Theo ông Toản, hội nhập kinh tế quốc tế là thực tế và tất yếu, và đem lại nhiều lợi ích cho Việt Nam. Chính quyền đang rất nỗ lực mở cánh cửa thị trường nước ngoài cho doanh nghiệp, mà điển hình là Trung Quốc, một thị trường nhiều tiềm năng nhưng rất khó khăn để đưa hàng hóa xuất khẩu sang nước này .
“Chúng tôi đã mất 10 năm nỗ lực đàm phát, thực thi nhiều quy định thì Trung Quốc mới mở cửa cho thị trường sữa xuất khẩu của Việt Nam. Một cách tương tự, măng cụt cũng mất 5 năm đàm phán mới vào được Trung Quốc", ông Toản nói.
Sữa Việt Nam sẽ xuất khẩu chính ngạch vào Trung Quốc.
Cũng nêu ra những khó khăn trong việc đưa hàng xuất khẩu Việt Nam ra thế giới, Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Quốc Khánh cho biết, các nước yêu cầu Việt Nam muốn xuất khẩu sang thị trường họ bắt buộc phải có thượng nguồn lớn. Như ngành thép, để xuất khẩu được thép cán nóng phải tuân thủ điều kiện về môi trường và do đó cần tính đến các yếu tố khác như về địa phương, chính sách,...
Ngành thép vướng vấn đề công nghiệp phụ trợ như ngành dệt may và da giày. Chẳng hạn nếu không phát triển thép cán nóng thì ngành thép nước nhà không có cơ hội xuất khẩu, thị trường chỉ là 100 triệu dân.
"Chúng ta không thể xuất khẩu rau quả mà như đem rau ra chợ huyện. Với cái cách coi thị trường thế giới là chợ huyện cần phải xem lại. Thế giới đặt ra các yêu cầu về vệ sinh an toàn thực phẩm, cần nguồn gốc rõ ràng... Đây không phải là rào cản mà là nhu cầu của người tiêu dùng. Chúng ta cần phải thay đổi để nắm bắt được cơ hội", ông Khánh khẳng định.