Chiều 30-12, tại Hà Nội, diễn ra Hội nghị Thủ tướng Chính phủ đối thoại trực tiếp với nông dân Việt Nam, với chủ đề "Nông dân là chủ thể, là trung tâm trong phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn và xây dựng nông thôn mới xanh, bền vững".
Quy hoạch cụ thể các vùng phát triển du lịch
Nông dân Nguyễn Văn Hữu, Giám đốc HTX nông nghiệp và thương mại Thanh Hải (Bắc Giang) cho biết chính sách hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng của Chính phủ đã góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xanh, bền vững trong thời gian tới.
"Mong Chính phủ thông tin cụ thể các chính sách hỗ trợ, khuyến khích người nông dân làm du lịch nông nghiệp” - ông Hữu nói.
Về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL Trịnh Thị Thủy cho biết mục tiêu đến năm 2025 của đất nước là phát triển, chuẩn hoá các điểm đến và sản phẩm du lịch nông thôn. Hiện Bộ VH-TT&DL đang triển khai xây dựng Đề án phát triển du lịch cộng đồng Việt Nam. Trong đó xác định nâng cao thu nhập cho người dân, tổ chức tập huấn cho người dân, nâng cao năng lực, kỹ năng du lịch cộng đồng, giới thiệu về điểm đến…
Nhiều tỉnh, TP cũng đã tổ chức xây dựng các đề án, kế hoạch để triển khai thực hiện phát triển du lịch nông thôn. Trong đó, Bắc Giang là địa phương rất sớm triển khai Quyết định này và xác định đây nằm trong 10 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm.
Thủ tướng Phạm Minh Chính nhìn nhận người dân Việt Nam rất tự hào về phong cảnh, thiên nhiên, truyền thống, lịch sử văn hoá của đất nước mình.
“Mỗi vùng miền có những văn hoá đặc sắc khác nhau. Bây giờ chúng cần phải quy hoạch lại các vùng này như thế nào? Các cơ quan chủ lực, cơ quan tham mưu phải tham mưu cho Chính phủ công tác quy hoạch” - Thủ tướng nhấn mạnh và đề nghị gắn công tác quy hoạch với việc phát triển nông nghiệp du lịch.
Ông Trần Mạnh Báo, Anh hùng Lao động, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn ThaiBinhSeed, cho rằng để tạo ra chuỗi giá trị khép kín trong sản xuất nông nghiệp từ nghiên cứu cho đến sản xuất, kinh doanh và đưa sản phẩm đến được tay người tiêu dùng thì một đơn vị không thể đủ nguồn lực để thực hiện, mà cần có sự liên kết, hợp tác giữa các bên và rất cần hỗ trợ của Nhà nước.
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan nhấn mạnh Thái Bình là tỉnh đầu tiên thành lập câu lạc bộ đại điền, có chính sách hỗ trợ cả người đi thuê và người cho thuê. Bộ NN&PTNT đã đưa vào trong dự thảo Luật Đất đai sửa đổi về việc công nhận việc cho thuê quyền sử dụng đất nông nghiệp.
“Ở đâu cũng vậy, có người cần thuê đất, có người có đất không dùng nhưng không muốn bán, nếu có thị trường sẽ gặp nhau khi thông qua Luật Đất đai” – ông Hoan khẳng định.
Thủ tướng Phạm Minh Chính ngay sau đó đã yêu cầu rà soát lại cơ chế, chính sách, đặc biệt là Luật Đất đai. “Dự thảo Luật Đất đai sẽ được trình Quốc hội lần nữa, nếu được thông qua sẽ tạo điều kiện thuận lợi để nông dân liên kết, tích tụ đất đai, mở rộng hạn điền” – Thủ tướng nói.
8 nhiệm vụ, giải pháp phát triển nông nghiệp
Kết luận hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhìn nhận thông qua hội nghị đã có buổi đối thoại dân chủ, thoải mái với các đại biểu nông dân.
Thủ tướng đã ghi nhận tất cả vấn đề liên quan đến nông nghiệp, nông thôn và nông dân. Chẳng hạn như vấn đề chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, vấn đề lao động việc làm, chính sách, chuỗi cung ứng, sản xuất...
Về nhiệm vụ, giải pháp thời gian tới, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu tập trung tám vấn đề. Đầu tiên, nâng cao tinh thần yêu nước, ý chí tự lực tự cường, vị thế chính trị của nông dân Việt Nam trong đổi mới và hội nhập quốc tế. Nâng cao ý thức, khát vọng làm giàu của nông dân và thúc đẩy phát triển ngành nông nghiệp.
Thứ hai, tăng cường liên kết, tạo ra chuỗi giá trị, thị trường, tạo ra sự cạnh tranh lành mạnh, hiệu quả giữa trong và ngoài nước; sản xuất xanh, bền vững.
Thứ ba, làm sao để người nông dân hiểu, nhận thức, thấm nhuần chủ trương, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn và xây dựng nông thôn mới.
Thứ tư, nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng nghề cho nông dân, lao động nông thôn và hoạt động dịch vụ, tư vấn, hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất, kinh doanh.
Thứ năm, củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy, xây dựng đội ngũ cán bộ Hội các cấp đủ phẩm chất, năng lực đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Thứ sáu, chủ động hội nhập, mở rộng hợp tác quốc tế, đẩy mạnh đối ngoại nhân dân.
Thứ bảy, tập trung triển khai nguồn lực, nhân lực để thực hiện tốt các đề án, chiến lược phát triển của ngành nông nghiệp, trong đó chú trọng đến các chương trình, đề án về giảm phát thải, chống biến đổi khí hậu.
Cuối cùng, tập trung triển khai đẩy mạnh chuyển đổi số nông nghiệp, qua đó thay đổi mạnh mẽ chuỗi sản xuất - chế biến- kinh doanh nông sản.
Thông tin với đại biểu, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết năm 2023 ngành nông nghiệp có 10 nhóm ngành xuất khẩu trên 1 tỉ USD; giá trị thặng dư thương mại đạt 11 tỉ USD; đóng góp của nông nghiệp vào GDP là 3,83%, cao nhất trong 10 năm qua; lần đầu tiên Việt Nam xuất khẩu trên 8 triệu tấn gạo...
“Đóng góp của nông nghiệp, nông thôn, nông dân vào thành tựu chung của đất nước rất to lớn và hết sức quan trọng, là trụ đỡ, tiền đề, cơ sở để phát triển của đất nước” - Thủ tướng nhìn nhận.