Thủ tướng 34 tuổi của Pháp - biểu tượng sức trẻ và sự tự tin

(PLO)- Ở tuổi 34, ông Gabriel Attal là thủ tướng trẻ nhất lịch sử Pháp và được ví như phiên bản 2.0 của ông Emmanuel Macron vốn trở thành tổng thống Pháp khi mới 39 tuổi.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

thủ tướng trẻ nhất lịch sử Pháp

Ngày 9-1, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron bổ nhiệm Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Thanh niên Gabriel Attal làm thủ tướng, thay bà Elisabeth Borne từ chức ngày trước đó. Ở tuổi 34, ông Attal trở thành thủ tướng trẻ nhất lịch sử Pháp, phụ trách chiếc ghế quyền lực thứ hai ở nước này.

Khởi đầu “ngoạn mục”

Ông Attal xuất thân trong một gia đình có bốn anh chị em. Cha là nhà sản xuất phim kiêm luật sư gốc Do Thái và mẹ là người theo đạo Chính thống giáo mang dòng máu Pháp - Hy Lạp - Nga. Thời niên thiếu, ông Attal theo học tại Trường tư thục École alsacienne, một ngôi trường danh tiếng ở thủ đô Paris.

Theo tờ The Guardian, bạn bè của ông Attal kể lại rằng niềm đam mê chính trị của ông bắt đầu vào năm 2002, sau khi ông tham gia một cuộc biểu tình phản đối việc chính trị gia cực hữu Jean-Marie Le Pen được bầu vào vòng 2 trong cuộc đua tổng thống Pháp năm đó. Đến năm 2006, cậu thiếu niên 16 tuổi Attal gia nhập đảng Xã hội (Pháp) và tham gia nhiều cuộc biểu tình của giới trẻ nước này.

Thủ tướng trẻ nhất lịch sử Pháp - Gabriel Attal
Tân Thủ tướng Pháp Gabriel Attal. Ảnh: EPA

Năm 2012, ông Attal tốt nghiệp Trường ĐH Sciences Po với tấm bằng thạc sĩ quan hệ công chúng và sau đó làm việc cho Bộ Y tế Pháp. Đến năm 2016, ông Attal rời đảng Xã hội, gia nhập đảng Phục hưng, lúc ấy còn khá non trẻ, của ông Macron.

Từ giai đoạn này, quá trình thăng tiến của ông Attal được tờ The Guardian mô tả là “ngoạn mục”. Tháng 6-2017, ông Attal được bầu vào Quốc hội Pháp và nhanh chóng trở thành một trong những nghị sĩ sáng giá nhất. Năm 2019, ở tuổi 29, ông Attal được bổ nhiệm làm quốc vụ khanh của Bộ Giáo dục và Thanh niên - trở thành thành viên trẻ nhất của chính phủ Pháp khi đó.

Từ năm 2020 đến 2022, ông Attal đảm nhận nhiệm vụ người phát ngôn chính phủ dưới thời Thủ tướng Pháp Jean Castex. Đến tháng 7-2023, vị chính trị gia trẻ tuổi này được bổ nhiệm làm bộ trưởng Bộ Giáo dục và Thanh niên Pháp, trước khi được bổ nhiệm làm thủ tướng trẻ nhất lịch sử Pháp vào ngày 9-1.

Hy vọng của Tổng thống Macron

Ông Attal là một người thân cận với Tổng thống Macron. Nhiều người còn cho rằng vị thủ tướng trẻ nhất lịch sử Pháp giống Tổng thống Macron - người từng được mệnh danh là “cậu bé vàng” của chính trường Pháp ở sức trẻ, sự năng động và tham vọng.

“Gabriel Attal là ông Macron 2.0. Bằng việc bổ nhiệm ông Attal, Tổng thống Macron kỳ vọng sẽ được hưởng lợi từ sự nổi tiếng, sự mới mẻ, năng lượng, sự thông minh và sự đột phá của một chính trị gia trẻ trung, được giới truyền thông yêu thích” - ông Sebastien Maillard, một chuyên gia của Viện Chatham House (viện nghiên cứu độc lập về các vấn đề quốc tế có trụ sở ở London), nói với tờ The Washington Post.

“Mọi người đang nói về việc tổng thống trẻ nhất trong lịch sử nước Pháp (ông Macron, đắc cử tổng thống khi mới 39 tuổi) bổ nhiệm thủ tướng trẻ nhất trong lịch sử. Tôi muốn xem đây là biểu tượng của sự táo bạo và tiến bộ. Và hơn hết là biểu tượng của sự tự tin nơi giới trẻ” - ông Attal phát biểu nhậm chức hôm 9-1.

Theo một khảo sát của Công ty nghiên cứu thị trường IPSOS công bố vào tháng 12-2023, ông Attal đã vượt qua cựu Thủ tướng Edouard Philippe để trở thành chính trị gia được yêu thích nhất nước Pháp.

Tân thủ tướng Pháp cho biết mục tiêu của ông trong cương vị mới sẽ bao gồm đưa an ninh quốc gia thành “ưu tiên tuyệt đối” và thúc đẩy các giá trị “thẩm quyền và sự tôn trọng lẫn nhau”. Ông Attal cũng cam kết tăng cường các dịch vụ công bao gồm trường học và hệ thống y tế, đồng thời thúc đẩy “kiểm soát nhập cư tốt hơn”.

Theo giới phân tích, việc bổ nhiệm ông Attal sẽ không dẫn tới nhiều xáo trộn trong chính trường Pháp nhưng nó phản ánh hai mục tiêu của Tổng thống Macron.

Thứ nhất, vì ông Attal thuộc phe trung tả nên việc bổ nhiệm ông Attal cho thấy ông Macron muốn cân bằng lại đường lối, sau khi nhiệm kỳ tổng thống thứ hai của ông bị đánh giá thiên về cánh hữu với các chính sách lương hưu và luật nhập cư gây tranh cãi.

Thứ hai, ông Attal là người được lòng cử tri Pháp nhờ các cải cách về giáo dục và cũng nhận được sự ưu ái của truyền thông nước này. Danh tiếng của ông Attal có thể tăng cơ hội cho đảng của Tổng thống Macron trong việc tìm kiếm sự ủng hộ từ người dân trong cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu vào tháng 6 tới.

Bên cạnh đó, theo The Washington Post, dù khởi đầu của ông Attal - vị thủ tướng trẻ nhất lịch sử Pháp - có thể khá “thuận buồm xuôi gió” nhưng vị tân thủ tướng sẽ phải đối mặt với những cơn gió ngược trong những tháng tới khi sát cánh cùng Tổng thống Macron đối đầu phe đối lập.

Trước mắt, thử thách lớn đầu tiên của ông Attal sẽ là thu hẹp số ghế của đảng Tập hợp Quốc gia (đảng đối lập ở Pháp) trong cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu sắp tới. Đảng Tập hợp Quốc gia do ông Jordan Bardella đứng đầu và ông này chỉ mới 28 tuổi, còn trẻ hơn ông Attal khiến nhiều người mong chờ cuộc đối đầu của hai chính trị gia trẻ tuổi của Pháp.

“Nếu ông Attal thành công vượt qua thử thách này, ông ấy chắc chắn sẽ trở thành người kế nhiệm của ông Macron trong cuộc đua tổng thống Pháp vào năm 2027” - chuyên gia Maillard nhận định.•

Phe đối lập ở Pháp bất mãn việc ông Macron bổ nhiệm ông Attal

Sau khi Tổng thống Macron bổ nhiệm ông Attal làm thủ tướng, lãnh đạo đảng Tập hợp Quốc gia - ông Jordan Bardella nói: “Bằng cách bổ nhiệm ông Gabriel Attal làm thủ tướng, ông Emmanuel Macron muốn duy trì sự nổi tiếng của mình trong các cuộc thăm dò dư luận để xoa dịu nỗi đau mà chính quyền của ông ấy mang lại”.

Bà Marine Le Pen của đảng Tập hợp Quốc gia cho rằng người Pháp không thể chờ đợi gì từ “vị thủ tướng thứ tư” dưới thời ông Macron, đồng thời kêu gọi cử tri ủng hộ đảng của bà trong cuộc đua Nghị viện châu Âu sắp tới.

Lãnh đạo đảng cực tả France Unbowed (nước Pháp không khuất phục) - ông Jean-Luc Mélenchon chế nhạo rằng ông Attal không phải trở thành thủ tướng mà đang trở lại vai trò người phát ngôn chính phủ. Ông Mélenchon cho rằng mọi quyền quyết định vẫn thuộc về ông Macron.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm