Thị xã An Nhơn (Bình Định) là thủ phủ mai lớn nhất miền Trung. Những ngày này, du khách thập phương đã nhộn nhịp ghé đến lễ hội mai vàng để chiêm ngưỡng hàng trăm thế mai đẹp, độc, lạ.
Những "cụ mai" bách niên giai lão
Lễ hội mai vàng lần thứ I năm 2023 vừa được tổ chức tại quảng trường trung tâm thị xã An Nhơn, cách quốc lộ chừng hơn 1 km. Những ngày qua, hàng chục ngàn du khách từ khắp nơi đã tụ họp về đây để cùng chiêm ngưỡng những thế mai độc lạ, hiếm có. Không những thế, nhiều du khách còn tìm đến đây để tìm cho mình một món ‘báu vật’ về chơi Tết.
|
Lễ hội mai vàng lần I năm 2023 được tổ chức tại 'thủ phủ' mai An nhơn. Ảnh QN |
Phải mất vài giờ đồng hồ, người xem mới có thể nhìn cận cảnh từng dáng, thế, góc cạnh của các chậu mai trưng bày tại lễ hội. Theo nhiều người trồng mai địa phương, những năm trước cũng có lễ hội mai, nhưng năm nay đặc biệt hơn vì nhiều chậu mai ‘chất lừ’ mà kể cả những tay chơi mai lão luyện cũng lần đầu được thấy.
|
Lễ hội mai năm nay thu hút hàng chục ngàn người tham dự. Ảnh QN |
Anh Nguyễn Thành Thắng (ngụ Quảng Ngãi), cho biết cứ mỗi dịp gần Tết , anh cùng một số bạn bè về thủ phủ mai An Nhơn để tìm mua một chậu mai vàng ưng ý.
Tham dự lễ hội mai vàng lần này, anh không thể tin nổi có những chậu mai độc đáo có một không hai mà chưa bao giờ anh được tận mắt chiêm ngưỡng. “Nhiều cây có dáng thế rồng rắn rất đẹp, mai năm này cũng phong phú chủng loại hơn mấy năm trước” - anh Thắng nói và chỉ vào cây mai cổ thụ đặt ở cổng ra vào sát mép đường.
|
Hàng trăm tác phẩm mai độc đáo được trưng bày. Ảnh QN |
Qua chia sẻ của một số người đang chiêm ngưỡng "cụ mai" cổ thụ, chúng tôi nghe râm ran có người định giá đến hàng tỉ đồng nhưng chủ nhân chưa có ý định bán.
Tò mò, chúng tôi quyết định tìm gặp cho bằng được chủ nhân của chậu mai cổ thụ nói trên là anh Nguyễn Văn Nhất (55 tuổi, phường Nhơn Thành, thị xã An Nhơn). “Cây mai này có tuổi đời cũng hơn 100 năm rồi, đó là báu vật của gia đình tôi” - anh Nhất cho hay.
|
|
Anh Nguyễn Văn Nhất bên cây mai cổ thụ hơn 100 tuổi của gia đình. Ảnh QN |
Cũng theo anh Nhất, anh đem đến lễ hội hai chậu mai được xem là độc nhất vô nhị của gia đình mình. Cây mai cổ thụ được gia đình anh mua lại từ một cụ ông đã ngoài 75 tuổi.
“Cây mai này gia đình tôi đã dày công chăm sóc hơn 10 năm nay và xem như báu vật. Lần này tôi đem mai đến lễ hội với mong muốn để người dân thập phương được chiêm ngưỡng, đồng thời quảng bá hình ảnh mai vàng miền đất võ. Đến thời điểm mai ra hoa, nhìn vàng rực một khoảng trời rất đẹp” - anh Nhất chia sẻ.
Mang đến lễ hội mai vàng gần 20 tác phẩm mai đặc sắc, nghệ nhân Nguyễn Tuy (xã Nhơn Phong, thị xã An Nhơn), cho biết năm nay do thời tiết thay đổi thất thường dịp cuối năm nên cũng khiến một số nhà trồng mai gặp khó khăn.
|
Nhiều người thích thú chiêm ngưỡng cây mai cổ thụ hơn 100 năm tuổi. Ảnh QN |
Tuy nhiên, do cẩn trọng nên năm nay vườn mai Sáu Hiệp của ông đều trổ bông đúng như mong đợi. Là người nhiều lần tham gia lễ hội mai vàng, nhưng năm nay ông quyết "chơi lớn" mang đến lễ hội mai 19 tác phẩm mai độc đáo với dáng thế khác nhau và đều là những ‘"cụ mai" tuổi đời từ 30 đến hơn 50 tuổi.
Chắp cánh mai vàng đất võ bay xa
Cũng theo nghệ nhân Triệu Tuy, để làm nên một tác phẩm mai độc lạ, người trồng phải tỉ mỉ trong từng khâu một từ chăm trồng đến tạo thế dáng phù hợp. Trồng mai để bán thì dễ, nhưng tạo được một chậu mai có giá trị thì không hề dễ.
|
Ông Nguyễn Tuy bên cây mai hàng chục năm tuổi của mình. Ảnh QN |
“Tôi mong muốn đem đến lễ hội những thế mai độc đáo để du khách thập phương đến chiêm ngưỡng, trao đổi kinh nghiệm giữa những người trồng mai, chơi mai. Đồng thời giới thiệu hình ảnh mai Bình Định đến với du khách cả nước” - ông Tuy nói thêm.
Còn ông Nguyễn Xuân Hà với hơn 35 năm kinh nghiệm trồng mai cảnh ở thị xã An Nhơn cho biết, ông rất phấn khởi khi có dịp đến giao lưu kinh nghiệm chăm mai cùng các nghệ nhân khác ở lễ hội mai vàng An Nhơn. Dịp này, ông đem đến lễ hội hơn 20 chậu mai với dáng thế độc lạ, trong đó có nhiều gốc mai có hơn 40 năm tuổi được trả giá hơn trăm triệu đồng.
|
Nhiều dáng thế mai đẹp, độc đáo. Ảnh QN |
“Mình lựa chọn, mang mai đến đây để giao lưu là chủ yếu và để người dân được chiêm ngưỡng vẻ đẹp của mai. Năm nay, lễ hội mai có rất nhiều chậu mai có dáng thế độc lạ, phong phú hơn so với năm ngoái. Những người trồng mai muốn đưa hình ảnh mai vàng đi xa hơn, được nhiều người biết đến hơn” - ông Hoà chia sẻ.
|
Thị xã An Nhơn được xem là 'thủ phủ' mai vàng của miền Trung. Ảnh QN |
Ông Lê Thanh Tùng, Chủ tịch UBND thị xã An Nhơn, cho biết lễ hội Mai vàng An Nhơn lần này được tổ chức nhằm tôn vinh những người trồng mai ở các làng nghề mai cảnh ở các xã, phường trên địa bàn. Lễ hội cũng nhằm biểu dương những thành quả lao động nghệ thuật mai cảnh của những nghệ nhân từ các nhà vườn, khẳng định giá trị thương hiệu mai vàng An Nhơn.
“Lễ hội nhằm quảng bá hình ảnh mai vàng của địa phương đến với du khách, nhằm đưa thương hiệu mai vàng An Nhơn được vươn xa đến mọi miền tổ quốc. Qua đó, gắn liền với việc quảng bá những nét đẹp văn hoá, văn nghệ, thể thao của vùng đất và con người An Nhơn thân thiện, giàu nghĩa tình đến với du khách trong và ngoài tỉnh”- ông Tùng nói.
|
Mỗi năm, người dân ở 'thủ phủ' mai thu hơn 100 tỉ đồng. Ảnh QN |
Lễ hội mai vàng lần này trưng bày 190 cây mai có dáng thế khác nhau, tượng trưng 190 năm danh xưng An Nhơn. Đây cũng là lễ hội mai vàng lớn nhất miền Trung với sự tham dự của hàng trăm nghệ nhân thi tài tạo dáng thế cho mai.
Trong khuôn khổ của lễ hội còn có hàng loạt các hoạt động khác như biểu diễn võ thuật, hô hát bài chòi, triển lãm sản phẩm các làng nghề… nhằm giới thiệu tinh hoa văn hoá nghệ thuật của Bình Định đến với du khách trong và ngoài tỉnh.