Thủ tướng Phạm Minh Chính: Sớm thành lập Ban Chỉ đạo rà soát các vướng mắc về pháp lý

(PLO)- Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu Bộ Tư pháp sớm trình Thủ tướng Chính phủ thành lập Ban Chỉ đạo rà soát các vướng mắc về pháp lý do trực tiếp Thủ tướng làm trưởng ban.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 13-6, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 6-2024. Đây là phiên họp chuyên đề pháp luật thứ 5 của năm 2024.

Tại phiên họp, Chính phủ xem xét, cho ý kiến với 8 nội dung quan trọng, gồm 3 đề nghị xây dựng luật, 3 dự án luật, Báo cáo về việc tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) và một số nội dung khác.

Trong đó, 3 dự án luật gồm: Luật Hóa chất (sửa đổi), Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật; 3 đề nghị xây dựng luật gồm: Luật Dữ liệu, Luật Phòng bệnh, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế.

Với các dự án luật, Chính phủ đã nghe tờ trình tóm tắt, báo cáo thẩm định, thẩm tra và thảo luận sôi nổi về các nội dung còn có nhiều ý kiến khác nhau. Với các đề nghị xây dựng luật, Chính phủ xem xét về trình tự, thủ tục, sự cần thiết ban hành, tên gọi của các dự án luật, các chính sách được đề xuất.

Kết luận chung về phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính giao các Phó Thủ tướng được phân công theo lĩnh vực phụ trách quan tâm, trực tiếp chỉ đạo việc hoàn thiện 6 nội dung quan trọng này.

Thủ tướng Phạm Minh Chính
Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu sớm thành lập Ban Chỉ đạo rà soát các vướng mắc về pháp lý. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Sau khi cho ý kiến về từng nội dung, kết luận phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị các bộ, ngành liên quan tiếp thu tối đa các ý kiến đóng góp để hoàn thiện các dự án luật theo đúng quy trình, quy định, thẩm quyền, đảm bảo tiến độ và nâng cao chất lượng.

Quá trình xây dựng luật phải bám sát các chủ trương, đường lối của Đảng để thể chế hóa; bám sát thực tiễn, có tính khả thi cao, tháo gỡ được các khó khăn, vướng mắc về pháp lý; tiếp thu, cầu thị, lắng nghe ý kiến của các đối tượng bị điều chỉnh bởi luật, ý kiến của các nhà khoa học, người hoạt động thực tiễn, ý kiến của nhân dân, doanh nghiệp.

Thủ tướng nhấn mạnh, để tiếp tục triển khai đột phá chiến lược về xây dựng, hoàn thiện thể chế, từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương phải trực tiếp lãnh đạo công tác này và đầu tư nguồn lực thỏa đáng.

Đặc biệt, Bộ Tài chính quan tâm hơn về kinh phí cho công tác xây dựng pháp luật.

Để nâng cao chất lượng xây dựng pháp luật, Thủ tướng đã nhấn mạnh nhiều nhiệm vụ trọng tâm với các bộ, ngành. Trong đó cần chuẩn bị kỹ lưỡng với chất lượng cao nhất các nội dung phục vụ đợt 2, Kỳ họp Quốc hội thứ 7.

Phối hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa các cơ quan trong Chính phủ, các cơ quan của Chính phủ với Quốc hội chủ động làm việc, trao đổi thông tin sớm với các cơ quan của Quốc hội, không để tình trạng khi chuẩn bị họp mới trình đề án, làm chậm tiến độ xây dựng luật.

Với các luật đang thảo luận, Thủ tướng yêu cầu cần lắng nghe tối đa ý kiến của các Đại biểu Quốc hội để tiếp tục hoàn thiện, trình vào kỳ họp thứ 8.

Thủ tướng giao Bộ Tư pháp theo dõi, đôn đốc, kiểm tra các bộ, ngành thực hiện các nhiệm vụ nói trên. Và sớm trình Thủ tướng Chính phủ thành lập Ban Chỉ đạo rà soát các vướng mắc về pháp lý do Thủ tướng Chính phủ làm Trưởng ban, phấn đấu đề xuất các cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định trong thời gian sớm nhất.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm