Thủ tướng: Luật Điện lực (sửa đổi) cần mở, huy động được nhiều nguồn lực

(PLO)- Thủ tướng Phạm Minh Chính giao các bộ, ngành việc hoàn thiện, nâng cao chất lượng xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Sáng 17-11, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Phiên họp Chính phủ chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 11-2023 để thảo luận về các đề nghị xây dựng luật: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa; Luật Cấp, thoát nước; Luật Điện lực (sửa đổi).

Thủ tướng cho biết từ đầu năm 2023 đến nay, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đầu tư cho công tác này, nhất là việc rà soát, hoàn thiện pháp luật, tháo gỡ điểm nghẽn, khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp.

Thủ tướng Phạm Minh Chính tại cuộc họp sáng 17-11.jpeg
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu kết luận Phiên họp chuyên đề xây dựng pháp luật. Ảnh: VGP/Nhật Bắc.

Chính phủ đã tổ chức 8 phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật; đang trình Quốc hội xem xét, thông qua nhiều dự án luật quan trọng, có tác động sâu rộng tới toàn bộ đời sống KT-XH như dự án Luật Đất đai, Nhà ở, Kinh doanh bất động sản, Tổ chức tín dụng, Bảo hiểm xã hội, Căn cước…. Chính phủ, Thủ tướng đã ban hành 100 văn bản quy phạm pháp luật.

Chính phủ nhấn mạnh 3 yêu cầu: Tăng cường kỷ luật, kỷ cương, bảo đảm tiến độ, chất lượng xây dựng, trình văn bản quy phạm; Cắt giảm thủ tục hành chính, giảm bớt xin cho, giảm sách nhiễu, giảm chi phí cho người dân, doanh nghiệp; Phân cấp, phân quyền triệt để gắn với phân bổ nguồn lực, tăng cường thực thi, tăng cường giám sát, kiểm tra, kiểm soát quyền lực.

Tuy nhiên, công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế vẫn còn bất cập, hạn chế, việc trình một số dự án, dự thảo văn bản quy phạm còn chậm, chất lượng chưa bảo đảm; tình trạng chậm, nợ đọng ban hành văn bản quy định chưa được giải quyết triệt để; phản ứng chính sách chưa kịp thời; kỷ luật, kỷ cương chưa nghiêm…

Đối với đề nghị xây dựng "Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa", các thành viên Chính phủ quan tâm thảo luận về các nội dung: Xác định sản phẩm, hàng hóa có khả năng gây mất an toàn và hoạt động kiểm tra chất lượng sản phẩm, hàng hóa; ứng dụng công nghệ trong quản lý chất lượng, truy xuất nguồn gốc sản phẩm hàng hóa; về thúc đẩy hội nhập quốc tế sâu rộng và triển khai đầy đủ các cam kết quốc tế và phù hợp thông lệ quốc tế; tăng cường vai trò, hiệu quả hoạt động của lực lượng kiểm soát viên chất lượng; tính hiệu quả của hoạt động quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa…

Về đề nghị xây dựng "Luật Cấp, thoát nước", Chính phủ dành thời gian thảo luận về phát triển cấp, thoát nước đồng bộ, thống nhất, hiệu quả theo chiến lược, quy hoạch và kế hoạch; quản lý, vận hành và khai thác hệ thống cấp, thoát nước; bảo đảm nguồn lực phát triển cấp, thoát nước…

Đối với đề nghị xây dựng "Luật Điện lực (sửa đổi)", các thành viên Chính phủ tập trung thảo luận các nội dung về: Phát triển năng lượng tái tạo và năng lượng mới; hoàn thiện các quy định về điều kiện hoạt động điện lực và việc cấp, thu hồi Giấy phép hoạt động điện lực; quản lý hoạt động mua bán điện theo hướng thúc đẩy thị trường điện cạnh tranh minh bạch, công bằng, hiệu quả và giá điện theo cơ chế thị trường; quản lý, vận hành hệ thống điện, chú trọng khuyến khích sử dụng điện tiết kiệm; an toàn sử dụng điện sau công tơ và bảo đảm an toàn đập, hồ chứa thủy điện trong giai đoạn xây dựng và vận hành công trình thủy điện.

Chủ nhiệm VPCP Trần Văn Sơn báo cáo.jpeg
Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Trần Văn Sơn báo cáo tại Phiên họp. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Kết luận phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho ý kiến đối với từng nội dung của các đề nghị xây dựng luật. Với đề nghị xây dựng Luật Điện lực (sửa đổi), Thủ tướng nhấn mạnh việc phát triển điện lực phải bảo đảm an ninh năng lượng, an toàn trong sử dụng điện và tiết kiệm điện năng; có cơ chế huy động các nguồn lực, xây dựng các công trình điện lực; bảo đảm sự cạnh tranh lành mạnh.

Đối với phát triển năng lượng tái tạo và năng lượng mới cần nghiên cứu để tạo cơ chế đột phá, sử dụng hiệu quả các nguồn năng lượng mới. Nội dung về hoạt động mua bán điện cần nghiên cứu, xây dựng theo hướng thị trường điện cạnh tranh minh bạch, giá điện theo cơ chế thị trường.

Người đứng đầu Chính phủ cũng giao các bộ, ngành việc hoàn thiện, nâng cao chất lượng xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Trong đó, Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tổ chức tổng kết thi hành Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; đề xuất kiến nghị hoàn thiện quy trình xây dựng pháp luật; khẩn trương nghiên cứu, đề xuất sửa đổi Nghị định 34/2016/NĐ-CP và Nghị định 154/2020/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Yêu cầu Văn phòng Chính phủ khẩn trương xây dựng, trình sửa đổi quy chế làm việc của Chính phủ theo hướng đẩy nhanh tiến độ xây dựng, trình dự thảo văn bản quy phạm pháp luật; đề cao trách nhiệm người đứng đầu.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cũng chỉ đạo 10 yêu cầu trọng tâm trong việc xây dựng, hoàn thiện dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật. Trong đó, tăng cường vai trò người đứng đầu; tăng cường kỷ luật, kỷ cương, bảo đảm tiến độ xây dựng pháp luật, xử lý dứt điểm tình trạng nợ đọng ban hành văn bản quy định chi tiết thi hành luật, pháp lệnh.

Thủ tướng Phạm Minh Chính đặc biệt lưu ý các bộ, ngành bảo đảm tiến độ trình, nâng cao chất lượng, kỷ luật, kỷ cương trong xây dựng, ban hành văn bản; rà soát, phân cấp, phân quyền gắn với phân bổ nguồn lực, tăng cường năng lực thực thi cho cấp dưới, đơn giản, cắt giảm hóa thủ tục hành chính, giảm tối thiểu chi phí tuân thủ cho người dân, doanh nghiệp; tháo gỡ khó khăn, thích ứng với điều kiện mới; kiểm soát thủ tục hành chính; xây dựng ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh; chống tiêu cực, tham nhũng, lợi ích nhóm...

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm