Thứ trưởng: Chưa có mô hình nhà chống bão hoàn hảo

Chiều nay, 11-12, thông tin với báo chí, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp cho biết đã đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ TNMT xem xét lại kịch bản biến đổi khí hậu. Bởi biến đổi khí hậu hiện nay đang diễn biến nhanh hơn so với kịch bản đã dự báo.

. PV: Chiều nay Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống thiên tai tổ chức hội thảo khoa học về xây dựng nhà ở an toàn cho người dân vùng bão, lũ. Theo ông, hội thảo này có ý nghĩa thế nào khi vừa qua thiên tai đã gây thiệt hại nặng nề tại miền Trung?

+ Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp: Sau đợt mưa lũ miền Trung có hơn 250 ngàn ngôi nhà bị tốc mái. Số nhà tốc mái này đến nay cơ bản đã sửa chữa xong.

Tuy nhiên, vẫn còn hơn 1.500 ngôi nhà bị sập hoàn toàn, 150.000 nhà trong trạng thái luôn sẵn sàng phải di dời. Như vậy, vấn đề nhà ở cho người dân đặt ra rất bức thiết, nhất là khi Tết Nguyên đán đang đến gần.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp. Ảnh: TĐ

Đây là hội thảo đã được chuẩn bị rất kỹ để hướng dẫn cho các địa phương chuẩn bị nguồn lực từ Chính phủ, các tổ chức, cá nhân, cộng đồng để sớm nhất có thể sữa chữa nhà ở cho người dân trên tinh thần xây mới tốt hơn cái cũ.

. Chúng ta có nhiều dự án nhà chống bão, theo ông thì mô hình nào hiệu quả và phát huy tác dụng trong thời gian vừa qua?

+ Hiện nay có hai mô hình nhà chống bão chủ yếu. Đó là nhà nổi và nhà cố  định có thêm một số bộ phận để đảm bảo trong bão lũ. Chúng ta không có mô hình nào hoàn hảo vì mỗi mô hình có tính thích ứng với điều kiện cụ thể.

Với vùng ngập lụt sâu thì nhà nổi rất phù hợp nhưng phải làm sao để công năng sử dụng được thường xuyên và trong bất kỳ trường hợp nào cũng đảm bảo an toàn. Còn nhà cố định sử dụng được thường xuyên nhưng khi các cột mốc lũ lịch sử ngày càng thay đổi và cao lên thì lại cần phải thay đổi cho phù hợp.

Với hai loại hình như vậy chúng ta phải lựa chọn và tính toán loại hình nào cho phù hợp với điều kiện địa phương, từng gia đình và văn hóa.

. Kinh phí hỗ trợ người dân xây nhà chống bão lụt được triển khai như thế nào?

Hiện nay chúng ta có nhiều cơ chế để hỗ trợ người dân. Theo Quyết định 48 của Thủ tướng năm 2014, mỗi hộ gia đình được hỗ trợ từ 12-16 triệu đồng để xây nhà chống bão lũ.

Hiện chúng ta đã làm được hơn 15.000 nhà. Các nhà hiện nay vẫn khá tốt. Tuy nhiên, mức hỗ trợ này quá thấp nên chúng tôi đang đề nghị Thủ tướng xem xét tính toán lên mức 40 triệu đồng.

Nhiều nơi ở tỉnh Quảng Nam bị ngập trong nước trong đợt mưa lũ vừa qua. Ảnh: TẤN VIỆT

Chúng ta cũng có sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế với khoảng 1.700 USD/gia đình. Chúng tôi đã làm được cho khoảng 3.500 nhà ở năm tỉnh. Kết quả khá tốt.

Theo thống kê của chúng tôi, làm một nhà chống bão lũ thì chi phí tối thiểu 2 triệu đồng/m2. Như vậy với nhà bốn người cần 35m2 thì tối thiểu cũng cần 60-70 triệu đồng. Như vậy vấn đề này cần sự tham gia của cả Nhà nước, xã hội.

. Ông có đánh giá thế nào về diễn biến thời tiết, thiên tai đã xảy ra ở nước ta trong năm 2020?

Năm 2020 là năm thời tiết dị thường. Lịch sử chưa khi nào ở Quảng Bình ngập sâu trong nước lũ kéo dài đến 15 ngày, nhưng vừa qua đã có.

Với thời tiết cực đoan như vậy, chúng tôi đã đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ TNMT xem xét lại kịch bản biến đổi khí hậu. Bởi biến đổi khí hậu hiện nay đang diễn biến nhanh hơn so với kịch bản đã dự báo.

Thứ hai là các bộ, ngành phải tính toán các quy chuẩn, tiêu chuẩn để phòng tránh thiên tai vào trong tất cả công việc của bộ, ngành mình và coi đây là việc làm thường xuyên của các bộ, ngành và chính quyền địa phương. Chỉ có như vậy thì chúng ta mới có thể phát triển bền vững và an toàn trước thiên tai.

.Xin cám ơn ông.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm