Chiều 27-3, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì cuộc họp Thường trực Chính phủ về việc tổ chức một hội nghị trực tuyến “bốn trong một” giữa Chính phủ với các địa phương.
Hội nghị trực tuyến dự kiến diễn ra vào ngày 31-3, sẽ có sự tham dự của bí thư, chủ tịch các tỉnh trong toàn quốc, các bộ trưởng, các cơ quan có liên quan của Quốc hội để cùng thảo luận.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Ảnh: VGP
Hội nghị cũng sẽ nghe các bộ trưởng trình bày chương trình hành động của mình để đóng góp xây dựng đất nước.
Làm mọi biện pháp để ngăn dịch COVID-19
Phát biểu khai mạc tại cuộc họp Thường trực Chính phủ, Thủ tướng nêu rõ dịch COVID-19 đã ảnh hưởng đến 200 quốc gia, hơn 530.000 người nhiễm và hơn 24.000 người tử vong. Con số này vẫn không ngừng tăng lên.
Sáng nay, Thủ tướng đã ký chỉ thị hết sức quan trọng, thực hiện các biện pháp như “tiền khẩn cấp” khi có nhận định rằng trong hai tuần tới, dịch có nguy cơ bùng phát.
Theo Thủ tướng, chúng ta đang cố gắng giảm tối đa số người nhiễm để bảo vệ sức khỏe, tính mạng của nhân dân và điều đáng mừng là đến nay chưa có trường hợp tử vong, nhiều người đã bình phục và xuất viện.
Cho biết sẽ tổ chức kiểm tra việc thực hiện chỉ thị này, Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần “quyết chiến”, làm mọi biện pháp có thể để ngăn dịch COVID-19. Trước mắt là trong nửa tháng tới và có thể kéo dài thêm, chúng ta phải tập trung mọi sức lực, mọi biện pháp để chống dịch, coi đó là nhiệm vụ số 1 ở nước ta hiện nay.
Đánh giá tác động của COVID-19 đến kinh tế-xã hội, Thủ tướng cho biết dịch bệnh đã ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất, kinh doanh toàn cầu. Theo dự báo của IMF, tăng trưởng kinh tế thế giới bằng 0, hãng tin Bloomberg cũng cùng nhận định việc tăng trưởng của nhiều nước âm.
Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc cho rằng một cuộc suy thoái kinh tế mới, lớn hơn cuộc suy thoái 2008 sẽ diễn ra trên toàn cầu. Trung Quốc được dự báo tăng trưởng thấp, còn Nhật Bản, Hàn Quốc và một số nước có thể tăng trưởng âm.
“Hôm qua, tôi đã dự hội nghị thượng đỉnh trực tuyến G20, các tổng thống, thủ tướng của các nước dự đều phát biểu rằng phải vực dậy nền kinh tế trong bối cảnh rất nhiều khó khăn, trở ngại” - Thủ tướng nói. Thủ tướng cũng cho biết hiện các nước G20, các nước châu Á, Đông Nam Á đã có gói kích thích kinh tế.
Bốn nội dung lớn cần tháo gỡ
Về tình hình trong nước, những tháng đầu năm, chúng ta gặp khó khăn do tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn nặng nề ở các tỉnh miền Nam, dịch tả lợn châu Phi, cúm gia cầm…
Đặc biệt, dịch COVID-19 gây ảnh hưởng rất lớn đến mọi mặt cuộc sống xã hội. Trước tình hình đó, Thường trực Chính phủ đều có suy nghĩ phải vực dậy nền sản xuất để giải quyết việc làm, tăng trưởng bằng các biện pháp căn cơ, mạnh mẽ.
Thủ tướng cho rằng cần thiết phải tổ chức một hội nghị toàn quốc bàn bốn nội dung lớn. Thứ nhất, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh khi nhiều doanh nghiệp phải đình trệ sản xuất kinh doanh, đặc biệt là lĩnh vực hàng không, du lịch.
Năm 2020, Việt Nam dự kiến đón khoảng 20 triệu du khách mà chủ yếu đi bằng đường hàng không nhưng do dịch, một lượng lớn du khách không thể đến Việt Nam trong thời gian qua; các khách sạn cũng phải đóng cửa.
Thủ tướng nhấn mạnh chúng ta gặp tình trạng yếu cả cung, yếu cả cầu. “Chúng ta phải tìm thấy thị trường mới ở trong nước và thị trường lớn ở nước ngoài”, ông nói và yêu cầu phải có biện pháp giữ ổn định sản xuất kinh doanh, nếu không, không thể giải quyết việc làm và tăng trưởng.
Thứ hai, liên quan đến việc giải ngân vốn đầu tư công, một kênh quan trọng cho tăng trưởng, Thủ tướng thông tin chúng ta có khoảng 30 tỉ USD vốn đầu tư công cần giải ngân trong năm nay, bao gồm vốn ngân sách Nhà nước và vốn vay.
Ba tháng đầu năm, mặc dù có nhiều cố gắng nhưng số vốn chưa giải ngân theo kế hoạch còn rất lớn. Thủ tướng nói lần này có chế tài mạnh như thế nào để giải quyết dứt điểm vấn đề giải ngân vốn đầu tư công, phải kỷ luật như thế nào?...
Đây là vấn đề cần bàn thảo để trả lời câu hỏi làm sao giải ngân hết số vốn đầu tư công này. Thủ tướng cũng yêu cầu một số bộ, ngành, cơ quan sử dụng nhiều vốn đầu tư phải có biện pháp mạnh mẽ.
Nội dung thứ ba cần bàn tại hội nghị sắp tới là vấn đề an sinh xã hội khi mà tình trạng nghỉ việc không lương, thất nghiệp diễn ra trên toàn cầu và ở nước ta. “Chúng ta bàn nhiều thứ nhưng cuối cùng vẫn là đời sống của nhân dân, của công nhân, đối tượng chính sách” - ông nói.
Biện pháp nào mạnh mẽ hơn, gói hỗ trợ nào để giải quyết vấn đề này, Thủ tướng nêu vấn đề. An sinh xã hội là câu chuyện lớn ở nước ta. Bên cạnh đó, ổn định vĩ mô, chống đầu cơ nâng giá, không để tình trạng thiếu gạo cũng như các vật tư, nhu yếu phẩm khác.
Nội dung thứ tư là bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội vì đời sống khó khăn sẽ dẫn tới những nguy cơ gây mất an ninh trật tự. Bộ Công an cần có giải pháp không để tình trạng lộn xộn xảy ra.
“Chúng ta phải cố gắng giữ được nhịp độ phát triển, khắc phục mọi khó khăn, nhất là trong các quý tới, để làm sao như lò xo bị nén lại, sẵn sàng bật lên sau khi hết dịch. Không để tình hình quá xấu rồi mà chúng ta rơi vào thế bị động” - Thủ tướng nói.
Ngoài ra, Thủ tướng cũng yêu cầu ngay sau khi dịch kết thúc, chúng ta phải bắt tay vào việc thì mới vực dậy được nền kinh tế, nhất là khi những thị trường lớn có liên quan đến chúng ta đã phục hồi mà chúng ta không chuẩn bị tâm thế thì chúng ta thất bại.