Thủ tướng: Đã tìm được lối ra cho ngành đường sắt

(PLO)- Thủ tướng đánh giá cao những kết quả của ngành đường sắt trong năm 2023 nhưng cũng “trăn trở với sự phát triển của ngành”, vì ra đời 140 năm nhưng chưa phát triển xứng tầm.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Tại Hội nghị tổng kết ngành đường sắt ngày 9-1, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá cao Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) khi năm 2023 lợi nhuận dương 94,8 tỉ đồng, thoát lỗ sau ba năm liên tiếp kinh doanh. “Tức là giờ chúng ta đã tìm được lối ra, đây là điều rất quan trọng” - Thủ tướng nói.

Thu nhập của người lao động tăng lên

Ông Hoàng Gia Khánh, Tổng Giám đốc VNR, cho rằng ngành đường sắt trải qua ba năm giảm doanh thu và lợi nhuận âm liên tiếp. Cụ thể, năm 2020 lỗ hơn 1.300 tỉ đồng, năm 2021 lỗ 654 tỉ đồng và hơn 111 tỉ đồng trong năm 2022. Riêng năm 2023, VNR có doanh thu có tăng trưởng âm. Người lao động trong ngành có thu nhập trung bình 9,5 triệu đồng/tháng, đạt 105% so với cùng kỳ.

Lãnh đạo VNR cho rằng kết quả kinh doanh khả quan do vận tải hành khách bằng đường sắt dần phục hồi. Năm qua, VNR vận chuyển 6,1 triệu lượt hành khách, bằng 135% cùng kỳ năm trước. Lượng hành khách và doanh thu tăng cao nhờ doanh nghiệp áp dụng chính sách giá vé thu hút nhu cầu vào các ngày thấp điểm, giảm đến 50% giá vé tùy loại chỗ, khai thác tour du lịch tàu hỏa, đưa vào khai thác đoàn tàu chất lượng cao. Nhiều chương trình khuyến mãi khác như mua ba vé tặng một vé, giảm giá nếu mua nguyên phòng hoặc nguyên toa.

Tuy nhiên, sản lượng vận chuyển hàng hóa giảm mạnh, đạt 4,6 triệu tấn, bằng 81% cùng kỳ. Doanh thu trực tiếp từ vận tải đạt 3.973 tỉ đồng, bằng 107% cùng kỳ.

Năm 2024, ông Khánh cho biết ngành xác định hoạt động sản xuất, kinh doanh còn gặp nhiều áp lực cạnh tranh trong vận tải hành khách từ tuyến hàng không và đường bộ, giảm giá cước vận tải hàng hóa. VNR đặt mục tiêu doanh thu đạt 6.258 tỉ đồng, trong đó sản lượng vận tải tăng khoảng 7,3%; lợi nhuận sau thuế đạt 5 tỉ đồng, tăng 11% so với cùng kỳ.

Bên cạnh đó, VNR cũng kiến nghị Thủ tướng căn cứ nhu cầu và khả năng quản lý, khai thác tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt, giao ngành lập phương án theo phương thức tính thành vốn nhà nước tại doanh nghiệp và giao tăng vốn cho VNR các khu ga có lợi thế thương mại. “Mục đích để khai thác, phát huy nguồn lực, giảm gánh nặng ngân sách nhà nước, tăng thu nhập cho người lao động...” - ông Khánh nói.

Ngành đường sắt
Thủ tướng đi thực tế kiểm tra hoạt động ở Ga Hà Nội trước khi đến dự Hội nghị tổng kết ngành đường sắt. Ảnh: V.LONG

Thay đổi nhưng còn nhiều trăn trở

Mở đầu phần phát biểu, Thủ tướng nói đã “xin được đến làm việc trong buổi tổng kết của ngành đường sắt” vì ông “nhìn thấy sự thay đổi của ngành”.

Kể câu chuyện vừa trải nghiệm ở Ga Hà Nội trước lúc đến dự hội nghị, Thủ tướng nói đã hỏi nhân viên ngành đường sắt về sự đổi mới của ngành thì nhận được câu trả lời: “Tàu và ga đẹp hơn, dịch vụ cao hơn, hành khách yêu quý hơn…”. Theo đó, Thủ tướng nhận định “đây là điều chúng ta phấn khởi, có đổi mới thì mới có được cái này”.

Thủ tướng kể tiếp: Khi hỏi nhân viên đường sắt về mức lương có đủ sống không “thì các cháu không tiết lộ nhưng bảo đủ ăn, đủ mặc”. Còn khi hỏi một hành khách đi tàu về cảm nhận của họ thì người này bảo “sướng lắm bác ạ”, vé tàu mua dễ, tàu chạy đúng giờ, dịch vụ thoải mái. “Những người tôi hỏi đều nói rất thật lòng và không có sự sắp xếp nào” - Thủ tướng nói.

Từ đó, người đứng đầu Chính phủ khẳng định rất ấn tượng, cảm xúc với những đổi mới của ngành đường sắt. Điều này chứng minh nếu chúng ta muốn làm, quyết tâm làm sẽ làm được. Tuy nhiên, Thủ tướng lưu ý VNR không chủ quan, lơ là với những kết quả bước đầu. Đặc biệt, Thủ tướng cũng trăn trở với sự phát triển của ngành đường sắt, dù đã ra đời 140 năm nhưng chưa phát triển xứng tầm với lịch sử và mong muốn của nhân dân.

Dẫn chứng Trung Quốc có 42.000 km đường sắt cao tốc, các nước xung quanh cũng đã có đường sắt cao tốc, Thủ tướng nói Bộ Chính trị đã cho chủ trương trong nhiệm kỳ này làm đường sắt tốc độ cao. Chủ trương của Đảng có rồi, phải biến thành dự án, chương trình, đi tìm nguồn vốn, công nghệ để làm mới nâng cao hiệu quả hệ thống đường sắt.

“Nói chuyện cũ nhưng phải bàn chuyện mới, phải có đột phá, không phải câu chuyện bình bình sửa lại mấy đoàn tàu, nâng cấp mấy nhà ga. Tôi muốn cùng các đồng chí đưa động lực mới, phát triển đột phá ngành đường sắt, xây dựng đường sắt tốc độ cao theo nghị quyết của Đảng, Bộ Chính trị trong những năm tới đây. Tôi tin chắc chúng ta làm được” - Thủ tướng nhấn mạnh.

Năm 2024, người đứng đầu Chính phủ đề nghị ngành cần cố gắng trình chủ trương xây dựng đề án đường sắt tốc độ cao. Có thể chia ra làm mấy dự án lớn như Lào Cai - Hải Phòng, Lạng Sơn - Hà Nội - Hải Phòng, TP.HCM - Cần Thơ…

Về nguồn lực, Thủ tướng cho rằng phải cố gắng hoàn thiện thể chế, khai thác từ nguồn lực sẵn có. “Cụ thể ở đây là hơn 300 nhà ga trên tuyến, đất đai, con người…” - Thủ tướng nhấn mạnh.•

Lên phương án vận hành đường sắt tốc độ cao

Tổng giám đốc VNR cho biết sau khi Chính phủ chấp thuận định hướng sẽ giao VNR quản lý, khai thác đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam sau khi hoàn thành đầu tư, VNR đã thành lập ban chỉ đạo và các tổ công tác để nghiên cứu xây dựng đề án liên quan, làm cơ sở tham gia phối hợp với bộ, ngành thực hiện.

VNR cũng lập tổ tái cơ cấu mô hình tổ chức của tổng công ty; tổ phát triển công nghiệp đường sắt; tổ đào tạo nguồn nhân lực phục vụ đường sắt tốc độ cao. VNR cũng hợp tác với đường sắt một số nước để tham khảo kinh nghiệm, học hỏi mô hình tổ chức, đầu tư, vận hành và khai thác đường sắt tốc độ cao như Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc…

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm