‘Đề án thu phí vào nội đô là để kéo giảm kẹt xe’

Trong buổi cà phê sáng 9-8 do Sở GTVT TP.HCM tổ chức, ông Trần Quang Lâm, Giám đốc Sở GTVT, đã giải đáp những thắc mắc liên quan đến các vấn đề nóng của ngành giao thông trong thời gian qua.

“Không làm gì thì kẹt xe nghiêm trọng hơn”

Ông Trần Quang Lâm cho biết thời gian qua báo chí và dư luận đã quan tâm về nhiều vấn đề nóng trong ngành giao thông như đề án thu phí ô tô vào nội đô, làn đường ưu tiên cho xe buýt, giải quyết kẹt xe khu vực sân bay... Trong đó có một số vấn đề dư luận đang hiểu sai hoặc chưa rõ ý.

Ông Lâm lý giải: “Người dân cho rằng đề án thu phí ô tô vào nội đô có hết kẹt xe hay tình trạng này trở nên nghiêm trọng hơn? Xin thưa, diện tích mặt đường nhiều năm nay không có sự thay đổi, song dân số tăng đều qua các năm. Việc thực hiện đề án chưa ai dám khẳng định có làm hết kẹt xe hay không nhưng chúng ta không làm gì thì nó sẽ kẹt nghiêm trọng hơn”.

Tuy nhiên, việc thu phí ô tô vào nội đô TP mới chỉ là đề xuất của Sở GTVT, để đi đến thực hiện thì còn rất nhiều vấn đề. Hiện nay TP mới chỉ xem xét và chưa đồng ý với đề xuất này, song dư luận đã có nhiều phản ứng gay gắt.

“Giải pháp này là một trong những cách để kéo giảm tình trạng kẹt xe. Nếu như được UBND TP.HCM đồng ý thì chúng tôi mới tiếp tục nghiên cứu cụ thể rồi trình HĐND thẩm định. Tiếp theo, nếu được HĐND thông qua mới xác định đơn vị làm chủ đầu tư, lựa chọn đơn vị tư vấn tiến hành khảo sát, lập báo cáo nghiên cứu khả thi và các bước tiếp theo. Song để đề án thu phí ô tô được thực hiện thì hàng loạt các dự án lớn như đường vành đai 2, tuyến metro số 1 và tuyến BRT số 1 đi vào hoạt động, phải đi vào hoạt động trước” - ông Lâm nhấn mạnh.

Khu vực cửa ngõ sân bay Tân Sơn Nhất luôn kẹt xe vào giờ cao điểm. Ảnh: ĐÀO TRANG

Giải cứu sân bay Tân Sơn Nhất

Theo ông Lâm, hiện nay quy hoạch Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất chỉ 25 triệu hành khách/năm đến năm 2020 và hiện đang quá tải. Theo đó, Bộ GTVT vừa điều chỉnh quy hoạch sân bay Tân Sơn Nhất đến năm 2030 sẽ khai thác 50 triệu hành khách/năm. Tuy nhiên, hạ tầng giao thông sân bay Tân Sơn Nhất nếu cố gắng khai thác cũng đạt được 40 triệu hành khách/năm. Song với tốc độ phát triển ngày càng cao của ngành hàng không, thời gian tới sẽ không thể đáp ứng được. Vì vậy, cần phải xây dựng nhà ga T3, hạ tầng giao thông xung quanh sân bay và liên kết các nhà ga bên trong sân bay lại với nhau.

Ông Lâm cho rằng bài toán để giải cứu khu vực Tân Sơn Nhất là triển khai hàng loạt dự án được TP ưu tiên hàng đầu với tổng số vốn đầu tư cho dự án này là hơn 5.600 tỉ đồng. Trong đó, ông Lâm nhấn mạnh sự bức thiết của tuyến đường song hành với đường Cộng Hòa, kết nối thẳng vào nhà ga T3.

TP cũng sẽ đầu tư mở rộng hàng loạt tuyến đường xung quanh khu vực này như đường Hoàng Hoa Thám, Tân Kỳ - Tân Quý, mở rộng đường Trường Chinh (đoạn từ Cộng Hòa đến Phạm Văn Bạch), mở rộng nâng cấp đường Tân Sơn… Bên cạnh đó còn tổ chức lại giao thông kết nối bên trong sân bay (ga T1, T2, T3).

Theo ông Lương Minh Phúc, ở mũi tàu Trường Chinh và Cộng Hòa sẽ có nhà ga của tuyến Metro số 2, sẽ có hầm chui để giải quyết giao thông và có điểm nối kết với nhà ga T3. Trong đó, vấn đề quan tâm nhất là bàn giao mặt bằng từ các địa phương để tiến hành thi công. 

Ông Lương Minh Phúc, Giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông trực thuộc UBND TP.HCM, thông tin TP đã triển khai đồng loạt 12 dự án khu vực sân bay Tân Sơn Nhất và đã hoàn thiện được năm dự án. Thời gian tới các dự án gồm đường Trần Quốc Hoàn song song Cộng Hòa liên kết với nhà ga T3 sẽ được tiếp tục triển khai. Bên cạnh tuyến đường Trần Quốc Hoàn thì phải có hàng loạt dự án để giải quyết tình trạng kẹt xe và điều phối toàn diện, được tiến hành song song như mở rộng đường Trường Chinh, Tân Kỳ - Tân Quý, Cộng Hòa, Hoàng Hoa Thám, Tân Sơn… phải triển khai đồng bộ.

Các tuyến đường này sẽ được giải quyết từng giai đoạn một từ nay đến năm 2022. Do đó, giao thông kết nối bên ngoài nhà ga phải hoàn thiện trước sáu tháng, trước khi khai thác nhà ga T3 đi vào khai thác.

Dự kiến đến năm 2020 ban sẽ nhận mặt bằng và bắt đầu thi công các dự án đường vào sân bay Tân Sơn Nhất. Trong đó, dự án trọng tâm nhất là tuyến đường song song với Cộng Hòa dài 4 km kết nối nhà ga T3 (nhà ga T3 kết nối giữa Hoàng Hoa Thám và Trần Quốc Hoàn).

Làn đường ưu tiên cho xe buýt

Trả lời vấn đề nóng liên quan đến làn đường ưu tiên cho xe buýt tại đường Võ Thị Sáu và Điện Biên Phủ, ông Trần Quang Lâm cho biết: “Làn đường ưu tiên cho xe buýt hiện nay cũng mới chỉ nằm ở đề án và đang được tiếp tục hoàn thiện. Đây là một trong những đề án trong chương trình đột phá của TP để tăng cường phát triển giao thông công cộng”.

Hiện đề án này vẫn đang được nghiên cứu và hoàn thiện: Phải đưa ra các giải pháp để không gây kẹt xe ở những tuyến đường kết nối vào hai làn đường ưu tiên; những phương tiện nào sẽ được ưu tiên; kịch bản giao thông nếu xảy ra ùn tắc... Sau khi đề án được nghiên cứu hoàn chỉnh, Sở GTVT TP.HCM sẽ công bố đề án này. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm