Thủ tướng họp trực tuyến với các Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài

(PLO)-  Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các thương vụ đẩy mạnh tìm kiếm, kết nối để đa dạng nguồn cung nguyên vật liệu phục vụ sản xuất trong nước.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Chiều tối 19-8, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì cuộc làm việc trực tuyến với hệ thống thương vụ Việt Nam tại nước ngoài.

Tại hội nghị, 14 đại biểu đại diện các cơ quan thương vụ Việt Nam ở nước ngoài đã trao đổi về tình hình, chính sách của các nước.

Sau ý kiến của các thương vụ, lãnh đạo các bộ, ngành cũng phát biểu phân tích, giải đáp các vấn đề mà đại diện các thương vụ quan tâm, kiến nghị.

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng đánh giá hệ thống thương vụ Việt Nam tại nước ngoài thời gian qua đã làm tốt nhiệm vụ cung cấp thông tin về chính sách, nhu cầu thị trường, xúc tiến thương mại, kết nối giao thương, hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong nước.

Thủ tướng nhận định, trong những tháng còn lại của năm 2022 và thời gian tới, tình hình thế giới dự báo tiềm ẩn nhiều biến động, rủi ro và khiến ổn định kinh tế vĩ mô trong nước gặp nhiều thách thức, đặc biệt áp lực lạm phát gia tăng.

Trước bối cảnh trên, Thủ tướng gợi mở một số nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu để Bộ Công Thương và các thương vụ cần tập trung thực hiện trong thời gian tới.

Chiều tối 19-8, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì cuộc làm việc trực tuyến với hệ thống thương vụ Việt Nam tại nước ngoài. Ảnh: VGP

Chiều tối 19-8, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì cuộc làm việc trực tuyến với hệ thống thương vụ Việt Nam tại nước ngoài. Ảnh: VGP

Thủ tướng yêu cầu cùng với hệ thống các cơ quan đại diện ngoại giao, hệ thống thương vụ tiếp tục triển khai hiệu quả công tác thiết lập quan hệ với các nước sở tại, truyền tải thông điệp, hình ảnh Việt Nam với những nền tảng chính về đất nước, con người Việt Nam; quan điểm phát triển đất nước, đường lối đối ngoại của Việt Nam.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các thương vụ, chi nhánh thương vụ phát huy hiệu quả vai trò vị trí tiền tuyến, chủ động tiếp cận, đánh giá chính sách, từ đó tham mưu, đề xuất các vấn đề mang tính chiến lược và những phản ứng chính sách phù hợp, bảo đảm quyền lợi của đất nước, của doanh nghiệp trong hội nhập kinh tế quốc tế.

Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu hệ thống thương vụ tăng cường nghiên cứu, nắm vững nhu cầu, yêu cầu của thị trường. Từ đó tham mưu phát triển thị trường, kết nối giao thương; đồng thời chủ động cảnh báo, phòng ngừa, đưa ra khuyến cáo, kiến nghị xử lý các rủi ro. Hỗ trợ các hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp, địa phương của Việt Nam xây dựng, điều chỉnh chiến lược, kế hoạch sản xuất kinh doanh và xuất khẩu phù hợp nhằm tận dụng hiệu quả các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký kết.

Thủ tướng đặc biệt nhấn mạnh, phải thúc đẩy đa dạng hóa thị trường để bù đắp khó khăn tại các thị trường truyền thống như Mỹ, Trung Quốc, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, ASEAN; mở rộng thị trường sang khu vực Đông Âu, Trung Đông, Nam Mỹ, Nam Á, châu Phi; đồng thời tăng cường đa dạng hóa các chuỗi cung ứng.

Thủ tướng đề nghị hệ thống thương vụ tăng cường tìm kiếm đối tác, kết nối các doanh nghiệp trong và ngoài nước hợp tác đầu tư, đặc biệt là những ngành công nghiệp có tính chất nền tảng như cơ khí, chế biến, chế tạo, điện tử, công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp vật liệu, hoá chất, dược phẩm… Đồng thời hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam đầu tư ra nước ngoài.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu các thương vụ đẩy mạnh tìm kiếm, phát hiện, kết nối để đa dạng nguồn cung nguyên vật liệu phục vụ các ngành sản xuất trong nước. Thúc đẩy hợp tác với nước ngoài để phát triển ngành công nghiệp vật liệu của Việt Nam, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trong nước chủ động trong sản xuất và xuất khẩu, tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu...

Đối với các ý kiến, đề xuất, kiến nghị của các thương vụ, Thủ tướng giao Bộ Công Thương chủ trì tổng hợp, phối hợp chặt chẽ với Văn phòng Chính phủ và các bộ, cơ quan liên quan nghiên cứu, xử lý theo thẩm quyền và báo cáo, kiến nghị xử lý đối với những vấn đề vượt thẩm quyền.

Theo báo cáo của Bộ Công Thương, năm 2021, kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam đạt hơn 670 tỷ USD, đưa Việt Nam vào top 20 nền kinh tế có quy mô ngoại thương lớn nhất toàn cầu. 7 tháng năm 2022, trong bối cảnh khó khăn, kim ngạch xuất nhập khẩu của nước ta tiếp tục tăng cao, đạt hơn 433 tỷ USD, tăng 15,3% so với cùng kỳ. Dự báo cả năm 2022 sẽ đạt khoảng 800 tỷ USD.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm