Sơn nhận định hiện nay vỉa hè ở TP.HCM bên cạnh dùng để đi bộ còn dùng để bán hàng rong, trông giữ xe, kinh doanh. Theo đó, việc triển khai thu phí là hoàn toàn hợp lý song cần triển khai một cách bài bản. TP cần tính toán, đặt lợi ích của người dân lên trên và cũng cần có sự đồng thuận của người dân.
Về phương án triển khai, TS Ngô Viết Nam Sơn cho rằng TP cần hướng đến mục tiêu cụ thể. TP nên chú trọng không gian quy hoạch đô thị chứ không nên đặt nặng vấn đề nguồn thu ngân sách. TP cũng cần khảo sát các tuyến đường, kết hợp với các ban ngành chức năng để tổ chức thu phí theo từng khu vực cụ thể.•
Thu phí gửi xe lòng đường giúp giảm ùn tắc
Hiện nay, TP cũng đã triển khai thu phí đậu xe dưới lòng đường theo ngày chẵn, lẻ. Tại đây, các tuyến đường có thu phí khá ổn định với lượng phương tiện lớn. Theo Sở GTVT TP, việc tổ chức thu phí đậu xe dưới lòng đường góp phần giảm đậu xe, ùn tắc ở khu vực trung tâm TP.
Thu phí giữ xe dưới lòng đường ở TP.HCM đang hoạt động ổn định. Ảnh: ĐT |
Trước đó, từ năm 2018, TP đã triển khai thu phí đậu xe trên 20 tuyến đường tại các quận 1, 5 và 10 với khoảng 1.000 vị trí đậu xe. Mức phí lũy tiến theo thời gian, mức thu thấp nhất 20.000-25.000 đồng/xe/
giờ đầu tiên. Hình thức thu phí đậu xe bằng công nghệ, không dùng tiền mặt.