Thủ tướng: NHNN phải bảo đảm an ninh tiền tệ, an toàn hệ thống

(PLO)- Mục tiêu cao nhất với ngành ngân hàng trong năm nay và tiếp theo là bảo đảm an ninh tiền tệ, an toàn hệ thống
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 28-12, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự Hội nghị tổng kết công tác năm 2022 và triển khai nhiệm vụ năm 2023 của NHNN Việt Nam.

Ngân hàng đóng góp tích cực vào thành tựu của đất nước

Sau khi phân tích tình hình, bối cảnh năm 2022, Thủ tướng cho rằng, chúng ta có thêm những kinh nghiệm và trưởng thành hơn qua khó khăn, thách thức. Thủ tướng ghi nhận và biểu dương sự nỗ lực, quyết tâm cao, sự phối hợp, quyết liệt triển khai hiệu quả các giải pháp, nhiệm vụ đề ra và kết quả đạt được của ngành Ngân hàng trong năm 2022, đóng góp tích cực và quan trọng vào những thành tựu và kết quả khá toàn diện của đất nước.

Theo Thủ tướng, ngân hàng là lĩnh vực đặc thù, nhạy cảm, liên quan tới toàn dân, tới tất cả các doanh nghiệp, ngân hàng phát triển được là nhờ sự phát triển của doanh nghiệp, nhờ sự ấm no, hạnh phúc của nhân dân và ngược lại, ngân hàng phát triển cũng mang lại lợi ích cho người dân, doanh nghiệp

Thủ tướng đánh giá NHNN đã điều hành chính sách tiền tệ chắc chắn, chủ động, linh hoạt và phối hợp hài hòa, hợp lý, hiệu quả với chính sách tài khóa, các chính sách vĩ mô khác, góp phần kiểm soát lạm phát và duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng.

Ngành ngân hàng nỗ lực triển khai nhiều giải pháp bảo đảm cung ứng tín dụng cho nền kinh tế, đa dạng hóa các sản phẩm tín dụng nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân tháo gỡ khó khăn, phục hồi sản xuất kinh doanh như mở rộng thêm hạn mức tăng trưởng tín dụng, tập trung vốn tín dụng vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh, một số lĩnh vực ưu tiên có mức tăng tín dụng cao hơn tốc độ tăng trưởng tín dụng chung của hệ thống.

Thủ tướng đánh giá NHNN đã kiểm soát được tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro. Ảnh: NHẬT BẮC

Thủ tướng đánh giá NHNN đã kiểm soát được tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro. Ảnh: NHẬT BẮC

Tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro được kiểm soát chặt chẽ; tích cực, chủ động triển khai nhiều chính sách hỗ trợ các lĩnh vực gặp khó khăn.

Ghi nhận thêm những thành tựu trong hoàn thiện thể chế, chuyển đổi số, Thủ tướng cũng chỉ ra một số tồn tại, hạn chế cần khắc phục. Trong đó, đáng chú ý là việc Thủ tướng yêu cầu NHNN phải phản ứng chính sách kịp thời; thanh tra, kiểm tra, giám sát đi cùng với hỗ trợ, phối hợp giữa các chính sách, giữa các ngân hàng thương mại. Ngoài ra, hoạt động của các tổ chức tín dụng vẫn còn có rủi ro; chuyển đổi số cần nỗ lực hơn nữa…

Giảm chi phí hoạt động để giảm lãi suất cho vay

Đối với năm 2023, Thủ tướng nhấn mạnh: Mục tiêu cao nhất với ngành ngân hàng trong năm nay và tiếp theo là bảo đảm an ninh tiền tệ, an toàn hệ thống; bảo đảm công khai, minh bạch, phát triển lành mạnh, an toàn, bền vững, bảo đảm quyền và và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân, doanh nghiệp, các chủ thể liên quan; bảo đảm thanh khoản thông suốt của hệ thống ngân hàng trong bất cứ tình huống nào, đáp ứng nhu cầu rút tiền của người dân.

Cùng với đó, điều hành cân bằng, hợp lý giữa tỷ giá với lãi suất, giữa kiểm soát lạm phát với thúc đẩy tăng trưởng, giữa lãi suất và lạm phát, vừa bảo đảm thanh khoản, tăng trưởng tín dụng hợp lý, hiệu quả, an toàn hệ thống ngân hàng và an ninh tài chính, tiền tệ, vừa góp phần tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh; kiên quyết không để thiếu vốn cho nhu cầu vốn chính đáng của người dân và doanh nghiệp.

Thủ tướng yêu cầu NHNN hoàn thiện thể chế, tăng cường thanh tra, giám sát... bảo đảm quyền, lợi ích chính đáng, hợp pháp của người dân, doanh nghiệp. Ảnh: NHẬT BẮC

Thủ tướng yêu cầu NHNN hoàn thiện thể chế, tăng cường thanh tra, giám sát... bảo đảm quyền, lợi ích chính đáng, hợp pháp của người dân, doanh nghiệp. Ảnh: NHẬT BẮC

Đồng thời, tăng cường, củng cố công tác thanh tra, giám sát; đẩy mạnh cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng, gắn với xử lý nợ xấu, xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém; thúc đẩy mạnh mẽ chuyển đổi số gắn với nâng cao chất lượng dịch vụ, bảo đảm an ninh, an toàn và bảo đảm quyền, lợi ích chính đáng, hợp pháp của người dân và doanh nghiệp; chú trọng phát triển tín dụng xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, thúc đẩy đổi mới sáng tạo và hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Trong các nhiệm vụ cụ thể, ngoài vấn đề điều hành đã được đề cập nhiều, Thủ tướng yêu cầu NHNN tiếp tục hoàn thiện thế chế, cơ chế, chính sách về tiền tệ ngân hàng; tiếp tục triển khai có hiệu quả các cơ chế, chính sách tín dụng góp phần hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp, thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh, đổi mới sáng tạo, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ, siêu nhỏ.

Thủ tướng cũng yêu cầu NHNN kịp thời phối hợp với các bộ, ngành tháo gỡ các khó khăn, bất cập để triển khai có hiệu quả chương trình hỗ trợ lãi suất từ nguồn NSNN theo Nghị định số 31/2022 và các chương trình mục tiêu quốc gia. Sớm hoàn thiện, trình Chính phủ đề xuất sửa đổi, bổ sung Nghị định 31/2022 nhằm tháo gỡ các khó khăn, bất cập.

Thủ tướng cũng yêu cầu NHNN tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí hoạt động để giảm lãi suất cho vay, triển khai hiệu quả đề án cơ cấu lại các tổ chức tín dụng, xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém, đi đầu trong chuyển đổi số.

Theo Thủ tướng, nhiệm vụ đặt ra đối với ngành ngân hàng trong năm 2023 và thời gian tới là rất nặng nề nhưng cũng rất vẻ vang. Thủ tướng tin rằng: ngành ngân hàng sẽ xuất sắc hoàn thành các nhiệm vụ được giao.

“Miệng nói, tay làm tai, lắng nghe, đã nói phải làm, đã cam kết phải thực hiện, thực hiện có hiệu quả, vì lợi ích quốc gia, dân tộc, vì lợi ích của ngân hàng, vì lợi ích của doanh nghiệp và người dân, để nhân dân hưởng thụ thành quả và tin tưởng vào hệ thống ngân hàng”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Tín dụng nền kinh tế đạt gần 11,75 triệu tỉ

Đến ngày 19-12, tín dụng toàn nền kinh tế đạt khoảng 11,75 triệu tỉ đồng, tăng 12,54% so với cuối năm 2021.

Dư nợ tín dụng đối với 23 chương trình tín dụng chính sách của Ngân hàng Chính sách xã hội đến 30-11 đạt 279.732 tỉ đồng, tăng 12,81% so với năm 2021 với hơn 6,4 triệu khách hàng còn dư nợ.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm