Sáng 1-3, Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM tổ chức lấy ý kiến góp ý, phản biện đề án “Tăng phí bảo vệ môi trường (BVMT) đối với nước thải công nghiệp” trên địa bàn TP. Ngoài loại phí này, TP cũng đang xây dựng phương án thu phí dịch vụ thoát nước.
Bổ sung đối tượng thu phí
Ông Trần Nguyên Hiền, Chi cục trưởng Chi cục BVMT TP.HCM, cho biết hiện nay mức thu phí BVMT đối với nước thải công nghiệp còn quá thấp. Bên cạnh đó, đối tượng thu phí cũng chưa hợp lý, nhiều ngành nghề phát sinh nước thải ô nhiễm nhưng chưa được thu phí, dẫn đến thiếu công bằng…
Theo ông Hiền, hiện nay mỗi năm tổng mức thu phí nước thải công nghiệp chỉ khoảng 8 tỉ đồng. Nếu điều chỉnh tăng mức phí và bổ sung đối tượng thu phí (cơ sở y tế, cơ sở xử lý chất thải rắn), ước tính mỗi năm TP sẽ thu được 60 tỉ đồng. “Mục đích của việc tăng phí nhằm hạn chế lượng nước ô nhiễm xả ra môi trường và tạo công bằng cho các đơn vị liên quan, vì hiện nay có những đơn vị xả thải ít nhưng vẫn đóng phí bằng đơn vị xả thải lớn hơn” - ông Hiền nói.
Theo cách tính trong đề án “Tăng phí BVMT đối với nước thải công nghiệp”, sau khi điều chỉnh, mức phí đối với đơn vị xả thải từ 5 m3/ngày đêm trở lên là 833 đồng/m3. Đối với những đơn vị có lưu lượng xả thải từ 5 m3/ngày đêm trở xuống cơ bản giữ nguyên với mức 1,5 triệu đồng/năm.
Đại diện cho những doanh nghiệp bị tác động bởi đề án trên, ông Trần Thanh Hồng, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Tân Thuận (chủ đầu tư hạ tầng Khu chế xuất Tân Thuận), cho rằng cần phải tính toán lại để có cách xác định mức phí hợp lý hơn. “Ví dụ như đối với Khu chế xuất Tân Thuận, chúng tôi đã xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn và có cả hệ thống quan trắc môi trường tự động, do đó việc tăng phí BVMT đối với nước thải dựa trên lưu lượng xả thải lớn là không hợp lý vì mức phí sẽ tăng cao” - ông Hồng phản ánh.
Bà Nguyễn Thị Thanh Mỹ, Phó Giám đốc Sở TN&MT, cho biết việc xây dựng đề án “Tăng phí BVMT đối với nước thải công nghiệp” được UBND TP chỉ đạo thực hiện sau khi Quốc hội có nghị quyết cho phép TP thực hiện cơ chế đặc thù để phát triển kinh tế-xã hội. “Do thời gian thực hiện đề án không nhiều nên còn những hạn chế nhất định. Đề án cần được góp ý, phản biện để tiếp tục hoàn chỉnh” - bà Mỹ bày tỏ thêm.
Những cơ sở xả thải với lưu lượng lớn sẽ trả phí bảo vệ môi trường với mức cao hơn. Ảnh: KB
Phí thoát nước thay phí môi trường
Liên quan đến phí BVMT đối với nước thải sinh hoạt, Trung tâm chống ngập TP.HCM đã trình Sở Tài chính TP thẩm định phương án xây dựng giá dịch vụ thoát nước và xử lý nước thải sinh hoạt. Nếu phương án này được thông qua, phí dịch vụ thoát nước sẽ thay thế cho phí BVMT đối với nước thải sinh hoạt.
Theo Trung tâm chống ngập, tổng chi phí cho hoạt động thoát nước giai đoạn 2016-2020 của TP ước tính hơn 5.900 tỉ đồng. Riêng trong năm 2017, chi phí chi cho hoạt động này khoảng 948 tỉ đồng, trong khi tiền thu được từ phí BVMT đối với nước thải sinh hoạt chỉ khoảng 414 tỉ đồng nên không đủ chi phí để thực hiện công tác duy tu hệ thống thoát nước…
Với lý do trên, Trung tâm chống ngập cho rằng việc thu phí dịch vụ thoát nước là cần thiết. Tiền thu từ dịch vụ thoát nước sẽ thay thế cho phí BVMT đối với nước thải sinh hoạt. “Khi trả phí dịch vụ thoát nước, người dân sẽ không phải trả phí BVMT đối với nước thải sinh hoạt (theo tỉ lệ 10% giá nước sạch) như hiện nay” - một cán bộ Trung tâm chống ngập cho biết thêm.
Theo cách tính của Trung tâm chống ngập, số tiền người dân chi trả cho dịch vụ thoát nước sẽ tương ứng với lượng nước sử dụng để sinh hoạt (do các công ty cấp nước cung cấp). Nếu so với số tiền trả phí BVMT đối với nước thải sinh hoạt (được tính với tỉ lệ 10% trên giá nước sinh hoạt) mà người dân đang chi trả, tiền dịch vụ thoát nước có tăng thêm.
Dự kiến đến giữa tháng 3, Sở Tài chính TP sẽ tổng hợp các ý kiến góp ý từ các sở, ngành, đơn vị liên quan, sau đó trình UBND TP xem xét. Tiếp đến, khi UBND TP xây dựng đề án, vấn đề này sẽ được Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM lấy ý kiến phản biện thêm.
Sẽ tính phí phù hợp cho người nghèo Hiện lộ trình thu tiền dịch vụ thoát nước chỉ mới tính cho giai đoạn đến năm 2020. Từ năm 2020 trở đi, sau khi các nhà máy xử lý nước thải trên địa bàn TP được đưa vào vận hành, mức thu phí đối với dịch vụ thoát nước sẽ tiếp tục được điều chỉnh thêm. Đối với những hộ nghèo và hộ cận nghèo, Trung tâm chống ngập TP.HCM cho biết do hiện chưa có số liệu do Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn (Sawaco) cung cấp nên chưa tính mức giá cụ thể. Sau khi có số liệu đầy đủ sẽ tính mức phí phù hợp cho nhóm đối tượng này. |