Ngày 13-10, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng Đoàn đại biểu Quốc hội đơn vị TP Cần Thơ có buổi tiếp xúc cử tri trước kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XV tại Trường Đại học Y dược Cần Thơ.
Thủ tướng cùng Đoàn đại biểu Quốc hội TP Cần Thơ tiếp xúc cử tri ngày 13-10. Ảnh: NHẪN NAM |
Tại đây, cử tri Nguyễn Ngọc Ân (huyện Phong Điền) phản ánh, giá xăng dầu ngày càng tăng và đang diễn ra tình trạng cầu vượt cung, một số cửa hàng xăng dầu đóng cửa tạm thời trong các đợt điều chỉnh tăng, giảm giá xăng, gây xáo trộn đến sản xuất và sinh hoạt của người dân.
Ông Ân đề nghị Quốc hội và Chính phủ có giải pháp phù hợp để giải quyết vấn đề trên trong thời gian sớm nhất nhằm ổn định cuộc sống của người dân.
Cử tri Nguyễn Ngọc Ân (huyện Phong Điền) nêu ý kiến tại buổi tiếp xúc ngày 13-10. Ảnh: NHẪN NAM |
Trả lời cử tri về vấn đề này, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, các tỉnh TP.HCM, An Giang, Bình Phước… vừa qua có xảy ra vấn đề xăng dầu thì đã cơ bản kiểm soát tình hình.
Theo Thủ tướng, nguyên nhân khách quan là do đứt gãy chuỗi cung ứng; giá xăng dầu lên xuống nhanh, khó dự báo; do cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn… Cạnh đó, do nước ta nhập khẩu thì đồng USD tăng, đồng nội địa giảm xuống nên cũng biến động.
Thủ tướng cho rằng nguyên nhân chủ quan là chủ yếu.
Ông cho biết đã chỉ đạo các cơ quan liên quan rà thật kỹ cơ chế chính sách và văn bản quy phạm pháp luật cho phù hợp với tình hình hiện nay. Hai là công tác điều hành phải linh hoạt, phản ứng chính sách phải nhanh hơn, trách nhiệm các bộ, các ngành phối hợp với nhau chặt chẽ, hiệu quả hơn. Thứ ba, Thủ tướng cho rằng là có lẽ phải thu hẹp chu kỳ tăng giá, chứ để 10 ngày chưa phù hợp với tình hình diễn biến…
“Tóm lại, vừa qua phản ứng chính sách của một số cơ quan có liên quan từ trung ương đến địa phương chưa kịp thời, chưa hiệu quả. Cái này phải kiểm điểm, xác định trách nhiệm, rút kinh nghiệm để chúng ta làm tốt hơn” – Thủ tướng nói.
Thủ tướng trả lời một số ý kiến cử tri Cần Thơ tại buổi tiếp xúc ngày 13-10. Ảnh: NHẪN NAM |
Cũng theo Thủ tướng, do giá xăng dầu biến động, lúc nhập giá cao chưa tiêu thụ hết thì giá lại thấp, dẫn đến việc thua lỗ của doanh nghiệp, rất chia sẻ chỗ này. Vì thế phải lập quỹ bình ổn giá là vì vậy. Có khung chính sách rồi nhưng mà phải điều tiết sao cho kịp thời, phối hợp hai cơ quan là Bộ Công thương và Bộ Tài chính phải chặt chẽ, phản ứng chính sách kịp thời, một số chính sách khác phải sửa đổi…
“Rõ ràng phản ứng chính sách còn chậm và chưa hiệu quả, gây những ách tắc đáng tiếc” – Thủ tướng nhận xét.
Giải pháp thời gian tới, Thủ tướng cho biết đã giao cho các bộ, ngành rà soát chi phí, hỗ trợ của ngân hàng cho phù hợp, hiệu quả để tránh lạm phát, đảm bảo được tiêu dùng, cung ứng không bị đứt gãy. UBND các tỉnh, thành và lực lượng chức năng trên địa bàn tạo điều kiện thông quan, lưu thông hàng hóa; nhà máy lọc dầu hỗ trợ giao hàng nhanh...
Cạnh đó, các cơ quan quản lý nhà nước có biện pháp hỗ trợ, khuyến khích tạo điều kiện các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu duy trì hoạt động kinh doanh đúng pháp luật, tránh tiêu cực, tránh gây phiền hà, sách nhiễu. Công tác thông tin truyền thông thì khách quan, thực tế, phù hợp với tình hình, làm cho người dân không hoang mang nhưng cũng không chủ quan.
Theo Thủ tướng, đây là một sự cố phải nhanh chóng khắc phục, và phải có sự chung tay giúp sức của nhiều cơ quan, có sự hợp tác doanh nghiệp, người dân và các cơ quan liên quan.
“Một số giải pháp đã có hiệu quả, hy vọng thời gian tới không xảy ra việc tương tự” – Thủ tướng nói.