Trong Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung TP.HCM đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060, TP.HCM đưa ra một số phương án thu phí vào trung tâm giờ cao điểm (phí kẹt xe) để hạn chế phương tiện cá nhân.
Thu phí ô tô, giảm thiểu xe cá nhân
Trong kế hoạch đưa ra, TP.HCM tiến tới hạn chế xe cá nhân khu vực trung tâm TP.HCM như thu phí xe vào giờ cao điểm, số lượng đỗ xe hạn chế dưới 50% quy chuẩn kết hợp với quản lý đỗ xe theo giờ.
TP.HCM cũng tiến tới mở rộng khu vực thu phí kẹt xe đến vành đai metro trong khi hệ thống metro khu vực trung tâm đưa vào sử dụng như metro số 1, số 4, metro số 2, metro số 5, metro số 3 và metro số 6.
Đồng thời, TP cũng nghiên cứu phát triển các bến xe liên tỉnh kết hợp thương mại dịch vụ.
Song song là phát triển các nhà ga metro chính thành trung tâm giao thông xanh, bố trí tiện ích các bãi đỗ xe và điểm sạc cho phương tiện thân thiện môi trường, phục vụ cho các hành trình đầu cuối, bố trí điểm đỗ cho các phương tiện chia sẻ...
Trước đó năm 2022, Sở GTVT đã có văn bản gửi UBND TP.HCM về đề xuất thực hiện lập dự án thu phí ô tô lưu thông vào khu vực trung tâm TP. Trong đó phân tích rõ hai phương án đầu tư công và đối tác công tư (PPP).
TP đã nghiên cứu việc thu phí từ lâu
Việc nghiên cứu triển khai dự án thu phí ô tô lưu thông vào khu vực trung tâm TP là rất cần thiết. Chủ trương thu phí ô tô vào trung tâm được TP.HCM đồng ý và giao Công ty CP Công nghệ Tiên Phong nghiên cứu từ năm 2009.
Sau thời gian chuẩn bị, năm 2011, công ty hoàn tất báo cáo nghiên cứu khả thi. Doanh nghiệp đề xuất lập 36 cổng thu phí tự động trên vành đai khép kín bao quanh quận 1, quận 3 và vùng giáp ranh quận 5, quận 10.
Tại các cổng trên nhiều tuyến đường sẽ lắp các thiết bị tính phí và camera chuyên dụng nhận dạng các loại xe.
Tổng mức đầu tư toàn dự án khoảng 1.200 tỉ đồng. Mức phí đề xuất đối với xe du lịch là 30.000 đồng/lượt, các loại ô tô còn lại chịu phí 50.000 đồng/lượt. Thời gian thu phí từ 6 giờ đến 20 giờ, dự kiến hoàn vốn trong hai năm.
Chú trọng phát triển đường sắt đô thị đạt mục tiêu 35 km/triệu dân
Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung TP.HCM đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060 đã đặt mục tiêu xây dựng TP.HCM trở thành một trong các đô thị hàng đầu của khu vực.
Kế hoạch phát triển sẽ đề xuất một mạng lưới đường sắt đô thị (metro) mang tính chất tổng thể, dài hạn cho tầm nhìn đến năm 2060 với tổng chiều dài khoảng 520km (35 km/triệu dân) nhằm đạt mục tiêu 50-60% giao thông công cộng. Trong đó bao gồm 8 tuyến metro xuyên tâm, 2 tuyến metro vành đai, 1 tuyến Tram/LRT ven sông.
Trong thời hạn quy hoạch của Đồ án (năm 2040), dự kiến quy hoạch ưu tiên, tập trung hoàn thành mạng lưới metro đồng bộ với tổng chiều dài khoảng 260 km (tổng chiều dài đi ngầm của các tuyến trong giai đoạn này khoảng 100 km).
Đồ án sẽ tiếp tục xây dựng chiến lược, lộ trình, các hướng và khu vực phát triển. Các dự án ưu tiên phát triển gắn với đường sắt đô thị và mức độ đảm nhận của các loại hình giao thông công cộng khác theo các mốc thời gian quan trọng (năm 2030, 2040); có tính tới các yếu tố như hình thái đô thị, mật độ dân cư, khả năng tái thiết đô thị,...
`