Đây là thông tin được ông Mai Tiến Dũng, Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, chia sẻ tại buổi họp báo sau khi kết thúc hội nghị Thủ tướng với DN chiều 17-5.
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nhấn mạnh hội nghị đối thoại Thủ tướng và DN ngày 17-5 có sự tham dự của trên 10.000 DN, trong đó phần lớn là các DN vừa và nhỏ, thuộc các DN kinh tế tư nhân.
Hội nghị lần này được tổ chức ngay sau khi Hội nghị Trung ương 5 khóa XII đã thống nhất thông qua các nghị quyết về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, tái cơ cấu các DN nhà nước và phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế. Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với DN hôm nay là bước triển khai trực tiếp đầu tiên yêu cầu của trung ương.
Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng chủ trì cuộc họp báo.
Theo ông Dũng, quan điểm của Chính phủ là xác định DN là động lực phát triển của nền kinh tế; cần cải thiện môi trường kinh doanh, tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ và phát triển DN, DN tư nhân chính là đối tượng cần nhất điều này.
Ông Dũng cho biết tại hội nghị, các DN đã rất phấn khởi khi đích thân Thủ tướng và các bộ trưởng đã đưa ra nhiều cam kết “gỡ khó” cho DN. Sau hội nghị, Chính phủ sẽ có cơ chế để giám sát việc thực hiện các cam kết này, trong đó có đề cập đến việc chế tài cụ thể cá nhân, tổ chức không thực hiện các cam kết này.
“Chính phủ cũng bàn tới cơ chế giám sát bởi lâu nay nhiều DN vẫn phản ánh việc trên nóng nhưng dưới vẫn lạnh, thậm chí còn đóng băng hay như việc Thủ tướng quyết liệt “cởi trói” cho DN nhưng một vài nơi đâu đó vẫn trói lại, thắt lại” - ông Dũng chia sẻ.
Ông Dũng cũng cho biết trong chỉ thị của Thủ tướng sắp ban hành sẽ nhấn mạnh vấn đề cơ chế giám sát và xử lý cán bộ nếu gây khó khăn, rào cản cho DN, thậm chí có thể cách chức, buộc thôi việc, thuyên chuyển công tác.
Chỉ thị khi ban hành sẽ được công khai trong toàn dân với sự giám sát của người dân, DN, đặc biệt là cơ quan báo chí. Với sự giám sát đó thì các cơ quan tổ chức, công chức, DN cũng phải chấp hành. Tuy nhiên, theo ông Dũng, vấn đề này cũng cần nhìn nhận hai mặt, bản thân DN cũng cần nhìn nhận và không nên tạo ra những vấn đề làm hư cán bộ, công chức. “Công khai, minh bạch thì đây là phương tiện tốt nhất để cùng nhau thực hiện, cùng nhau giám sát” - ông Dũng nêu quan điểm.
Cuộc họp báo có sự tham dự của nhiều cơ quan báo chí và lãnh đạo bộ, ngành.
Một vấn đề khác được người phát ngôn Chính phủ nhấn mạnh là giảm chi phí kinh doanh cho DN. Đây là việc rất quan trọng trong thời gian tới với mục tiêu là năm nay tập trung tháo gỡ các rào cản như giấy phép con, lợi ích nhóm để giảm các chi phí chính thức và giảm chi phí không chính thức, để giảm giá thành và tạo ra sản phẩm có thể cạnh tranh.
Chính phủ sẽ giao cho các bộ, ngành xây dựng dự thảo Chỉ thị trên tinh thần tiếp thu phản ánh của các DN; nêu rõ những nhiệm vụ cụ thể, cơ quan cụ thể, thời gian cụ thể để triển khai thực hiện. Nhất là các nhiệm vụ không chồng chéo, không hiểu hai nghĩa và đi thẳng vào vấn đề DN, cộng đồng doanh nhân quan tâm.
Ngoài ra, Thủ tướng đã có chỉ đạo các cơ quan chức năng chỉ được thanh tra chuyên ngành một lần/năm. Thực hiện việc này sẽ đòi hỏi lãnh đạo tỉnh, TP, bộ, ngành phải có kế hoạch thanh tra từ đầu năm trên cơ sở tổng hợp các kế hoạch thanh tra từ các lĩnh vực; thanh tra tỉnh, Thanh tra Chính phủ sẽ là đầu mối trình kế hoạch. "Thanh tra chuyên ngành chỉ được thực hiện một lần/năm theo kế hoạch. Các trường hợp thanh tra đột xuất vẫn tiến hành nếu cơ quan chức năng phát hiện dấu hiệu vi phạm, có bằng chứng" - ông Dũng nói.
Bộ Tài chính nói gì về việc chuyển thanh tra các dự án bất động sản? Vừa qua, Bộ Tài chính có văn bản kiến nghị gửi Thủ tướng nêu 60 dự án sẽ tiến hành thanh tra liên quan tới cổ phần hóa. Việc kiến nghị đó mới chỉ dừng lại ở việc chuyển sang Thanh tra Chính phủ tham khảo. Tuy nhiên, qua báo chí, dư luận, người mua nhà cảm giác đấy như là một sai phạm của chủ đầu tư, dẫn tới hiệu ứng rất tai hại là nhiều người mua nhà, nhà đầu tư thứ cấp rút tiền, gây hiệu ứng xấu. Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn cho biết qua rà soát tình trạng sử dụng đất của DN cổ phần hóa, Bộ Tài chính có hai kiến nghị cho phép chúng tôi chuyển danh sách 60 dự án đó sang cho Thanh tra Chính phủ tham khảo nhằm chọn ra các đối tượng rủi ro để thực hiện thanh tra, kiểm tra. Chính phủ đã chấp nhận kiến nghị đó. Thứ hai, trong số 60 dự án đó, đối với các dự án có dấu hiệu vi phạm so với Điều 118 Luật Đất đai năm 2013, gây bức xúc trong dư luận thì kiến nghị Chính phủ chỉ đạo UBND tỉnh đình những cái đang thực hiện chứ không phải tất cả. Như vậy, việc Bộ Tài chính báo cáo là theo yêu cầu của Chính phủ và theo chức năng, nhiệm vụ, kiến nghị đó là theo đúng đối tượng vi phạm thì cần phải có biện pháp ngăn chặn và khắc phục. Trong cuộc đối thoại với Thủ tướng, Hiệp hội Bất động sản TP.HCM có bốn kiến nghị, chúng tôi rất đồng tình. Cụ thể, kiến nghị Chính phủ sớm thay thế Quyết định 09, 80, 86 về việc sử dụng đất của các DN trong quá trình cổ phần hóa để không thất thoát, bảo đảm được đúng mục tiêu của quy định pháp luật. Kiến nghị Chính phủ sửa đổi Luật Đất đai về cơ chế định giá đất và cơ chế đấu thầu giá đất. Như báo chí nêu, cùng một mảnh đất, ví dụ như của công ty xổ số cũ ở TP.HCM trên đường Lê Duẩn, với diện tích mà khi đấu giá xong thì giá khởi điểm chỉ 580 tỉ đồng nhưng giá bán là trên 1.400 tỉ đồng. Trên đường đó có rất nhiều dự án diện tích to hơn mà giá không theo đấu giá, rõ ràng kiến nghị này rất đúng. Kiến nghị các chủ đầu tư mặc dù vi phạm nhưng vẫn cho tiếp tục xây dựng với cam kết phải thực hiện đúng quy định pháp luật, đúng các nghĩa vụ theo thanh tra, kiểm tra. Kiến nghị cuối cùng là trong trường hợp đó vẫn bảo đảm quyền lợi của người mua hàng vì bản thân người mua hàng mua theo giá thị trường nhưng nhà đầu tư mua giá phi thị trường để bán giá thị trường, nên chênh lệch đó không thể bắt người tiêu dùng chịu mà phải bắt nhà đầu tư chịu. |