Thủ tướng: Đường sắt Nhổn - Ga Hà Nội chậm 7 năm, không thể chậm nữa

(PLO)- Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu làm rõ nguyên nhân chậm tiến độ dự án đường sắt đô thị đoạn Nhổn - Ga Hà Nội.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Sáng 7-8, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có chuyến thị sát tuyến đường sắt đô thị Nhổn - Gà Hà Nội. Sau khi kiểm tra thực địa, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng làm việc với lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương và TP Hà Nội để nghe báo cáo, xử lý các khó khăn, vướng mắc của dự án.

Theo báo cáo của UBND TP Hà Nội, dự án đường sắt Nhổn - Ga Hà Nội dài 12,5 km, đi qua 8 ga trên cao và 4 ga ngầm, trong đó đoạn trên cao dài 8,5 km, đoạn đi ngầm dài 4km. Dự án được UBND TP Hà Nội khởi công vào tháng 9-2010. Tuy nhiên, đến nay sau gần 13 năm triển khai, toàn bộ 10/10 gói thầu của dự án mới đạt khoảng 75% tiến độ, trong đó sản lượng thi công đoạn trên cao đạt 96%, đoạn đi ngầm đạt 33%. Bên cạnh đó, tổng số vốn đầu tư cũng đội lên gấp đôi so với ban đầu, lên hơn 34.000 tỉ đồng.

Phát biểu tại cuộc họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, tổng chiều dài dự án có 12,5km, theo tiến độ dự kiến được phê duyệt đợt đầu năm 2009, dự án hoàn thành vào năm 2015 với tổng mức đầu tư gần 20 nghìn tỷ đồng.

“Như vậy so quyết định đầu tư, tiến độ ban đầu thì đến nay đã chậm mất 7 năm, và sẽ tiếp tục chậm nữa. Hiện đã làm được 75% tổng khối lượng dự án. Nếu chúng ta không có giải pháp hiệu quả thì dự kiến phải 3 năm nữa mới hoàn thành, khi đó dự án đối mặt với lạm phát và bao vấn đề, lại phải điều chỉnh lần nữa” - Thủ tướng nói.

Thủ tướng Phạm Minh Chính thị sát, kiểm tra tiến độ dự án Metro đoạn Nhổn - ga Hà Nội. Ảnh: VGP

Thủ tướng Phạm Minh Chính thị sát, kiểm tra tiến độ dự án Metro đoạn Nhổn - ga Hà Nội. Ảnh: VGP

Thủ tướng yêu cầu phải “làm rõ vướng mắc ở đâu? Thẩm quyền của ai? Vấn đề liên quan tiến độ, vốn thiếu ở đâu? Thực hiện như thế nào để bảo đảm tiến độ”. Đồng thời nhấn mạnh không thể để dự án tiếp tục chậm tiến độ.

Thủ tướng cho hay, từ đầu năm 2022 đến nay, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh đã ban hành 3 văn bản tháo gỡ, tuy nhiên đến bây giờ vẫn còn nhiều vướng mắc. Chính vì vậy, Chính phủ phải tổ chức cuộc họp với đầy đủ các bộ, ngành, cơ quan liên quan để xem xét tổng thể, trên cơ sở đó, giải quyết các vướng mắc, giao việc cụ thể cho các bộ, ngành.

Thủ tướng gợi ý cần thành lập Tổ công tác chuyên trách để giải quyết Dự án. Từ công trình này cần rút kinh nghiệm chỉ đạo tiếp theo để phát triển đường sắt đô thị ở TP Hà Nội. Sau hơn 10 năm, Hà Nội mở rộng không gian để giảm tải cho trung tâm thành phố nhưng chưa khai thác được. Đây là vấn đề đáng suy nghĩ bởi mục tiêu là mở rộng Hà Nội, đây cũng là mục tiêu rất cao của Đảng, Nhà nước cách đây 10 năm.

Cuộc họp này định hướng cần khai thác không gian, giảm tải về hạ tầng cho trung tâm Hà Nội, nhất là về giao thông, điện, nước, ách tắc giao thông. Nếu không làm các dự án đường sắt đô thị thì đầu tư các công trình hạ tầng khác như các nút giao cũng hết sức khó khăn, nhất là về giải phóng mặt bằng.

“Do đó, chúng ta cần rút kinh nghiệm từ công trình này để làm tốt các công trình khác” - Thủ tướng nhấn mạnh.

Theo Thủ tướng, việc chậm dự án dẫn đến phải điều chỉnh tổng mức đầu tư do trượt giá; chưa kể giá cả nguyên vật liệu tăng nhanh. Kinh nghiệm làm việc gì dứt việc đó, tập trung làm nhanh trong vài năm, nếu không hiệu quả đầu tư sẽ thấp, lãng phí.

Qua kiểm tra nhiều công trình hạ tầng gần đây, Thủ tướng cho rằng vẫn còn tình trạng tiến độ chậm trễ, lãng phí… khiến dư luận nhân dân bức xúc. Do vậy cần phải làm rõ “Nguyên nhân do đâu? Ai chịu trách nhiệm? Giải pháp khắc phục như thế nào”.

Sau khi nghe các ý kiến tại cuộc họp, Thủ tướng chỉ rõ nguyên nhân và trách nhiệm khiến dự án chậm tiến độ, đội vốn thuộc về chủ đầu tư, TP Hà Nội, các đơn vị tư vấn, các nhà thầu; sự phối hợp giữa các bộ, ngành và TP Hà Nội chưa chặt chẽ, hiệu quả. Các vướng mắc, vấn đề phát sinh không kịp thời được xử lý.

Thủ tướng yêu cầu về tiến độ, đoạn trên cao phải phấn đấu hoàn thành chậm nhất là 31-12-2022. Hiện nhà thầu đã cam kết đáp ứng tiến độ này, chủ đầu tư là UBND TP Hà Nội phải đáp ứng các yêu cầu của nhà thầu, đồng thời nghiên cứu, tìm giải pháp rút ngắn ít nhất một nửa thời gian hoàn thành đoạn đi ngầm so với đề xuất của đơn vị tư vấn là năm 2027.

Thủ tướng Phạm Minh Chính. Ảnh: VGP

Thủ tướng Phạm Minh Chính. Ảnh: VGP

Về điều chỉnh tổng mức đầu tư, không vay thêm vốn ODA do thủ tục phức tạp (do liên quan tới nhiều loại ngoại tệ, nhiều nhà tài trợ từ nhiều nước, thay đổi tỷ giá…) mà sử dụng ngân sách Nhà nước. Về các vướng mắc giữa pháp luật Việt Nam và pháp luật các nước, quy định của nhà tài trợ, Thủ tướng yêu cầu rà soát lại để điều chỉnh cho phù hợp.

Về thủ tục, các bộ ngành liên quan theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn chủ động phối hợp với TP Hà Nội để triển khai, phân công nhiệm vụ rõ ràng; tiến hành song song các thủ tục thuộc thẩm quyền của Hà Nội và của các bộ ngành.

Về tổ chức thực hiện, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh trực tiếp chỉ đạo theo định hướng chung đã cơ bản được thống nhất tại cuộc họp; Văn phòng Chính phủ tăng cường tham mưu, đôn đốc việc triển khai các nhiệm vụ; các bộ, ngành liên quan như Bộ Xây dựng, Bộ Tài chính, Bộ Công an, Bộ Giao thông vận tải… vào cuộc với tiến độ công việc cụ thể, giải quyết dứt điểm các vướng mắc, vấn đề đặt ra.

Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, cơ quan và Hà Nội phải chủ động, tích cực thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp đã được thống nhất, tránh chung chung, đùn đẩy trách nhiệm; nếu có vướng mắc thì đơn vị chủ trì phải triệu tập các đơn vị liên quan để giải quyết theo đúng quy chế làm việc của Chính phủ.

Thủ tướng giao TP Hà Nội tổng kết các dự án đường sắt Nhổn-Ga Hà Nội, dự án Cát Linh- Hà Đông, Thành phố Hồ Chí Minh tổng kết dự án Bến Thành - Suối Tiên để rút kinh nghiệm triển khai các dự án khác.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm