Sáng 3-6, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5.
Phát biểu kết luận, Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần không tô hồng, không bôi đen mà nhìn rõ sự thật, đánh giá đúng bản chất.
Thách thức nhiều hơn là cơ hội
Theo người đứng đầu Chính phủ, kết quả lớn nhất đạt được theo mục tiêu Trung ương, Quốc hội giao là ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn, giảm nợ công, giảm nợ Chính phủ, giảm bội chi.
Thủ tướng Phạm Minh Chính. Ảnh: NHẬT BẮC |
Tuy nhiên, Thủ tướng đánh giá sản xuất kinh doanh gặp nhiều khó khăn; thu ngân sách có xu hướng giảm; tiếp cận vốn cải thiện nhưng vẫn khó khăn, mặt bằng lãi suất tuy giảm nhưng vẫn cao, nợ xấu có xu hướng tăng.
Cạnh đó, thu hút FDI tiếp tục bị ảnh hưởng; thủ tục hành chính một số lĩnh vực, địa phương, một số cấp, ngành còn rườm rà; lĩnh vực việc làm, lao động gặp nhiều khó khăn, thách thức; một bộ phận cán bộ sợ trách nhiệm, sợ sai, không dám làm, giải quyết công việc...
Thủ tướng cũng nhận định tình hình sắp tới sẽ tiếp tục có khó khăn, thách thức nhiều hơn là cơ hội và thuận lợi.
Nêu nhiệm vụ trọng tâm những tháng cuối năm, Thủ tướng yêu cầu các Bộ trưởng, Chủ tịch UBND các tỉnh, TP tập trung thúc đẩy ba động lực tăng trưởng là: đầu tư, tiêu dùng và xuất khẩu.
Phân tích kỹ hơn, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu triển khai các giải pháp kích cầu tiêu dùng, tăng tổng cầu trong nước, hỗ trợ người lao động, phát triển mạnh thị trường trong nước với việc tiếp tục miễn, giảm thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất, giãn nợ, khoanh nợ, giảm lãi suất, khuyến mãi, giảm giá, khuyến khích ưu tiên dùng hàng Việt Nam.
Về đầu tư, Thủ tướng yêu cầu thúc đẩy giải ngân đầu tư công nhanh hơn, hiệu quả hơn và thúc đẩy đầu tư tư nhân, đầu tư FDI bằng các biện pháp cải thiện môi trường kinh doanh, đẩy mạnh chuyển đổi số, cắt giảm tối đa thủ tục hành chính.
Về xuất khẩu, tăng cường xúc tiến thương mại, giữ vững và củng cố các thị trường đã có với 15 Hiệp định thương mại tự do (FTA) đã ký, mở rộng các thị trường mới.
Đặc biệt, ông yêu cầu dứt khoát làm xong việc lập quy hoạch xong trong quý III và hoàn thành trong quý IV. Thành lập các tổ công tác, đẩy mạnh tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh. Chủ động, tích cực rà soát, có cơ chế phù hợp cho các dự án bất động sản, xây dựng, công nghiệp, thương mại trên địa bàn. Tăng cường kỷ luật, kỷ cương, xử lý các hiện tượng trì trệ bằng các biện pháp cán bộ.
Các đại biểu tại phiên họp. Ảnh: TTXVN |
Triệt để tiết kiệm chi, cắt giảm chi thường xuyên
Đáng chú ý, Thủ tướng giao Ngân hàng Nhà nước tiếp tục theo dõi thực hiện các Thông tư 02, 03, nếu thấy vấn đề phát sinh thì điều chỉnh kịp thời. Đồng thời, tiếp tục triển khai các giải pháp giảm chi phí, lãi suất cho vay (cả vay cũ và vay mới). Tăng khả năng tiếp cận vốn, bảo đảm tăng trưởng tín dụng hợp lý, hướng vào các động lực tăng trưởng, các lĩnh vực ưu tiên.
Thủ tướng cũng yêu cầu Ngân hàng nhà nước tập trung xử lý các ngân hàng yếu kém, bảo đảm thanh khoản, an toàn hệ thống, xử lý nợ xấu. Thúc đẩy các gói tín dụng như gói tín dụng 120.000 tỉ đồng phát triển nhà ở xã hội.
Bộ Tài chính được giao tăng cường quản lý chi tiêu ngân sách, bảo đảm thu đúng, thu đủ, thu kịp thời, triệt để tiết kiệm chi, cắt giảm chi thường xuyên, nhất là tiết kiệm điện tại các công sở.
Cạnh đó, cần đẩy nhanh hoàn thuế VAT và triển khai hiệu quả chính sách giảm 2% thuế VAT nếu được Quốc hội thông qua; chuẩn bị chính sách bổ sung miễn, giảm thuế, thúc đẩy phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp.
Bộ KH&ĐT sớm hoàn thành kế hoạch phân bổ vốn. Đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, chương trình phục hồi và phát triển, ba chương trình mục tiêu quốc gia. Tiếp tục rà soát, cắt giảm các điều kiện kinh doanh, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp. Tăng cường phân tích, dự báo, cập nhật, chuẩn bị các kịch bản, không để bất ngờ.
Thủ tướng giao Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang chỉ đạo các cơ quan nghiên cứu, xây dựng quy định phân cấp về ba chương trình mục tiêu quốc gia. Tinh thần là tăng cường phân cấp cho địa phương, giao vốn, giao chỉ tiêu, kiểm soát hiệu quả, tránh tình trạng trung ương làm từng dự án đến tận từng hộ gia đình.
Bộ Xây dựng cần tập trung đôn đốc triển khai Nghị quyết 33 của Chính phủ, tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, báo cáo hàng tháng. Phối hợp cùng các bộ, ngành tháo gỡ các quy định về phòng cháy, chữa cháy. Triển khai hiệu quả đề án 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội.
Bộ GTVT tập trung triển khai các dự án giao thông trọng điểm, cùng Bộ KH&ĐT thúc đẩy, nhanh chóng khởi công các dự án hợp tác công-tư.
Thủ tướng đặc biệt lưu ý việc thúc đẩy dự án sân bay Long Thành, nếu không hoàn thành công việc thì thay người có trách nhiệm, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà trực tiếp chỉ đạo vấn đề này.
Với Bộ Công Thương, Thủ tướng lưu ý nhiệm vụ triển khai Quy hoạch điện VIII và xử lý dứt điểm các vấn đề liên quan các dự án liên quan quy hoạch điện VII theo tinh thần lợi ích hài hoà, rủi ro chia sẻ, phân loại, công bố công khai dự án nào đủ hay không đủ điều kiện, không đúng quy định…
Trong năm tháng đầu năm, Chính phủ, Thủ tướng đã tổ chức hơn 700 cuộc họp, hội nghị, hoạt động đối ngoại (gồm chín phiên họp Chính phủ, trong đó bốn phiên họp chuyên đề pháp luật), ban hành 27 nghị định, 101 nghị quyết, 16 quyết định quy phạm pháp luật, 618 quyết định cá biệt, 36 công điện, 17 chỉ thị.
Lần đầu tiên, Chính phủ tổ chức 26 tổ công tác trực tiếp làm việc với các địa phương để nắm tình hình và giải quyết các khó khăn, vướng mắc; đã ghi nhận trên 1.000 kiến nghị, trong đó đã giải đáp 300 kiến nghị, ghi nhận trên 700 kiến nghị.