Đại hội cổ đông thường niên năm 2019 của Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk) diễn ra hôm qua (19-4) thu hút hàng ngàn người đến dự. Tại đại hội có nhiều vấn đề nóng đang được dư luận quan tâm như chương trình Sữa học đường, Coca-Cola nhảy vào thị trường sữa Việt Nam, việc mua bán, sáp nhập… đã được nêu ra.
“Chúng tôi không phải là cái bị bông”
Đề cập đến việc “lùm xùm” liên quan chương trình Sữa học đường Hà Nội mà một tờ báo đặt ra, bà Mai Kiều Liên, Tổng Giám đốc Vinamilk, nói công ty luôn hành xử theo hướng công khai và công bằng. Ai cạnh tranh không công bằng, người đó sẽ lãnh hậu quả. Đây là vấn đề thuộc về pháp lý.
“Chúng tôi không khơi cuộc chiến nhưng ai đả động đến thương hiệu Vinamilk, người đó phải chịu trách nhiệm. Thương hiệu của chúng tôi không phải là cái bị bông để ai muốn nói gì thì nói. Chúng tôi có bộ phận pháp lý kiểm soát mọi thứ tuân thủ quy định của pháp luật. Vinamilk sẽ có các biện pháp phù hợp để phản ánh đến từng cơ quan thích hợp xử lý vụ việc. Hiện những gì có dấu hiệu dân sự, chúng tôi đưa ra tòa. Còn cái gì có biểu hiện vi phạm pháp luật hình sự thì chúng tôi đưa qua cơ quan chức năng đề nghị xử lý” - bà Liên phát biểu.
Bà Liên cũng nhấn mạnh khi nói bất cứ điều gì, nói đến ai phải có bằng chứng. Thương hiệu Vinamilk không phải là của cán bộ, công nhân viên Vinamilk mà là thương hiệu quốc gia. Để đạt được thương hiệu này không dễ dàng vì phải thực hiện nhiều tiêu chí cần tuân thủ, do đó đụng đến Vinamilk là đụng đến thương hiệu quốc gia. “Ai động đến thương hiệu Vinamilk, bôi nhọ thương hiệu Việt là không thể chấp nhận được” - bà Liên nói.
Lãnh đạo Vinamilk cũng cam kết với cổ đông rằng không làm gì trái luật, tuân thủ pháp luật là nguyên tắc đầu tiên của Vinamilk. “Cạnh tranh không lành mạnh là không có cửa. Chúng tôi làm gì cũng theo luật và các cổ đông hoàn toàn yên tâm về điều này” - lãnh đạo Vinamilk trấn an cổ đông.
Bà Mai Kiều Liên: “Chúng tôi không khơi cuộc chiến nhưng ai đả động đến thương hiệu Vinamilk, người đó phải chịu trách nhiệm”. Ảnh: PM
Sẵn sàng cạnh tranh với Coca-Cola
Nhiều cổ đông Vinamilk tỏ ra lo lắng trước thông tin ông lớn Coca-Cola nhảy vào thị trường sữa Việt Nam và đặt câu hỏi trực tiếp với lãnh đạo Vinamilk về chiến lược đối phó trước đối thủ lớn này.
Trước những lo lắng này, bà Mai Kiều Liên cho biết: “Việt Nam đã có gần 100 triệu dân. Số lượng trẻ em ra đời nhiều, thu nhập đầu người ngày càng tăng, đặc biệt tiêu dùng sữa Việt Nam còn thấp so với khu vực. Đó là cơ hội tăng trưởng đầy hấp dẫn cho các công ty và sẽ còn rất nhiều đơn vị tham gia vào thị trường sữa”.
Tuy nhiên, theo bà Liên, dù ông lớn nào gia nhập thị trường, Vinamilk cũng đủ nguồn lực từ trí tuệ, sức mạnh tài chính cho đến nhân sự, quản trị để có biện pháp đối ứng và cạnh tranh.
“Các cổ đông không phải lo lắng cho dù hôm nay công ty này vào, ngày mai đối thủ khác gia nhập, tôi nghĩ là bình thường. Nó còn là động lực để Vinamilk phát triển vì không có cạnh tranh thì không có phát triển. Vấn đề là mình phải làm thế nào để không bị đánh bại, phải giữ vững thị phần và chiến thắng đối thủ, đó mới là điều quan trọng với Vinamilk. Chiến lược kiên trì mấy năm qua của Vinamilk là chất lượng tốt, giá thành hạ để đối ứng với các đối thủ” - bà Liên nói.
Trước đó, giữa tháng 4, Coca-Cola tuyên bố chính thức tấn công vào thị trường sữa Việt Nam. Coca-Cola vốn được biết nhiều hơn với vị thế là đại gia trong ngành nước ngọt. Nhưng với sản phẩm sữa, Coca-Cola không đi một mình mà hợp tác với Fonterra, một tập đoàn hàng đầu về sữa của New Zealand.
Công ty Việt kết hợp tạo thành “bó đũa”
Trả lời câu hỏi của cổ đông về kế hoạch mua bán và sáp nhập Công ty Cổ phần GTNfoods (GTN), đơn vị sở hữu Sữa Mộc Châu, đang thu hút dư luận thời gian qua, Tổng Giám đốc Vinamilk Mai Kiều Liên cho biết: “Vinamilk không bao giờ muốn làm gì hại bạn, lợi mình cả. Chúng tôi đã ngồi lại với GTN và cũng đã đạt được những điểm chung nhất định”.
Lãnh đạo Vinamilk chia sẻ thêm đã chào mua công khai và được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đồng ý, dù trước đó HĐQT GTN ra nghị quyết không đồng ý. “Quan điểm của Vinamilk là tham gia vào GTN để cùng mạnh lên. Trước đây, Vinamilk đã mua nhiều công ty và các bên đều cùng hưởng lợi, luôn có sự cân bằng lợi ích cho bên bị mua. Thời điểm hiện nay, trước áp lực các thương hiệu ngoại thì các công ty Việt cần kết hợp tạo thành “bó đũa” không thể bẻ gãy để giữ thương hiệu Việt” - bà Liên nhấn mạnh.
Liên quan đến vấn đề này, bà Lê Thị Băng Tâm, Chủ tịch HĐQT Vinamilk, cho biết thêm: “Trong tương lai, Vinamilk vẫn nhìn thấy cơ hội mua bán và sáp nhập hay liên doanh liên kết với các nước trong khu vực Đông Nam Á, tính toán vươn đến Philippines, Indonesia, Myanmar… Một khi có cơ hội thuận lợi sẽ nghiên cứu và tính toán mua bán, sáp nhập để đảm bảo hiệu quả và có lợi cho công ty”.
Đã có chủ trương nhưng chưa biết khi nào bán Cổ đông lớn nhất hiện nay của Vinamilk vẫn là Tổng Công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) với 36% vốn điều lệ. Nói về việc thoái vốn nhà nước khỏi Vinamilk, ông Nguyễn Chí Thành, Phó Tổng Giám đốc SCIC, người đại diện vốn nhà nước tại Vinamilk, cho biết: Việc thoái vốn của SCIC tại Vinamilk đã có chủ trương từ Chính phủ. Chính phủ chỉ đạo thực hiện việc thoái vốn phải đảm bảo hai tiêu chí là tuân thủ quy định của pháp luật và hiệu quả. SCIC đã hai lần thực hiện thoái vốn khá thành công, mang về cho ngân sách nhà nước tổng số tiền gần 20.000 tỉ đồng. Để có được hiệu quả đó, SCIC đã thực hiện chào bán đúng các thông lệ quốc tế, bằng việc kết hợp với Vinamilk và các cơ quan nhà nước như Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước thực hiện các đợt chào bán trong và ngoài nước. “Dựa trên các kinh nghiệm và chủ trương của Nhà nước, giờ chỉ còn chờ phần khởi điểm từ chỉ đạo của Chính phủ, chúng tôi sẽ thực hiện thoái vốn ngay” - ông Thành nói. |