Ngày 25-6, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị phát triển Vùng Kinh tế trọng điểm Bắc Bộ.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gặp gỡ các đại biểu tham dự Hội nghị.
Phát biểu khai mạc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng Vùng Kinh tế trọng điểm (KTTĐ) Bắc Bộ đang có cả ba yếu tố "thiên thời - địa lợi - nhân hòa”. Các tỉnh, thành phố thuộc vùng đều có trình độ phát triển cao so với trung bình cả nước, đặc biệt là Thủ đô Hà Nội và tam giác phát triển Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh.
Vẫn đang loay hoay, chưa hiệu quả
Tuy vậy, Thủ tướng cũng cho rằng vùng chưa phát huy hiệu quả những tiềm năng, lợi thế để tạo ra động lực mới cho phát triển; năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh còn hạn chế.
Sự liên kết giữa các địa phương trong vùng chủ yếu còn mang tính hình thức, chưa đi vào thực chất. Cơ chế, chính sách phát triển vùng còn bất cập, thiếu đột phá, chưa giải quyết được các vấn đề chung của vùng, nhất là về xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch, môi trường, phát triển đô thị, bảo đảm an ninh trật tự...
Thủ tướng đề nghị thảo luận về nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm trong thời gian tới đối với cả vùng và từng địa phương và đề xuất, kiến nghị về đổi mới cơ chế, chính sách, nhất là về đầu tư, tài chính, đất đai, nhân lực, khoa học công nghệ, phân cấp, giao quyền... để tạo thuận lợi cho các địa phương trong vùng.
“Vùng này tiếp theo có trồng lúa không, chuyển đổi như thế nào, đô thị làm sao, khu công nghiệp thế nào, công nghiệp sạch, giá trị gia tăng cao, hướng về xuất khẩu thế nào?”, Thủ tướng đặt vấn đề.
Thủ tướng cũng đề nghị hội nghị thảo luận về đổi mới thể chế, cơ chế điều phối vùng. “Đây là vấn đề rất quan trọng mà chúng ta đang loay hoay, chưa thực hiện hiệu quả. Tôi đề nghị quý vị hiến kế làm thế nào, cần có cơ chế gì để giải quyết bài toán điều phối vùng hiệu quả, nhất là những vấn đề mang tính liên tỉnh, liên vùng”.
Thủ tướng mong rằng sau hội nghị này, với sự đóng góp ý kiến tâm huyết, trách nhiệm của các đại biểu, cộng đồng doanh nghiệp, các chuyên gia, nhà khoa học... các bộ, ngành, địa phương sẽ tổng hợp, báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Từ đây, Chính phủ mới có các cơ chế, chính sách, giải pháp cụ thể để tháo gỡ những điểm nghẽn, khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi để vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ nói riêng và các vùng kinh tế trọng điểm nói chung phát huy tiềm năng, lợi thế, phát triển bứt phá và bền vững, tạo sức lan tỏa lớn và đóng góp nhiều hơn nữa cho đất nước.
“Chúng ta có bước tiến về đóng góp chung cho cả nước, về thu ngân sách, về chuyển dịch cơ cấu, nhưng tôi muốn vùng phải làm nhiều hơn nữa, rõ nét hơn nữa, quy mô cao hơn nữa”, Thủ tướng nói.
Còn nhiều dư địa để cải thiện
Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng, Phó Trưởng ban thường trực Ban Chỉ đạo điều phối phát triển các Vùng KTTĐ cho hay ngành dịch vụ hiện đang là lợi thế và đóng góp lớn nhất cho vùng nhưng tốc độ tăng trưởng chưa bền vững.
Tăng trưởng xuất khẩu năm 2018 chỉ tăng 20%, thấp hơn mức 31,2% năm 2017. Tỷ trọng thu nội địa trong tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đạt thấp hơn bình quân cả nước, phụ thuộc vào một số doanh nghiệp lớn của nước ngoài nên thiếu tính bền vững trước sự biến động của thị trường.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng tiết kiệm tài nguyên, bảo vệ môi trường đang là vấn đề lớn của vùng KTTĐ Bắc Bộ.
“Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của một số địa phương trong vùng vẫn chỉ ở mức trung bình thấp của cả nước, còn dư địa để cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh”, Bộ trưởng Dũng nói.
Đặc biệt, theo Bộ trưởng, yêu cầu bảo vệ môi trường, tiết kiệm nguồn tài nguyên thiên nhiên chưa được đáp ứng. Tình trạng ô nhiễm môi trường vẫn diễn ra, đặc biệt tại các đô thị lớn, các lưu vực sông gần các khu vực sản xuất, các làng nghề, cụm công nghiệp; vấn đề khai thác tài nguyên như cát, đá, sỏi vẫn còn nhiều bất cập trong công tác quản lý.
“Tỷ lệ người nhập cư tăng ở một số thành phố, đặc biệt là Hà Nội đã gây ra tình trạng quá tải của hệ thống hạ tầng kỹ thuật và xã hội, nguy cơ ô nhiễm môi trường, tắc nghẽn giao thông, cung cấp nước và tiêu thoát nước cho các địa phương trong Vùng”, Bộ trưởng Dũng cho hay.
Ngoài ra, công tác điều phối phát triển vùng KTTĐ cũng gặp nhiều khó khăn về thể chế liên kết, quy hoạch không gian phát triển, kết nối khoa học, công nghệ, thông tin truyền thông, đào tạo và sử dụng lao động, chất lượng nguồn nhân lực và giàu nghèo gia tăng khoảng cách.
Từ đó, Bộ trưởng Dũng đề xuất những giải pháp nhằm khắc phục những hạn chế nói trên.