Thủ tướng: Không để người có công nào không được hưởng chính sách của Nhà nước

(PLO)- Thủ tướng đề nghị các cơ quan chức năng tiếp tục rà soát chính sách người có công với tinh thần “không để người có công nào không được hưởng chính sách ưu đãi của Đảng, Nhà nước ta”.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Nhờ ai ta có hòa bình?/ Nhờ người chiến sĩ quên mình vì dân!”- đó là lời dạy của Bác Hồ được Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung nhắc lại tại hội nghị tri ân người có công với cách mạng năm 2024 diễn ra vào sáng 23-7, nhân kỷ niệm 77 năm Ngày thương binh - Liệt sĩ (27-7).

Trả lại tên cho liệt sĩ là mệnh lệnh của trái tim

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, cho biết 77 năm qua, Đảng, Nhà nước và nhân dân ta luôn quan tâm, chăm lo, thực hiện tốt công tác đền ơn đáp nghĩa đối với người có công với cách mạng và thân nhân.

Từ năm 2013 đến nay, cả nước đã vận động gần 7.900 tỉ đồng để hỗ trợ hộ gia đình người có công, xây dựng mới 67.700 căn nhà và sửa chữa gần 45.900 căn nhà tình nghĩa với tổng kinh phí hỗ trợ trên 12.700 tỉ đồng. Đặc biệt, hơn 110.000 sổ tiết kiệm đã đến tay các gia đình chính sách với số tiền trên 403 tỉ đồng, 2.412 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng còn sống được các tổ chức nhận chăm sóc, phụng dưỡng suốt đời.

hội nghị tri ân người có công với cách mạng.
Mở đầu hội nghị, các đại biểu dành phút mặc niệm các anh hùng liệt sĩ và sự ra đi của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Ảnh: V.LONG

Đáng chú ý, Bộ LĐ-TB&XH đã xem xét, giải quyết dứt điểm hơn 7.000 hồ sơ tồn đọng, trình Thủ tướng công nhận và cấp bằng Tổ quốc ghi công đối với hơn 2.400 liệt sĩ, hơn 2.700 thương binh, người hưởng chính sách như thương binh. Đây là việc làm vô cùng khó khăn do hồ sơ thất lạc, người giao nhiệm vụ không còn sống, đồng đội, người làm chứng đều đã mất…

Điển hình như trường hợp cụ Phạm Khánh, chiến sĩ cách mạng Xô viết Nghệ Tĩnh hy sinh năm 1931, sau 92 năm mới tìm được dữ liệu, được công nhận liệt sĩ.

“Có thể nói, những kết quả đó mang đậm nghĩa tình, tri ân sâu nặng đối với thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ và người có công với cách mạng, phần nào đã xoa dịu những đau thương, mất mát của những người ở lại. Song song đó, thể hiện được trách nhiệm của chúng ta đối với những người đã hy sinh…”- ông Đào Ngọc Dung nói.

Với kết quả đó, ông Dung nói hôm nay rất vui mừng vì sự có mặt của trên 400 đại biểu người có công với cách mạng tiêu biểu đến từ khắp mọi miền đất nước. Trong đó, có mẹ Việt Nam anh hùng Lê Thị Thạnh (93 tuổi, đến từ Bình Định) đã mất đi những người thân yêu, ruột thịt của mình, đó là chồng, con và chị gái trong hai cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc.

Tại hội nghị tri ân, mọi người cũng rất xúc động khi được gặp nữ anh hùng Ngô Thị Tuyển năm xưa chiến đấu bên cây cầu Hàm Rồng lịch sử với câu chuyện như huyền thoại về nữ dân quân chỉ nặng 42 kg vác hai hòm đạn nặng 98kg để tiếp đạn cho bộ đội, biểu tượng cho ý chí quật cường của quân và dân Việt Nam. Năm 1967, bà được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân khi chỉ mới 21 tuổi.

Chiến tranh đã lùi xa, đất nước đã độc lập, thống nhất, nhưng vẫn còn đó biết bao nỗi đau thương, gần 200 ngàn liệt sĩ chưa được quy tập, gần 300 ngàn liệt sĩ chưa xác định được thông tin.

“Những giọt nước mắt vẫn còn lăn trên má của những người Mẹ. Những ánh mắt mòn mỏi ngóng trông, khắc khoải đợi chờ của những gia đình chưa có thông tin, chưa được biết phần mộ của con, của em, của vợ, chồng, của cha, mẹ mình… ở đâu là những câu hỏi day dứt…”- ông Dung nói

tri-an-nguoi-co-cong-voi-cach-mang.jpg
Lễ ra mắt Ngân hàng gen (ADN) liệt sĩ chưa xác định được thông tin và thân nhân liệt sĩ. Ảnh: P.PHONG

Chính vì vậy, thời gian qua, Chính phủ triển khai phương pháp giám định ADN và thực chứng với gần 10.000 mẫu hài cốt liệt sĩ và hơn 3.000 mẫu sinh phẩm thân nhân liệt sĩ. Kết quả, đã so sánh đối khớp được hơn 1.000 danh tính liệt sĩ để báo tin về cho thân nhân liệt sĩ.

“Đây là việc làm rất có ý nghĩa, rất linh thiêng, phải chạy đua với thời gian, càng làm càng nhanh càng tốt, vì thời gian không cho phép chúng ta kéo dài. Song đây cũng là nhiệm vụ nặng nề, chúng ta làm bằng mệnh lệnh của trái tim trong hành trình tìm kiếm, trả lại tên cho các anh hùng liệt sĩ. Qua đó, để đem lại hi vọng đoàn tụ cho nhiều gia đình, xoa dịu nỗi đau mất mát và hi sinh của các thân nhân liệt sĩ…”- Bộ trưởng chia sẻ.

Đảng, Nhà nước quan tâm đặc biệt đời sống người có công

Nhắc lại sự quan tâm của Đảng và Nhà nước với người có công, Thủ tướng Phạm Minh Chính, cho biết thời gian qua đời sống của người có công và gia đình người có công với cách mạng không ngừng được nâng lên cả về vật chất và tinh thần. Đến nay, 99% hộ người có công có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của người dân nơi cư trú và 99% xã, phường làm tốt công tác thương binh, liệt sĩ.

Mới đây nhất, ngày 1-7, Chính phủ tăng mức chuẩn trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng thêm 35,7%. Đây là mức tăng cao nhất trong các lần điều chỉnh mức chuẩn trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng trong 20 năm qua, góp phần cải thiện, nâng cao đời sống người có công với cách mạng và thân nhân người có công với cách mạng.

nguoi-co-cong-voi-cach--vn.jpg
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại hội nghị. Ảnh: V.LONG

Và đặc biệt, hôm nay, chúng ta chính thức ra mắt Ngân hàng gen (ADN) liệt sĩ chưa xác định được thông tin và thân nhân liệt sĩ nhằm hiện thực hóa mục tiêu đến năm 2030 xác định danh tính hài cốt liệt sĩ bằng phương pháp giám định ADN được khoảng 20 nghìn mẫu hài cốt liệt sĩ. Song song đó, phấn đấu xác minh, kết luận 60% mộ liệt sĩ còn thiếu thông tin trong các nghĩa trang liệt sĩ bằng phương pháp thực chứng.

“Dù vậy, chúng ta vẫn không khỏi day dứt, trăn trở khi đời sống của một bộ phận người có công và thân nhân người có công với cách mạng còn khó khăn.

Thêm vào đó, còn khoảng 180 nghìn hài cốt liệt sĩ chưa được quy tập; khoảng 600 nghìn mộ liệt sĩ trong các nghĩa trang liệt sĩ trên toàn quốc còn thiếu thông tin, cần bổ sung, xác định danh tính…" - Thủ tướng nói.

Vì vậy thời gian tới Thủ tướng đề nghị các đơn vị liên quan rà soát, nghiên cứu, hoàn thiện và thực hiện tốt hơn nữa chính sách, pháp luật đối với người có công, bảo đảm kịp thời, hiệu quả. Mục tiêu, để người có công và gia đình có mức sống từ trung bình khá trở lên trong địa bàn với tinh thần "không để người có công nào không được hưởng chính sách ưu đãi của Đảng, Nhà nước ta".

Ông cũng đề nghị Bộ LĐ-TB&XH tiếp tục chuẩn hóa các điều kiện, tiêu chuẩn xem xét công nhận người có công với cách mạng theo đúng nguyên tắc chặt chẽ, thật sự xứng đáng, tôn vinh đúng đối tượng. Cương quyết phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lợi dụng chính sách trong công tác này.

Thêm vào đó, đẩy nhanh tiến độ tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ và xác minh, kết luận thông tin bằng phương pháp thực chứng với mộ liệt sĩ còn thiếu thông tin trong các nghĩa trang liệt sĩ...

Vui mừng vì tìm được anh trai thông qua giám định ADN

Là người tìm được phần mộ anh trai thông qua chương trình giám định ADN, chị Phạm Thị Vinh, em gái liệt sĩ Phạm Văn Thước, cho biết:

ket-qua-giam-dinh-nguoi-co-cong.jpg
Chị Vinh (thứ ba từ trái sang) nhận kết quả giám định ADN. Ảnh: V.LONG

"Nhiều năm qua tôi đã đi khắp nơi để tìm anh, nhưng vẫn không biết anh nằm ở nơi nào. Khi biết có chương trình giám định ADN tôi đã tham gia và thật may mắn cách đây hai tuần gia đình nhận được tin đã có kết quả về phần mộ của anh trai. Tôi rất vui mừng vì sau bao năm cuối cùng tôi cũng tìm được anh!”- chị Vinh nói và đưa tay lau nước mắt".

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm