Đây cũng là nơi khởi nguồn cho những đột phá kinh doanh thời lúc bắt đầu mở cửa đất nước.
Nổi bật nhất là sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ngành, trung ương và các địa phương vùng KTTĐ Nam bộ trong lĩnh vực giao thông. Chẳng hạn, nhiều dự án mang tính nội vùng, liên vùng về giao thông đã được triển khai và đưa vào khai thác như dự án cao tốc TP.HCM - Trung Lương, TPHCM - Long Thành - Dầu Giây.
Tuy nhiên, Thủ tướng cho rằng những lợi thế của vùng chưa được phát huy hết nhằm tạo ra những động lực mới cho tăng trưởng. Kết cấu hạ tầng chưa tương xứng, chất lượng phát triển đô thị còn thấp; bị ảnh hưởng lớn bởi biến đổi khí hậu.
Cơ chế, chính sách cho phát triển vùng còn chưa được hoàn thiện, thiếu đột phá. Còn thiếu sự liên kết vùng, vẫn còn tình trạng “mạnh ai nấy làm”. Điều này dẫn tới không thể liên kết mạnh mẽ được, công tác phối hợp giữa các địa phương trong vùng còn rất hạn chế.
“Muốn vùng KTTĐ phía Nam phát triển nhanh, bền vững, là đầu tàu kinh tế của cả nước thì phải có cơ chế điều phối hoạt động của vùng đủ mạnh, không bị ràng buộc hay chia cắt bởi địa giới hành chính. Vùng KTTĐ phía Nam đã được gọi là vùng trọng điểm thì phải có cơ chế, chính sách hoạt động đặc thù cho toàn vùng để bảo đảm sự phát triển thuận lợi, thực hiện sứ mệnh đầu tàu dẫn dắt các vùng kinh tế khác” - Thủ tướng nêu rõ.
Người đứng đầu Chính phủ cũng yêu cầu thực hiện nghiêm việc đấu giá quyền sử dụng đất, nhất là tại các khu đô thị. Qua đó để tạo nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng, tạo nền tảng thúc đẩy liên kết vùng, phát triển kinh tế-xã hội và tạo thuận lợi nhất cho người dân.
“Tạo điều kiện về không gian, nguồn lực, cơ hội cho khu vực tư nhân phát triển thuận lợi hơn; bảo đảm kinh tế tư nhân bình đẳng trước pháp luật, trong cạnh tranh, phân bổ nguồn lực với các thành phần kinh tế khác” - Thủ tướng phát biểu.
Người đứng đầu Chính phủ chỉ đạo cơ quan hữu quan tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện việc giải phóng mặt bằng, di dân tái định cư và các hạng mục dự án sân bay quốc tế Long Thành đã được giao. Phấn đấu trong năm 2020 phải khởi công công trình này.
Thủ tướng giao Bộ Tài chính xây dựng cơ chế, chính sách tạo nguồn thu để lại cho các tỉnh, TP thuộc vùng KTTĐ phía Nam. Cần nghiên cứu tỉ lệ điều tiết hợp lý cho ngân sách địa phương bảo đảm tương ứng với vai trò đóng góp ngân sách của từng tỉnh, TP trong vùng đối với ngân sách trung ương; tạo nguồn lực cho các địa phương trong vùng tăng cường đầu tư phát triển hạ tầng kỹ thuật và xã hội.
“Xem xét, quyết định việc cho các địa phương sử dụng ngân quỹ nhà nước tạm thời nhàn rỗi để giải phóng mặt bằng xây dựng các khu đô thị ven biển theo đúng quy định pháp luật về ngân sách nhà nước” - Thủ tướng nêu rõ.