Đánh giá tình hình kinh tế- xã hội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng tháng 7 phát triển khá tốt, đặc biệt là kích cầu nội địa, du lịch nội địa, hàng không- những ngành chịu nhiều thiệt hại do COVID-19 đã tiến triển đáng mừng.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7. Ảnh: VGP
3 rủi ro, thách thức lớn
Tuy nhiên, trong tuần cuối tháng 7, ổ dịch tại Đà Nẵng xuất hiện và lây lan ra 7 tỉnh, thành phố. Trong bối cảnh đó, chúng ta đã tập trung chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh một cách bình tĩnh, lạc quan và quyết tâm cao với mục tiêu kép là khoanh vùng dập dịch kịp thời, liên tục với biện pháp mạnh, nhất là tập trung cho TP. Đà Nẵng.
Ông đánh giá lần này chúng ta đã làm tốt, quyết liệt và có kinh nghiệm nhất định trong phòng chống dịch. Chúng ta đã chỉ đạo khoanh vùng dập dịch quyết liệt nhưng không hoảng loạn, đặc biệt là hạn chế giãn cách một cách tràn lan.
Người đứng đầu Chính phủ cũng khẳng định chúng ta đã chỉ đạo trên tinh thần không để đứt gãy nền kinh tế, giữ cân đối vĩ mô, kiềm chế lạm phát, đặc biệt là giữ được các cân đối lớn của nền kinh tế. “Nếu ốm nặng quá thì gượng dậy rất khó, còn ốm nhẹ thì cố gắng gượng dậy”, Thủ tướng ví von.
Thủ tướng nêu nhiều dẫn chứng là “dấu hiệu đáng mừng” về sức khoẻ nền kinh tế.. Chẳng hạn, hoạt động bán lẻ hàng hóa, dịch vụ tháng 7 tiếp tục hồi phục, tăng đến 3,3% so với tháng trước và tăng đến 4,3% so với cùng kỳ nhờ chính sách kích cầu tiêu dùng và du lịch nội địa.
Ngoài ra, xuất siêu cao nhất trong 4 năm qua, chúng ta đã tìm một số thị trường mới, tăng lên về khối lượng. Thu hút FDI được cải thiện, 7 tháng đầu năm đạt gần 19 tỉ USD cho thấy xu hướng phục hồi và Việt Nam đang tận dụng cơ hội dịch chuyển vốn đầu tư. Giải ngân vốn đầu tư công tháng 7 tăng tích cực nhất, gần 52% so với cùng kỳ năm trước…
Tuy nhiên, người đứng đầu Chính phủ cũng thẳng thắn chỉ ra 3 rủi ro, thách thức từ bên ngoài. Trong đó, rủi ro lớn nhất vẫn là dịch COVID-19 với diễn biến khó lường, đặc biệt các đối tác quan trọng bị ảnh hưởng nặng nề. Thứ hai, căng thẳng thương mại và công nghệ leo thang giữa nhiều nước. Thứ ba, địa chính trị phức tạp, thiên tai, lũ lụt ảnh hưởng tới khả năng phục hồi kinh tế.
“Tôi xin lưu ý thách thức đối với chúng ta là bùng phát dịch trở lại, đe dọa phục hồi kinh tế”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Không được chủ quan, lơ là
Phát biểu kết luận, Thủ tướng một lần nữa nhấn mạnh: Cùng với quyết liệt phòng, chống, không để dịch bệnh lây lan, cần tập trung phục hồi, phát triển kinh tế xã hội, giảm thiểu tác động của dịch bệnh.
Chính phủ họp phiên thường kỳ tháng 7. Ảnh: VGP
Ông yêu cầu tất cả các bộ, ngành, địa phương vào cuộc quyết liệt hơn nữa, không bộ, ngành nào được chủ quan, lơ là nhiệm vụ quan trọng này. Đặc biệt, Bộ trưởng, Chủ tịch UBND các địa phương trực tiếp chịu trách nhiệm về phòng, chống dịch bệnh.
Thủ tướng cho rằng cần kết hợp đồng bộ, hiệu quả các chính sách, nhất là chính sách tài chính và tiền tệ để kích thích mạnh mẽ tổng cầu. “Có đồng chí lãnh đạo nói nếu chúng ta tăng từ 2-3% đã là một cố gắng rất lớn, phấn đấu đạt cao hơn trong trường hợp kiểm soát tốt dịch bệnh và tình hình dịch bệnh thế giới không quá xấu”, Thủ tướng cho biết.
Theo Thủ tướng, chúng ta muốn tăng trưởng cao hơn nữa nhưng tình hình thế giới tăng trưởng âm, những đối tác lớn bị ảnh hưởng, cả cung và cầu đều yếu. Do vậy, tăng trưởng của chúng ta chỉ ở mức độ vừa phải. Chưa kể, chúng ta còn có nhiệm vụ quan trọng không kém là cố gắng giữ ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn để củng cố niềm tin, góp phần ổn định xã hội.
Trước đó, phát biểu tại phiên khai mạc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dịch lần 2 phức tạp, chúng ta tiếp tục coi “chống dịch như chống giặc”. Mỗi gia đình, thôn, bản, xóm, làng là một pháo đài, mỗi người dân là một chiến sĩ trên mặt trận phòng chống dịch.
Thủ tướng cũng khẳng định chúng ta đã tăng cường lực lượng cần thiết cho Đà Nẵng với hàng nghìn cán bộ y tế từ Hà Nội, TPHCM. Đà Nẵng, Quảng Nam và các địa phương có dịch đã có các biện pháp cương quyết để ngăn ngừa dịch…
Trong bối cảnh dịch bệnh quay trở lại, người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh chúng ta không được chủ quan, không được để dịch bùng phát trên quy mô lớn. Thời gian đầu tháng 8 là thời gian mang tính quyết định có bùng phát dịch quy mô lớn hay không, vì vậy, Thủ tướng yêu cầu dồn mọi nguồn lực xử lý kịp thời các ổ dịch, nhất là ổ dịch ở Đà Nẵng.
Các bộ, ngành, địa phương phải có những “tổ công tác đặc biệt” Phát biểu kết luận phiên họp Chính phủ sáng nay, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc lưu ý việc triển khai gói hỗ trợ 62.000 tỉ đồng vừa qua cần rút kinh nghiệm để thuận lợi hơn. Thủ tướng giao Bộ trưởng Bộ KH&ĐT chủ trì, tổng hợp, báo cáo Thủ tướng trước ngày 15-8 (để báo cáo Chính phủ trước khi trình Bộ Chính trị cho ý kiến) để báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội những vấn đề liên quan. “Các đồng chí đều phải có trách nhiệm hỗ trợ các ngành, các lĩnh vực, các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế, người lao động, người dân gặp khó khăn, đặc biệt là Bộ LĐ-TB&XH. Số người lao động gặp khó khăn hiện nay còn lớn lắm, chúng ta phải có giải pháp mạnh hơn, đề xuất chính sách mới hơn”, Thủ tướng lưu ý. Liên quan đến đầu tư công, Thủ tướng yêu cầu giải ngân 100% vốn đầu tư công, kể cả vốn ODA với những biện pháp mạnh mẽ. Theo Thủ tướng, nếu giải ngân hết 630.000 tỉ đồng sẽ góp phần vào tăng trưởng GDP thêm 0,4%, chưa kể tạo tiền đề thúc đẩy đầu tư tư nhân và đầu tư nước ngoài, giải quyết việc làm. Do vậy, Thủ tướng yêu cầu xử lý nghiêm các tổ chức, cơ quan, đơn vị, cá nhân làm chậm, làm sai quy định, coi giải ngân vốn đầu tư công là một nhiệm vụ chính trị trọng tâm, là căn cứ đánh giá cán bộ năm 2020… Thủ tướng cũng đề nghị các bộ, ngành, địa phương phải có những tổ công tác đặc biệt do các Bộ trưởng, trưởng ngành, Chủ tịch UBND tỉnh làm tổ trưởng để cùng Tổ công tác đặc biệt của Thủ tướng tập trung giải quyết các vướng mắc, thu hút các nguồn vốn đầu tư nước ngoài, nhất là từ các công ty đa quốc gia đang dịch chuyển trong khu vực và toàn cầu. Ngoài ra, Chủ tịch các tỉnh, thành phố, Bộ trưởng, trưởng ngành phải trực tiếp chỉ đạo giải quyết các kiến nghị của người dân, của doanh nghiệp. |