Chiều 12-5, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dẫn đầu Đoàn đại biểu Quốc hội TP Cần Thơ đã đi tiếp xúc cử tri quận Ô Môn tại phường Thới Hòa.
Tại đây, một số cử tri đã bày tỏ ý kiến về các vấn đề phát triển kinh tế xã hội. Cụ thể, cử tri Lương Minh Hùng cho rằng người dân trông đợi sớm thực hiện dự án đường Ô Môn – Giồng Giềng, kết nối TP Cần Thơ với Đồng Tháp.
Cử tri Lý Minh Dũng cho rằng vào năm 2010, dự án đường khí dẫn Lô B – Ô Môn được triển khai thực hiện và đã kiểm kê bồi thường nhưng sau đó ngưng dự án. Đến năm 2012, dự án được triển khai tiếp và cũng kiểm kê bồi hoàn rồi sau đó lại ngưng đến nay.
Ông Dũng đề nghị Chính phủ và các bộ ngành sớm triển khai thực hiện dự án nêu trên vì nếu tình trạng này kéo dài sẽ ảnh hưởng đến việc sản xuất, kinh doanh của các hộ dân có đất ảnh hưởng bởi dự án. Việc triển khai dự án là để người dân an tâm kinh doanh sản xuất trên mảnh đất của mình cũng như có định hướng ổn định cho cuộc sống trong thời gian tới.
Ngoài ra, cử tri cũng phát biểu ý kiến về một số vấn đề như phân loại rác thải sinh hoạt, chi trả an sinh xã hội không dùng tiền mặt; tình trạng nắng nóng, hạn mặn…
Phát biểu tại buổi tiếp xúc cử tri, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã thông tin về tình hình kinh tế xã hội của nước ta và thế giới. Trong đó, Thủ tướng cho biết, bốn tháng qua, tình hình kinh tế xã hội cả nước tốt hơn năm 2023.
Về các nguồn lực đầu tư, Thủ tướng cho biết, trung ương dành nguồn lực ưu tiên cho ĐBSCL trong nhiệm kỳ này cao gấp 3, 4 lần so với các nhiệm kỳ trước. Nguyên việc sạt lở năm ngoái, trung ương dành hơn 4.000 tỉ cho ĐBSCL.
“Chiều nay, ngay sau việc tiếp xúc này chúng tôi tiếp tục đi khảo sát, chúng ta tiếp tục đầu tư ngăn chặn sạt lở, khô mặn, sụt lún” – Thủ tướng cho hay.
Ngoài việc dành nguồn lực cho phòng chống sạt lở, Thủ tướng cho biết vẫn phải dành nguồn lực cho việc tăng lương, dành 600-700 ngàn tỉ cho việc tăng lương từ 1-7 tới. Theo Thủ tướng, Chính phủ đang tích cực làm và sẽ thực bằng được việc tăng lương từ 1-7 tới.
Liên quan đến các câu hỏi của cử tri về dự án đường Ô Môn – Giồng Riềng, Thủ tướng cho biết Chính phủ đã có kế hoạch triển khai theo Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ đã phân cấp giao chủ quản đầu tư là UBND TP Cần Thơ sử dụng ngân sách địa phương, nguồn vốn hợp pháp khác đầu tư cho dự án. Hiện nay Bộ KH&ĐT đang tập hợp giải quyết cùng với địa phương.
Đối với dự án mỏ khí lô B và ba nhà máy nhiệt điện Ô Môn, Thủ tướng cho biết cử tri nói đúng là từ năm 2010, 2012 đã khởi động việc này nhưng vì lý do khách quan, chủ quan ách tắc cho đến năm 2022.
Theo Thủ tướng, “hiện nay cơ bản giải quyết xong. Tổng mức đầu tư dự án khai thác mỏ khí lô B và trung tâm nhiệt điện Ô Môn là 12 tỉ USD. Bây giờ cơ bản xong các thủ tục và bắt đầu đi vào khai thác; thượng nguồn là khai thác khí, trung nguồn là vận chuyển, hạ nguồn là sản xuất khí ra điện. Tất cả đều đã được ký hợp đồng, được giải quyết”.
“Báo cáo quý vị cử tri mọi thứ đang đẩy đúng tiến độ. Sau khi khai thác khí rồi, năm 2026 luồng khí đầu tiên. Ba nhà máy nhiệt điện Ô Môn II, III, IV sẽ sản xuất vào các năm 2026, 2027, 2028. Câu chuyện này nó dài lắm, làm suốt hơn hai năm vừa qua và rất quyết liệt thì mới có sản phẩm. Đầu tư vào đây 12 tỉ USD và liên quan rất nhiều nhà đầu tư khác nhau, không có sự quyết tâm, nỗ lực của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, các bộ, các ngành, đặc biệt là UBND TP Cần Thơ thì không ra được. Tất cả đã có đầu ra, các bác yên tâm!” – Thủ tướng cho hay.
Ngoài ra, Thủ tướng cũng đã trả lời cử tri các vấn đề về các vấn đề biến đổi khí hậu, rác thải, chi trả an sinh xã hội không dùng tiền mặt…
Chủ tịch Cần Thơ thông tin tiến độ các dự án nhà máy nhiệt điện Ô Môn II, III, IV
Thông tin một số vấn đề cử tri nêu ra, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Trần Việt Trường đã nêu tóm tắt về kết quả phát triển kinh tế xã hội của TP trong thời gian qua cũng như một số vấn đề còn tồn tại. Cạnh đó, Chủ tịch Cần Thơ cũng thông tin thêm một số vấn đề cử tri nêu ra.
Trong đó, dự án đường dẫn khí Lô B – Ô Môn, chủ đầu tư đã đẩy nhanh tiến độ, đặc biệt là giải phóng mặt bằng. Ngày 25-3 vừa qua, UBND TP đã có ý kiến đối với dự thảo khung chính sách bồi thường, hỗ trợ tái định cư dự án. Ngày 11-4, chủ đầu tư đã đã trình Bộ TN&MT về khung chính sách bồi thường nêu trên để thẩm tra, làm cơ sở trình Thủ tướng phê duyệt.
Đối với các dự án nhà máy nhiệt điện Ô Môn II-III-IV, trách nhiệm của TP kịp thời giải quyết các khó khăn thuộc thẩm quyền của TP. Hiện các dự án này đã giải phóng mặt bằng sạch 100%, tuy nhiên còn vướng bàn giao đất thực địa, việc chia sẻ các hạng mục dùng chung giữa các nhà máy.
Theo quy hoạch, tiến độ Dự án II, chủ đầu tư đã phê duyệt dự án, hiện đang đàm phán hợp đồng mua khí, mua bán điện, chia sẻ các hạng mục dùng chung; dự kiến quý III-2025 khởi công và đưa vào vận hành thương mại vào năm 2027.
Dự án III, chủ đầu tư đang triển khai lựa chọn nhà thầu lập báo cáo nghiên cứu khả thi. Ủy ban quản lý vốn nhà nước để xuất vay vốn ODA cho dự án. Chủ đầu tư đang thỏa thuận chia sẻ các hạng mục dùng chung; dự kiến khởi công quý III-2027, vận hành quý IV-2030.
Dự án IV, Tập đoàn dầu khí Việt Nam đã phê duyệt dự án. Hiện chủ đầu tư đang thỏa thuận chia sẻ các hạng mục dùng chung; dự kiến khởi công quý IV-2025, vận hành thương mại quý III-2028.