Thủ tướng: Không thanh tra DN quá một lần/năm

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khai mạc hội nghị với doanh nghiệp (DN) ngày 17-5 bằng việc dẫn lời của hai tấm gương doanh nhân tiêu biểu của Việt Nam là Bạch Thái Bưởi và Lương Văn Can trong một không gian đối thoại cởi mở, chân thành.

Doanh nghiệp “đuối” vì bị thanh tra quá nhiều

Mượn lời của chí sĩ Lương Văn Can, người thầy của doanh nhân Việt Nam - “văn minh cần tiến bộ, buôn bán cần thịnh đạt; việc buôn bán thịnh suy có quan hệ với quốc dân thịnh suy”, Thủ tướng nói: “Các bạn đã nhìn thấy nỗ lực và quyết tâm của chúng tôi trong việc xây dựng một chính phủ hành động, luôn đồng hành cùng DN… Tuy nhiên, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ cũng hiểu rằng đó chỉ là những bước đi đầu tiên với những kết quả hết sức khiêm tốn”.

Thủ tướng nhìn nhận thẳng thắn rằng: “Còn rất nhiều việc phải làm, còn rất nhiều rào cản cho DN”.

Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cho hay: “Mặc dù đã có nhiều nỗ lực nhưng phản ánh từ cộng đồng DN cho thấy vẫn tồn tại khoảng cách giữa chính sách và việc thực thi”.

Một vấn đề nhức nhối của DN cũng được Bộ trưởng Dũng đề cập: “Các chi phí không chính thức vẫn là gánh nặng lớn cho DN, đặc biệt trong các thủ tục tiếp cận mặt bằng sản xuất, kinh doanh, tiếp đón thanh tra, kiểm tra, thủ tục cấp giấy phép kinh doanh có điều kiện”. Cùng với đó là vấn đề thanh tra, kiểm tra chồng chéo, trùng lắp nội dung giữa các ngành công an, môi trường, xây dựng, thuế…, các cấp sở, quận/huyện. “Đây là nguy cơ hiện hữu dẫn đến rủi ro lớn, thiệt hại về tài sản, gián tiếp tạo thêm gánh nặng chi phí kinh doanh của DN” - Bộ trưởng Dũng nhận định.

Theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng: “Có DN ở Đồng Nai phản ánh một tháng bị thanh tra, kiểm tra ba lần. có DN ở địa phương khác bị thanh tra 12 lần/năm. Hiện nay có trên 4,6 triệu hộ kinh doanh cá thể nhưng có tâm lý lo ngại về thanh tra, kiểm tra, thực hiện nghĩa vụ thuế nên chưa tự nguyện chuyển thành DN” - Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nói.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chào đón các doanh nghiệp tham dự buổi đối thoại. Ảnh: CHÂN LUẬN

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng chỉ ra sáu nguyên nhân khiến DN khó phát triển, trong đó việc một bộ phận không nhỏ cán bộ, công chức chưa thực sự chủ động, đổi mới sáng tạo, dám làm.

Bày tỏ thẳng thắn tại diễn đàn về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Đệ, Chủ tịch Hiệp hội Bệnh viện tư nhân Việt Nam, nói: “Có thể nói bây giờ chúng ta đang có đến 50% cán bộ đi chơi, ngồi “bói chữ” nhiều hơn là làm. Do vậy tôi đề nghị tránh việc “mua quan bán chức” mới chọn được người tài, người có năng lực theo tinh thần của Thủ tướng đã nêu” - ông Đệ không úp mở.

Ở góc độ khác, ông Đệ nêu: “Khi Nhà nước khó khăn, cái gì DN đầu tư được thì Nhà nước thôi đầu tư. Cứ lấy tiền Nhà nước ra làm thì thất thoát càng cao, lợi ích nhóm càng lớn. Tôi lấy ví dụ, có nhiều bệnh viện tư, tư nhân đăng ký làm nhưng cấp tỉnh không cho làm”. 

Mọi thành phần kinh tế đều bình đẳng

Trong phát biểu kết luận, Thủ tướng đã bày tỏ quyết tâm tạo ra chuyển biến mới. Thủ tướng nói: “Tinh thần là phải chuyển lời nói thành hành động. Tôi sẽ ký chỉ thị không thanh tra DN quá một lần/năm. Nếu có thanh tra đột xuất thì không được thanh tra mở rộng. Chỉ thị sẽ mang số 20” - Thủ tướng tuyên bố.

Cả hội trường vỗ tay trước quyết định mạnh mẽ này của người đứng đầu Chính phủ.

Theo Thủ tướng, trong hơn một năm qua, Chính phủ với phương châm “kiến tạo, liêm chính, hành động và phục vụ” đã từng bước đảm bảo môi trường kinh doanh tốt, cạnh tranh bình đẳng.

Một môi trường không chỉ có tự do kinh doanh, tự do sáng tạo mà còn an toàn đối với người kinh doanh và tài sản của họ. Một môi trường kinh doanh không chỉ có chi phí thấp mà còn rủi ro thấp, chống hàng giả, hàng nhái để đảm bảo công bằng cho mọi thành phần kinh tế. Một môi trường không chỉ được khuyến khích, tôn trọng mà DN còn được bảo vệ để mọi người yên tâm đầu tư dài hạn, mở rộng và không ngừng phát triển.

Thủ tướng cho hay: Các tổ chức, định chế tài chính quốc tế đều đánh giá tích cực cải cách của Việt Nam và Việt Nam đang phấn đấu đứng đầu ASEAN về môi trường kinh doanh theo tiêu chuẩn các nước phát triển (OECD). Tuy vậy, Thủ tướng, như trong bài phát biểu khai mạc hội nghị, nhấn mạnh một lần nữa rằng: “Vẫn còn nhiều rào cản cho DN và Chính phủ đã nhận diện ra những rào cản này”.

Theo Thủ tướng, thuế, phí còn cao, cũng như vấn đề phí bôi trơn đang làm Chính phủ trăn trở và sẽ có chương trình hành động. “Còn sự nhũng nhiễu của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức. Cơ quan, cán bộ chưa nắm bắt được yêu cầu của DN” - Thủ tướng nói.

Trước các ý kiến, kiến nghị, giải pháp của DN, Thủ tướng cho hay: Chính phủ cam kết tập trung giải quyết hai vấn đề then chốt. Trong đó đứng đầu là vấn về kiến tạo môi trường kinh doanh thân thiện, công bằng. Đảm bảo ổn định chính trị, kinh tế vĩ mô, thượng tôn pháp luật.

“Từ trung ương tới địa phương phải thực thi công vụ nghiêm túc, không gây khó khăn cho DN” - Thủ tướng nhấn mạnh.

Đồng thời Thủ tướng nhấn mạnh Chính phủ sẽ theo đuổi mục tiêu phát triển bao trùm theo hướng trao cơ hội cho mọi thành phần kinh tế.

“Tôi khẳng định lại mọi thành phần kinh tế đều bình đẳng, không phân biệt công-tư. Xóa bỏ mọi ưu ái; thu hồi nguồn lực, tài nguyên đang được sử dụng kém hiệu quả để phân bố lại theo tiêu chí năng suất, hiệu quả, tối ưu hóa chứ không phải chỉ ưu tiên cho DN nhà nước” - Thủ tướng phát biểu.

“Hãy cứu mình trước khi trời cứu”

Chính phủ cũng rất mong DN cần kinh doanh liêm chính và bảo vệ tốt hơn vấn đề môi trường. Như cha ông ta đã nói, dân cường thì nước thịnh, muốn đất nước giàu mạnh thì dân phải giàu.

Đất nước không thể giàu mạnh nếu cộng đồng DN yếu kém. Trên tinh thần ấy, các cơ quan chức năng ở các địa phương trên cả nước cần có chương trình phát triển, tạo điều kiện cho DN phát triển.

Tôi muốn nhắc lại câu nói của nguyên Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh: Hãy tự cứu mình trước khi trời cứu. Chúng ta phải tự đổi mới, tự cải cách, tự phát triển trong xu thế, trong môi trường đầu tư kinh doanh mà Chính phủ đang đặt ra là tạo điều kiện cho các DN, các thành phần kinh tế phát triển ở Việt Nam.

Thủ tướng NGUYỄN XUÂN PHÚC

________________________

4.500 thủ tục đã được bãi bỏ, trong số 1.098 kiến nghị của DN đã xử lý được 77,5%. Năm 2016 đã có 110.000 DN được thành lập, bốn tháng đầu năm 2017 đã có 40.000 DN ra đời.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm