Thủ tướng: Bộ TN&MT cần cắt giảm tối đa thủ tục hành chính rườm rà

(PLO)- Thủ tướng Phạm Minh Chính lấy ví dụ, chỉ 10 ha lúa, 20 ha rừng mà phải trình lên đến Thủ tướng, qua quy trình nhiều bước, mất rất nhiều thời gian, làm lãng phí nguồn lực và cơ hội, cản trở sự phát triển

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Sáng ngày 31-12, Thủ tướng Phạm Minh Chính dự hội nghị tổng kết công tác năm 2023, triển khai phương hướng, nhiệm vụ công tác năm 2024 của ngành tài nguyên và môi trường do Bộ TN&MT tổ chức.

Sửa Luật đất đai, cái gì đã chín thì luật hoá

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh năm 2023 với những thách thức, khó khăn cao hơn dự báo nhưng tình hình kinh tế vĩ mô của đất nước ổn định. Tốc độ tăng trưởng dù chưa đạt mục tiêu Trung ương và Quốc hội giao nhưng vẫn đạt ở tốp đầu so với các nước khu vực và thế giới.

Trong đó nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài, bội chi ngân sách được kiểm soát. Tỷ giá, lãi suất phù hợp với sự phát triển của đất nước, đồng tiền ít mất giá. Cân đối thu chi đảm bảo, xuất khẩu thặng dư 28 tỷ USD trong điều kiện khó khăn…

“Có thể khẳng định chúng ta đã cơ bản hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra cho cả năm. Trong đó quy mô GDP đạt khoảng 430 tỷ USD, GDP bình quân đầu người đạt khoảng gần 4.300 USD. Niềm tin của người dân, doanh nghiệp và nhà đầu tư được tăng cường” - Thủ tướng Phạm Minh Chính nói.

thu-tuong-bo-tai-nguyen-5564.jpeg
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại hội nghị tổng kết công tác năm 2023 của ngành tài nguyên và môi trường sáng ngày 31-12 (Ảnh: TP)

Thủ tướng ghi nhận, biểu dương, đánh giá cao nỗ lực, kết quả, thành tựu mà TN&MT đã đạt được, đóng góp quan trọng vào thành tựu, kết quả chung khá toàn diện của cả nước trong năm 2023.

Đặc biệt năm 2023, Bộ TN&MT ổn định về bộ máy, tổ chức, đoàn kết để thực hiện nhiệm vụ được giao. Công tác hoàn thiện thể chế, chính sách pháp luật tiếp tục được hoàn thiện như xây dựng Luật Đất đai, Luật Tài nguyên nước, chuẩn bị hồ sơ sửa Luật địa chất, khoáng sản…

"Luật Đất đai là một luật quan trọng, phức tạp và Bộ TN&MT là nòng cốt trong xây dựng luật này. Đầu năm 2023, chúng ta đã tiến hành tiếp thu 12 triệu lượt ý kiến đóng góp của người dân, doanh nghiệp, cơ quan tổ chức cho dự luật và đến nay vẫn đang tiếp tục lấy ý kiến để hoàn thiện với tinh thần đảm bảo có một dự luật chất lượng, chứ không cầu toàn, nóng vội. Cái gì đã được thực tiễn chứng minh thì luật hoá, cái gì chưa chín thì thí điểm rồi tiếp tục hoàn thiện” - Thủ tướng Phạm Minh Chính

Cùng với đó, Bộ TN&MT đã chủ động, khẩn trương triển khai lập, trình phê duyệt toàn bộ các quy hoạch cấp quốc gia. Công tác quản lý tài nguyên có nhiều kết quả quan trọng. Toàn ngành đã tham mưu, xử lý 172 dự án, công trình không đưa đất vào sử dụng, chậm đưa đất vào sử dụng, với diện tích 6.922 ha…

Việc thực thi chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường tiếp tục được cải thiện về hiệu quả, hiệu lực. Trách nhiệm của chính quyền các cấp, doanh nghiệp, nhà đầu tư và nhận thức của người dân đối với các vấn đề về môi trường ngày càng được nâng cao.

Bên cạnh đó, Bộ TN&MT cũng tích cực triển khai định hướng của Đảng về xây dựng nền kinh tế tuần hoàn, thân thiện môi trường; thực hiện giải pháp chuyển đổi xanh, giảm phát thải, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu rất tích cực; tập trung cho công tác chuyển đổi số, xây dựng cơ sở dữ liệu trong ngành TN&MT. Bộ TN&MT là bộ xếp hạng thứ 3/17 bộ, ngành về mức độ chuyển đổi số…

Sớm trình hồ sơ Luật Địa chất và khoáng sản

Thống nhất với các nhiệm vụ năm 2024 mà ngành TN&MT đã xác định, Thủ tướng Phạm Minh Chính lưu ý Bộ TN&MT sớm trình hồ sơ dự Luật địa chất và khoáng sản.

“Hiện vấn đề địa chất, khoáng sản còn rất nhiều vướng mắc. Thời gian qua chúng ta làm mỏ đất đá nhưng thủ tục nhiều như làm mỏ vàng, hay vấn đề tận dụng đất đá từ khai thác mỏ để làm vật liệu san lấp… cần phải được giải quyết” - Thủ tướng nói. Ông đề nghị Bộ TN&MT sớm hoàn thiện hồ sơ dự luật để báo cáo Chính phủ trong tháng 1-2024 để chuẩn bị trình Quốc hội.

thu-tuong-pham-minh-chinh-1960.jpeg
Thủ tướng Phạm Minh Chính (Ảnh: TP)

Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ TN&MT tiếp tục cải cách mạnh mẽ, cắt giảm tối đa những thủ tục hành chính rườm rà, không cần thiết. Đồng thời phân cấp, ủy quyền tối đa, những gì địa phương có thể làm được, làm tốt thì để địa phương làm. Tuy nhiên, cần phải bảo đảm phân cấp đi đôi với phân bổ nguồn lực phù hợp, nâng cao năng lực thực thi, tăng cường kiểm tra giám sát, kiểm soát việc thực thi, phòng, chống tham nhũng, lãng phí.

Thủ tướng lấy ví dụ, thủ tục phê duyệt chuyển đổi mục đích sử dụng đất lúa, đất rừng hiện nay còn rất rườm rà. Chỉ 10 ha lúa, 20 ha rừng mà phải trình lên đến Thủ tướng, qua quy trình nhiều bước, mất rất nhiều thời gian, làm lãng phí nguồn lực và cơ hội, cản trở sự phát triển. Thủ tướng cho rằng cần phân cấp cho địa phương quyết định vấn đề này.

Cùng với đó, tập trung tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc để quản lý và sử dụng hiệu quả hơn các nguồn tài nguyên của đất nước. Tiếp tục tổ chức hiệu quả việc thi hành Luật Bảo vệ môi trường năm 2020. Tăng cường thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm các cơ sở, hành vi vi phạm pháp luật về môi trường.

Đa dạng hóa, thu hút đầu tư phát triển hạ tầng môi trường, xử lý, tái chế chất thải, nước thải với công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường. Triển khai tín dụng xanh, phát hành trái phiếu xanh. Nghiên cứu thí điểm mô hình tuần hoàn, ít phát thải để tiến tới nhân rộng cho cả nước.

Thủ tướng lưu ý cần tiếp tục hiện đại hóa, nâng cao chất lượng dự báo khí tượng thuỷ văn; tiếp tục thúc đẩy chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, thông qua việc tiếp tục xây dựng thể chế, đào tạo nhân lực, huy động nguồn lực. Đặc biệt là xây dựng cơ sở dữ liệu về đất đai, môi trường, khoáng sản, kết nối với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư...

Thủ tướng cũng lưu ý ngành TN&MT tập trung khắc phục một số tồn tại, hạn chế như: việc tham mưu sửa đổi một số văn bản để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc phát sinh còn chậm so với yêu cầu.

Việc triển khai, thực thi Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 đã bộc lộ một số vướng mắc; các chỉ tiêu sử dụng đất được phân bổ ở nhiều địa phương còn thấp, còn tình trạng lãng phí trong khai thác, sử dụng tài nguyên…

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm