Thủ tướng đối thoại với nông dân: Nhiều vấn đề được giải quyết

(PLO)-  Cần nâng cao trình độ của nông dân theo hướng “tri thức hóa nông dân” để làm chủ công nghệ trong sản xuất, kinh doanh và có thể làm giàu từ nông nghiệp.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 29-5, Hội nghị Thủ tướng Chính phủ đối thoại với nông dân Việt Nam năm 2022 đã diễn ra tại Sơn La. Tham dự hội nghị có hơn 500 đại biểu có mặt trực tiếp, trong đó có 300 nông dân tiêu biểu đại diện cho hơn 10,2 triệu hội viên nông dân cả nước. Nhiều vấn đề nóng đã được đưa ra mổ xẻ.

Không để doanh nghiệp phải vào tận TP.HCM chiếu xạ

Nông dân Trần Như Kiên (huyện Yên Châu, Sơn La) chia sẻ: Từ năm 2020, các chính sách kiểm soát dịch bệnh COVID-19 của Trung Quốc đã khiến hoạt động xuất khẩu sang thị trường này gặp nhiều khó khăn.

Bên cạnh đó, trái cây tươi của tỉnh khi xuất khẩu sang các thị trường có yêu cầu chiếu xạ thường phải vận chuyển vào các tỉnh phía Nam xử lý. Điều này dẫn đến tăng thời gian vận chuyển, tăng chi phí.

Nông dân Nguyễn Văn Thanh đến từ Hà Nội đang đặt câu hỏi tại buổi đối thoại. Ảnh: AN HIỀN

Nông dân Nguyễn Văn Thanh đến từ Hà Nội đang đặt câu hỏi tại buổi đối thoại. Ảnh: AN HIỀN

“Trong thời gian tới, Chính phủ sẽ tiếp tục có các giải pháp gì để hỗ trợ xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc? Đề nghị các bộ, ngành xây dựng nhà máy chiếu xạ tại các địa phương để hỗ trợ nông dân xuất khẩu” - ông Trần Như Kiên đặt câu hỏi.

Trả lời câu hỏi của nông dân Trần Như Kiên, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu các bộ KH&CN, Công Thương, NN&PTNT phải xử lý, giải quyết nhanh và thỏa đáng vấn đề chiếu xạ; không để doanh nghiệp (DN) phải vào tận TP.HCM để chiếu xạ, làm tăng chi phí và thời gian.

Về vấn đề xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho hay bản thân ông đã có giao thiệp với lãnh đạo cấp cao của Trung Quốc, tiếp xúc với Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam; cùng với Bộ Công Thương có buổi làm việc với phía Trung Quốc để tháo gỡ khó khăn trong xuất nhập khẩu nông sản. Hiện ông vẫn đang tiếp tục chỉ đạo các tỉnh biên giới làm việc với tỉnh bạn về giao thương hàng hóa giữa hai nước.

Tuy nhiên, Thủ tướng nhấn mạnh thị trường Trung Quốc không còn dễ tính như trước đây. Do đó, muốn xuất khẩu được hàng hóa thuận lợi sang thị trường này, chúng ta buộc phải tăng cường xuất khẩu chính ngạch, tập trung làm thương hiệu, nâng cao chất lượng sản phẩm; kết nối DN, người dân để cùng nâng cao giá trị nông sản.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính thăm một mô hình thâm canh xoài hữu cơ tại Sơn La.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính thăm một mô hình thâm canh xoài hữu cơ tại Sơn La.

Xem xét điều chỉnh thuế, phí để giảm giá phân bón

Nhiều nông dân phản ánh gần đây giá vật tư nông nghiệp như phân bón, thức ăn chăn nuôi, thuốc bảo vệ thực vật… tăng quá cao khiến nhiều nông dân thua lỗ, phải treo ao, treo chuồng.

Trả lời, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết Chính phủ, bộ, ngành chức năng đã nỗ lực kiểm soát tình hình, không để tăng giá. Đơn cử như hạn chế xuất khẩu một số vật tư, nguyên liệu có tính chiến lược; tăng cường quản lý thị trường, đảm bảo không để tình trạng ép giá, ách tắc…

Thời gian tới, các bộ, ngành sẽ tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho các DN sản xuất phân bón để có nguồn cung, đồng thời chủ trì để các DN này chia sẻ khó khăn với người nông dân.

“Chúng tôi cũng sẽ tiếp tục kiểm tra, kiểm soát thị trường; nghiên cứu, đề xuất điều chỉnh một số loại thuế, phí như thuế giá trị gia tăng, qua đó làm sao để giá thành phân bón giảm xuống, chia sẻ với nông dân. Nếu giá phân bón tiếp tục leo thang sẽ kiến nghị Chính phủ trợ giá cho nông dân” - ông Diên cho biết.

Kiểm soát tình trạng phân lô, bán nền trái phép

Định giá đất thấp, nông dân thua thiệt

Ông Lương Quốc Đoàn, Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, cho biết: Nghị quyết 26 về nông nghiệp, nông dân, nông thôn có nêu chủ trương định hướng nông dân tham gia cổ phần hóa bằng đất nhưng sau hơn 10 năm vẫn chưa trở thành một xu hướng hợp tác lớn như kỳ vọng của nông dân và DN. Nông dân góp đất có nguy cơ tăng rủi ro hoặc giảm cơ hội nhận được lợi ích tương xứng vì đất được DN định giá thấp, nông dân có cổ phần ít, lợi nhuận không đáng kể, không đảm bảo cuộc sống, cổ phần ngày càng nhỏ qua mỗi đợt huy động vốn mới.

“Người nông dân nhiều nơi mong muốn định giá quyền sử dụng đất sát với giá thị trường, được đảm bảo sinh kế, việc làm khi đất bị thu hồi…” - ông Đoàn nói.

Ông Hoàng Đình Quê (xã Quỳnh Sơn, huyện Yên Dũng, Bắc Giang) nhận xét thời gian qua giá đất tại nhiều nơi tăng nóng, dẫn tới hiện tượng nhiều bà con nông dân cũng tham gia buôn bán đất nông nghiệp. Đồng thời việc tăng giá đất tại nhiều nơi dẫn đến nhiều hệ lụy không tốt cho sản xuất nông nghiệp, không đảm bảo an ninh trật tự ở nhiều địa phương.Vì vậy, ông Quê đề nghị Chính phủ có các giải pháp kiểm soát giá đất, giám sát việc buôn bán, chuyển nhượng đất đai không đúng các quy định của pháp luật.

Về vấn đề này, ông Lê Quốc Hùng, Thứ trưởng Bộ Công an, cho hay qua tìm hiểu thấy nổi lên các thủ đoạn như sau: Chủ đầu tư rao bán khi chưa có quy hoạch cụ thể hoặc đối với đất đã quy hoạch thì tự ý xây dựng hạ tầng sau đó phân lô, bán nền trái pháp luật gây hậu quả nghiêm trọng. “Đơn cử mấy năm trước chúng tôi đã chỉ đạo lực lượng công an địa phương phá vụ án liên quan tới Công ty cổ phần Alibaba. Công ty này đã tự vẽ 42 dự án với 620 ha không có thật, chiếm đoạt 2.500 tỉ đồng” - Thứ trưởng Hùng dẫn chứng.

Về các giải pháp cho vấn đề này, ông Hùng cho hay Bộ Công an đã tham mưu cho Chính phủ trực tiếp chỉ đạo các cấp thường xuyên cập nhật các thủ đoạn vẽ ra các dự án không có thật để lừa đảo người dân...

Về phía Bộ TN&MT, Thứ trưởng Trần Quý Kiên nhấn mạnh thời gian tới bộ sẽ tăng cường quản lý chặt chẽ các dự án bất động sản. Đặc biệt là bất động sản hình thành trong tương lai, đảm bảo việc đưa bất động sản vào kinh doanh, chuyển nhượng dự án phải đủ các điều kiện theo quy định của pháp luật; kiểm tra, chấn chỉnh hoạt động môi giới bất động sản, đảm bảo hoạt động này tuân thủ đúng các quy định của pháp luật.

Đồng thời các cơ quan chức năng công bố công khai thông tin về quy hoạch, kế hoạch nói chung, trong đó có kế hoạch sử dụng đất để người dân tiếp cận các thông tin chính thống, không bị nhiễu thông tin. Qua đó tránh bị giới đầu cơ lợi dụng thổi giá, đẩy giá đất, giá bất động sản lên cao nhằm thu lợi bất chính…

Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết: Về chính sách đất đai, Chính phủ đang chuẩn bị trình sửa đổi Luật Đất đai và sắp tổ chức hội nghị về phát triển thị trường đất đai lành mạnh, bền vững, an toàn, minh bạch. Từ đó bảo vệ quyền lợi chính đáng của người dân, DN và xử lý nghiêm các sai phạm.

“Với vấn đề đất đai, vừa phải có giải pháp xử lý các vấn đề tình thế vừa phải có giải pháp lâu dài. Đất đai là nguồn lực rất lớn phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và sinh kế, đời sống người dân, vì vậy chúng ta phải tiếp tục hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách. Từ đó phát huy tốt nhất nguồn lực này, hạn chế thấp nhất các sai phạm, tiêu cực, tham nhũng” - Thủ tướng nói.

“Tri thức hóa nông dân”, tạo thuận lợi cho tích tụ ruộng đất

Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh yêu cầu nâng cao vai trò, vị thế, năng lực làm chủ của người nông dân, nhất là nâng cao trình độ theo hướng “tri thức hóa nông dân” để làm chủ công nghệ trong sản xuất, kinh doanh và có thể làm giàu từ nông nghiệp.

Ông cũng cho rằng cần tạo cơ hội bình đẳng tiếp cận các nguồn lực phát triển, các dịch vụ cơ bản, nhất là văn hóa, giáo dục, y tế cho nông thôn, theo tinh thần “ly nông không ly hương”. Chú trọng nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng đất, tạo thuận lợi cho tích tụ ruộng đất; tăng đầu tư của Nhà nước cho nông nghiệp, nông thôn; tín dụng ưu đãi; đa dạng hóa nguồn lực đầu tư với vai trò dẫn dắt của Nhà nước.

“Cải thiện môi trường đầu tư, khuyến khích đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, nhất là các DN, tập đoàn lớn. Tăng cường ứng dụng thương mại điện tử, góp phần giải quyết căn bản vấn đề tiếp cận thị trường, tiêu thụ sản phẩm” - người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm