Theo Thủ tướng, Tổng cục trưởng, vụ trưởng, giám đốc sở, chủ tịch huyện... không chịu đổi mới, hội nhập, không thay đổi tư duy thì rất khó khăn cho đất nước.
Phải chuyển biến cả hệ thống
Thủ tướng nói ông đặc biệt quan tâm đến các lãnh đạo ngồi hàng thứ hai, thứ ba (lãnh đạo cấp Tổng cục trưởng, Vụ trưởng...) bởi đây là những người trực tiếp thực hiện đổi mới, cải cách, áp dụng những việc mà Chính phủ đang làm.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị trực tuyến giữa Chính phủ và các địa phương. Ảnh: VGP
“Nếu hàng thứ hai, thứ ba không làm thì hàng thứ nhất cũng không có tác dụng nhiều. Cải cách đổi mới phải là hệ thống. Tôi lo nhất là cấp tổng cục trưởng, vụ trưởng, cấp sở, huyện có đổi mới, cải cách hay không, có áp dụng tiến bộ kỹ thuật mới không, có áp dụng công nghệ số không?... Còn lãnh đạo chuyển xuống tổng cục, tổng cục cứ để đó, tham mưu kiểu cũ, không đổi mới thì khó lắm” - người đứng đầu Chính phủ nói và khẳng định, nếu các vụ trưởng, tổng cục trưởng, giám đốc sở, chủ tịch huyện không chịu đổi mới, hội nhập, không thay đổi tư duy thì rất khó khăn cho đất nước. Trên nóng dưới lạnh cũng từ ý đó.
Thủ tướng cũng nhận định các tập đoàn, tổng công ty nhà nước không những đóng vai trò rất quan trọng tăng GDP mà còn có vai trò quan trọng trong công nghiệp 4.0. “Chúng ta phải chuyển biến cả hệ thống thì cuộc cách mạng mới thành công, nhất là cấp liên quan đến cơ sở, đến người dân” - Thủ tướng nhấn mạnh.
Người đứng đầu chính phủ cho hay Thường trực Chính phủ đã thảo luận và thống nhất ngay chiều nay (29-12) hoặc chậm nhất là đầu tháng sau, Văn phòng Chính phủ phải trình Thủ tướng ký ban hành Nghị quyết 01, kèm theo 242 loại công việc cụ thể để các cấp, ngành, địa phương bám vào để tổ chức triển khai ngay những ngày đầu của năm 2018.
"Đừng để đầu năm thong thả cuối năm vất vả" - Thủ tướng nói và nhấn mạnh "chủ trương một biện pháp 10 nên sự vận dụng, sáng tạo là rất quan trọng".
Phải xuống thực tế, đừng "sáng cắp ô đi tối cắp ô về"
Theo Thủ tướng Chính phủ, năm 2017 Việt Nam đã hoàn thành toàn diện, vượt mức các chỉ tiêu. Đây không chỉ là kết quả mà còn là kinh nghiệm tốt cho 2018.
"Những kỷ lục như tổng vốn đầu tư FDI, kim ngạch xuất khẩu, thành lập doanh nghiệp... rất đáng mừng. Chính chúng ta cũng không thể nghĩ chúng ta có nền kinh tế có kim ngạch hai chiều xuất nhập khẩu trên 425 tỉ USD và lần đầu tiên chúng ta xuất siêu, như nông nghiệp 36-37 tỉ USD..." - Thủ tướng nói.
"Tất nhiên cũng có nhiều "kỷ lục" khác như thiên tai, kỷ lục về số vụ án liên quan đến lãnh đạo cấp cao..." - Thủ tướng điểm lại.
Đánh giá về những kết quả đạt được năm 2017, Thủ tướng ghi nhận sự đóng góp của nhiều bộ trưởng, bí thư, chủ tịch và cả các cơ quan thông tấn báo chí. Đặc biệt là cả hệ thống chính trị đã quyết liệt, đồng bộ trong chỉ đạo thực hiện từ trung ương đến địa phương, hệ thống doanh nghiệp và người dân. Nhiều người đã làm ngày làm đêm cùng thường trực Chính phủ, nhiều địa phương lăn lộn tìm lối đi, cách làm mới để có sự chuyển biến.
"Nhiều người cứ thứ Bảy, Chủ nhật xuống cơ sở ở nông thôn, ngồi uống cà phê để lắng nghe những trăn trở, tìm ra giải pháp chứ không phải sáng cắp ô đi tối cắp ô về... " - Thủ tướng nói đồng thời nhắc lại lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh “khiêm tốn bao nhiêu cũng không đủ”, hay “không ngủ quên trên vòng nguyệt quế” như lời Tổng Bí thư nói hôm qua.
"Thu nhập bình quân đầu người có 2.300 USD thì có gì phấn khởi" Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu, năm 2018, tăng trưởng phải đạt trên mức Quốc hội thông qua để giải quyết vấn để việc làm, thu ngân sách, nợ công, chia bình quân đầu người. "Một đất nước thu nhập có hơn 2.300 USD/người thì có gì mà quá phấn khởi các đồng chí? Có thể nói đó là nỗi buồn bực của lãnh đạo chúng ta khi bình quân thu nhập thấp đến thế. Do đó tăng trưởng, chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động phải tăng lên, chỉ số môi trường phải được cải thiện" - Thủ tướng nói thêm. |