Thủ tục đầu tư đặc biệt chỉ mất 15 ngày là xong?

(PLO)- Thủ tục đặc biệt nếu được Thường vụ Quốc hội ủng hộ thì Chính phủ sẽ mạnh dạn đề xuất phạm vi áp dụng rộng hơn nữa.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Sáng 10-10, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư và Luật Đấu thầu (một luật sửa 4 luật).

Luật này tập trung sửa đổi, bổ sung một số quy định của các luật có mâu thuẫn, đang gây khó khăn, vướng mắc, yêu cầu cấp bách cần sửa đổi để tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh.

Áp dụng cho dự án đổi mới sáng tạo

Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng nêu các nội dung chủ yếu được sửa đổi, bổ sung, trong đó đáng chú ý là một số quy định dự kiến được sửa đổi trong Luật Đầu tư.

Chẳng hạn sửa đổi Điều 31, 32 để phân quyền chấp thuận chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ cho UBND cấp tỉnh đối với: dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết hạ tầng khu công nghiệp, khu chế xuất; Dự án đầu tư xây dựng mới bến cảng, khu bến cảng có quy mô vốn đầu tư dưới 2.300 tỷ đồng thuộc cảng biển đặc biệt.

Đặc biệt, Chính phủ đề xuất bổ sung quy định về thủ tục đầu tư đặc biệt nhằm đơn giản hoá thủ tục đầu tư, rút ngắn thời gian triển khai dự án để tạo cơ chế thuận lợi, cạnh tranh nhằm thu hút các nhà đầu tư chiến lược.

tvqh-nguyen-chi-dung.jpg
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng trình bày những vấn đề trong lần sửa luật lần này liên quan đến đầu tư. Ảnh: QH

Theo tờ trình mà Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng trình bày, thủ tục đầu tư đặc biệt áp dụng đối với một số dự án thuộc lĩnh vực đổi mới sáng tạo, nghiên cứu và phát triển; công nghiệp mạch tích hợp bán dẫn, công nghệ thiết kế, chế tạo linh kiện, vi mạch điện tử tích hợp, chip, và lĩnh vực công nghệ cao, sản phẩm công nghệ cao được ưu tiên, khuyến khích đầu tư theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ thực hiện tại khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao và khu kinh tế theo quy trình đăng ký đầu tư tại Ban quản lý các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế để cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư trong thời hạn 15 ngày.

Không để nhà đầu tư “đi gặp hết chỗ nọ đến chỗ kia”

Thảo luận về nội dung này trong dự luật, Tổng thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường cho hay đây là một bước đột phá, có tác động tốt và tạo sự chuyển biến trong môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam.

Ông Bùi Văn Cường đề nghị dự luật cần tính toán một quy định mang tính nguyên tắc về hồ sơ của thủ tục đầu tư đặc biệt để tránh lúng túng khi áp dụng.

tvqh-nguyen-khac-dinh.jpg
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho rằng thủ tục đầu tư đặc biệt cần được thiết kế đặc biệt để nhà đầu tư không phải đi gặp hết chỗ nọ đến chỗ kia. Ảnh: QH

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định thì cho rằng: Thủ tục đặc biệt không có nghĩa là rút gọn.

Ông gợi ý: Thủ tục đặc biệt có thể nội dung là hồ sơ đầu tư chỉ cần một bộ trong đó bao gồm tất cả các thủ tục trong các lĩnh vực chứ không phải như hồ sơ đầu tư hiện nay là gồm các bộ hồ sơ về PCCC, đánh giá tác động môi trường… “Như vậy mới là đặc biệt”- ông Định nhấn mạnh.

Làm như vậy, ông Định nói nhà đầu tư sẽ chỉ cần đến một nơi thôi chứ không phải “đi gặp hết chỗ nọ đến chỗ kia” thành ra mất 2 đến 3 năm mới xong hồ sơ đầu tư và lúc đó thì hồ sơ lại… lạc hậu.

Thay đổi tư duy làm luật

Giải trình, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói hiện tư duy làm luật đang thay đổi. Trước đây, làm luật tập trung vào quản lý nhà nước mà chưa chú trọng đủ cho kiến tạo, phát triển. Làm luật hiện nay cũng đã chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm, tăng cường trách nhiệm người đứng đầu và chỉ tập trung vào các vấn đề cốt lõi.

Về quy định thủ tục đầu tư đặc biệt dự kiến đưa vào Luật Đầu tư đợt này, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng khẳng định: Đây là một cải tiến rất mạnh về đầu tư. Tuy nhiên, ông thừa nhận ban soạn thảo cũng chưa “mạnh dạn”.

“Chúng tôi chưa mạnh dạn đến mức độ đề nghị các dự án nằm trong khu công nghiệp đều nằm ở “luồng xanh”, chỉ mất 15 ngày làm thủ tục và thực hiện được ngay. Chúng ta mới giới hạn ở các dự án công nghệ cao. Nếu Thường vụ Quốc hội ủng hộ thì đề nghị tất cả các dự án nằm trong khu công nghiệp đều được hưởng thủ tục đặc biệt như vậy chứ không chỉ là dự án công nghệ cao”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói.

Bởi theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, ngay chuyện làm rõ thế nào là “công nghệ cao” cũng là một vấn đề. Nếu quy định theo hướng các dự án nằm trong khu công nghệ cao đều theo thủ tục đầu tư đặc biệt thì cũng có tính thực tiễn vì bất kể một dự án nào nằm trong khu công nghiệp thì các tiêu chuẩn về PCCC, đánh giá tác động môi trường… cũng đã rõ rồi.

Trước đó, Phó Thủ tướng thường trực Nguyễn Hòa Bình trong phát biểu tiếp thu ý kiến của Thường vụ Quốc hội đã khẳng định: cả Chính phủ và Thường vụ Quốc hội đều gặp nhau ở việc xác định sự cần thiết phải xây dựng hành lang pháp lý mang tính kiến tạo cho doanh nghiệp và người dân phát triển.

Đồng thời, theo Phó Thủ tướng thường trực, Thường vụ Quốc hội cũng đồng ý với Chính phủ là phải thông qua luật này trong một kỳ họp.

Ông Nguyễn Hòa Bình đề nghị Thường vụ Quốc hội tiếp tục ủng hộ tinh thần này của Chính phủ trong 9 vấn đề mà dự luật sửa 4 luật đã nêu ra.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm