Thủ tướng: Giảm nghèo phải làm bằng cả trái tim

Sáng 11-12, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết công tác giảm nghèo giai đoạn 2016-2020.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh giảm nghèo không chỉ làm bằng trí tuệ mà phải bằng cả trái tim. Ảnh: VGP

Vì một Việt Nam không có đói nghèo

Tại hội nghị, Thủ tướng khẳng định giảm nghèo là một nhiệm vụ có ý nghĩa bậc nhất và mang đậm tình người nhất.

“Sau hơn 30 năm nỗ lực trong công tác giảm nghèo, Việt Nam đã trở thành một trong những hình mẫu trên thế giới về thành tựu xóa đói, giảm nghèo, là câu chuyện thành công, truyền cảm hứng cho bạn bè năm châu” - Thủ tướng khẳng định.

Theo Thủ tướng, chính sách giảm nghèo 2016-2020 là giảm nghèo bền vững và Quốc hội, Chính phủ đã ra nhiều nghị quyết, chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững. 

Thủ tướng Chính phủ cũng phát động phong trào thi đua giảm nghèo để không ai bị bỏ lại phía sau. Dù vẫn còn khó khăn, Chính phủ vẫn dành nguồn vốn tăng gấp đôi giai đoạn trước, tỉ lệ 21% ngân sách nhà nước đã dành cho phúc lợi xã hội là mức đầu tư cao nhất ASEAN cho giảm nghèo. Trong đại dịch COVID-19, Chính phủ đã có chính sách hỗ trợ trực tiếp cho 13 triệu người được trợ cấp từ ngân sách nhà nước với những cấp độ khác nhau.

Nói về công tác giảm nghèo trong thời gian tới, Thủ tướng cho rằng cần phải xây dựng nghị quyết về tiếp tục đẩy mạnh mục tiêu giảm nghèo, phê duyệt chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo, an sinh xã hội giai đoạn 2021-2025, định hướng năm 2030, tầm nhìn năm 2045 với tinh thần xuyên suốt vì một Việt Nam không có đói nghèo.

“Giảm nghèo trong thời gian tới là công việc của cả trí tuệ và trái tim” - Thủ tướng nhấn mạnh.

Thủ tướng cho rằng phải tiếp tục hỗ trợ người nghèo vươn lên thoát nghèo theo hướng đa chiều, ưu tiên trẻ em, đồng bào dân tộc thiểu số, đối tượng bảo trợ xã hội, bảo đảm không ai bị bỏ lại phía sau. Kế đó, cần tiếp tục đầu tư hạ tầng kinh tế - xã hội các vùng đặc biệt khó khăn, nhất là hạ tầng giao thông, đầu tư giáo dục, dạy nghề, tạo việc làm, tạo điều kiện cho người nghèo được học nghề, tiếp cận việc làm, nâng cao dân trí.

Các địa phương cần tiếp tục đổi mới, năng động, sáng tạo trong quá trình thực thi các chính sách giảm nghèo, xây dựng các mô hình giảm nghèo tại cộng đồng phù hợp với đặc thù của từng địa phương…

Tỉ lệ hộ nghèo của Việt Nam giảm nhanh trong các năm qua. Đồ họa: TRẤN QUỐC

Tỉ lệ hộ nghèo giảm liên tục

Tại hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh Đảng và Nhà nước luôn xác định giảm nghèo bền vững và bảo đảm an sinh xã hội là mục tiêu, nhiệm vụ quan trọng trong quá trình phát triển.

Theo Phó Thủ tướng, công tác giảm nghèo trên cả nước những năm qua đạt nhiều kết quả tích cực. Qua 10 năm thực hiện, tỉ lệ hộ nghèo đã giảm liên tục qua các năm trên phạm vi cả nước, các vùng miền.

Nhiều huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn đã được đầu tư cải thiện hệ thống cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất và đời sống dân sinh; hộ nghèo được hỗ trợ sinh kế, tạo việc làm, tăng thu nhập, tạo điều kiện tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản. Đặc biệt, đã có sự chuyển biến về nhận thức và hành động của một bộ phận người nghèo, đã xuất hiện một số điển hình làm đơn tự nguyện xin thoát nghèo.

Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng nhìn nhận công tác giảm nghèo còn những tồn tại cần khắc phục trong thời gian tới như: Kết quả giảm nghèo chưa thực sự bền vững, tỉ lệ tái nghèo, phát sinh nghèo mới còn cao, còn khoảng cách giàu nghèo giữa các vùng, nhóm dân cư...

TP.HCM phấn đấu cuối năm 2025 không còn hộ nghèo

Tại TP.HCM, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP.HCM lần thứ X, nhiệm kỳ 2015-2020 đặt chỉ tiêu giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020 bình quân 1%/năm và nâng thu nhập bình quân của hộ nghèo tăng 3,5 lần so với đầu năm 2011. Cả hai chỉ tiêu này đã được hoàn thành trước thời hạn, tạo hiệu ứng sâu rộng và đổi đời nhiều hoàn cảnh nghèo khó.

Cuối năm 2019, TP.HCM còn gần 9.700 hộ nghèo (chiếm 0,39%) và gần 23.000 hộ cận nghèo (chiếm 0,93%) - tỉ lệ hộ nghèo và cận nghèo đều ở mức dưới 1%; cơ bản không còn hộ nghèo theo chuẩn nghèo giai đoạn 2019-2020 (thu nhập dưới 28 triệu đồng/người/năm).

TP.HCM phấn đấu đến cuối năm 2025, cơ bản không còn hộ nghèo theo tiêu chuẩn nghèo cả nước, còn dưới 0,5% hộ nghèo theo chuẩn nghèo TP.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm