Thủ tướng: Trung tâm tài chính là việc khó nhưng 'khó mấy cũng phải làm'

(PLO)- Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định Trung tâm tài chính quốc tế và khu vực là việc khó, mới, phức tạp nhưng phải làm, không làm không được, không làm thì không đạt được tăng trưởng hai con số.

“Chúng ta đã đủ điều kiện thành lập Trung tâm tài chính khu vực và quốc tế chưa?” - đây là vấn đề được Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu ra tại hội nghị công bố Nghị quyết của Chính phủ ban hành kế hoạch hành động triển khai Kết luận của Bộ Chính trị về xây dựng Trung tâm tài chính khu vực và quốc tế tại Việt Nam, sáng 4-1.

Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định Trung tâm tài chính quốc tế và khu vực là việc khó, mới, phức tạp, nhưng phải làm. Ảnh: HOÀNG GIANG

5 điều kiện đủ

Theo Thủ tướng, Việt Nam đủ các điều kiện cho việc này. Cụ thể, quy mô kinh tế của Việt Nam đang xếp hạng thứ 33-34 trên thế giới, thu nhập bình quân đầu người trên 4.600 USD; ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát được lạm phát, tốc độ tăng trưởng kinh tế ổn định. Năm 2025, Việt Nam phấn đấu tăng trưởng GRDP ít nhất 8% và tăng lên hai con số vào những năm tiếp theo.

Việt Nam cũng đang đột phá chiến lược và đạt được nhiều kết quả tích cực, thể chế thông thoáng, hạ tầng thông suốt, quản trị thông minh.

Tốc độ tăng trưởng của thị trường chứng khoán đạt hai con số, cao nhất trong khu vực. Quy mô vốn hóa thị trường cổ phiếu khoảng 7,2 triệu tỉ đồng, chiếm hơn 70% tổng GDP năm 2023.

Đồng thời, Việt Nam có nền kinh tế hội nhập, có độ mở sâu rộng. Chính trị đất nước ổn định, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo, môi trường hòa bình hợp tác và phát triển trên khu vực và thế giới, cuộc sống được thanh bình, an ninh, an toàn và an dân.

“Với năm yếu tố này, chúng ta có đủ điều kiện để thành lập Trung tâm tài chính khu vực và quốc tế. Vấn đề chúng ta quyết tâm đến đâu và cách làm như thế nào” - Thủ tướng khẳng định.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chỉ đạo về việc thực hiện Trung tâm tài chính. Ảnh: HOÀNG GIANG

Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng chỉ ra những yếu tố thuận lợi như về vị trí chiến lược, địa chính trị quan trọng, khu vực phát triển năng động sáng tạo nhất thế giới và Đông Nam Á.

Nếu có trung tâm tài chính sẽ kết nối được thị trường tài chính toàn cầu, thu hút tổ chức tài chính nước ngoài, tạo thêm nguồn lực mới để thúc đẩy nguồn lực hiện hữu. Đồng thời, tận dụng cơ hội dịch chuyển dòng vốn đầu tư quốc tế để phát triển kinh tế - xã hội, thúc đẩy thị trường tài chính Việt Nam, tạo sự đột phá phát triển mới.

“Việc thành lập Trung tâm tài chính quốc tế và khu vực là việc tất yếu, là yêu cầu khách quan trong sự phát triển của đất nước, nhất là trong giai đoạn vươn mình của đất nước, giàu mạnh, văn minh, thịnh vượng” – Thủ tướng nhấn mạnh.

Khó mấy cũng phải làm

Để xây dựng Trung tâm tài chính quốc tế và khu vực, Thủ tướng cho biết Chính phủ phải nhanh chóng trình Quốc hội ban hành các cơ chế, chính sách về trung tâm tài chính vào kỳ họp sắp tới, tháng 5-2025. Bộ, ngành, TP.HCM và Đà Nẵng phải cùng Chính phủ để chuẩn bị cho việc này.

“Chúng ta xác định đây là việc khó, mới, phức tạp nhưng phải làm, không làm không được, không làm thì không đạt được tăng trưởng hai con số, do vậy có khó mấy cũng phải làm” – Thủ tướng nhấn mạnh.

Ông yêu cầu phải “Việt Nam hóa” những tinh hoa của thế giới trong lĩnh vực này, học tập kinh nghiệm nhưng phù hợp với điều kiện của Việt Nam. Phải có nguồn nhân lực, hạ tầng, tổ chức công nghệ quản lý và sự đồng lòng, thống nhất của các cơ quan trong hệ thống chính trị, người dân, doanh nghiệp.

Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng lãnh đạo Trung ương, bộ, ngành, địa phương. Ảnh: HOÀNG GIANG

Thủ tướng đề nghị cần thực hiện với tinh thần là vừa chạy vừa xếp hàng, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, mở rộng dần, không cầu toàn, không nóng vội, làm việc gì ra việc đó, làm việc nào dứt điểm việc đó.

Riêng TP.HCM và Đà Nẵng, người đứng đầu Chính phủ đề nghị hai địa phương nhanh chóng xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù phù hợp để hình thành ngay trung tâm tài chính, xác định địa giới hành chính, phương thức huy động nguồn lực, đào tạo nguồn nhân lực, xây dựng chuyển giao công nghệ quản trị thông minh.

Các bộ, ngành phải đồng tình, ủng hộ, sát cánh cùng TP.HCM và Đà Nẵng để thực hiện, nhất là trong việc xây dựng văn bản, quy định. Thủ tướng mong các đối tác quốc tế tiếp tục đồng hành, trao đổi kinh nghiệm, đề xuất các chính sách cùng Việt Nam tìm kiếm các nguồn lực về con người, tài chính.

"Tư tưởng phải thông, quyết tâm phải cao hơn, nỗ lực lớn hơn, hành động quyết liệt hơn với tinh thần là phân công 5 rõ "rõ người, rõ việc, rõ tiến độ, rõ trách nhiệm và rõ sản phẩm" - Thủ tướng nêu.

Cũng theo Thủ tướng, Đảng đã chỉ đạo, Chính phủ đã thống nhất, Quốc hội đồng tình, nhân dân ủng hộ, bạn bè quốc tế giúp đỡ. Do đó, chỉ có bàn làm, không bàn lùi, tinh thần không nói không, không nói khó, không nói có mà không làm.

Với tinh thần này, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị bộ, ngành, địa phương không coi đây là công việc của riêng của TP.HCM và Đà Nẵng mà là việc chung của toàn Đảng, toàn dân, của cả hệ thống chính trị. Phải cùng làm, cùng hưởng, cùng chiến thắng và phát triển, đưa đất nước giàu mạnh, văn minh, thịnh vượng và ấm no.

Trung tâm tài chính giúp tăng trưởng 2 con số

Thủ tướng Phạm Minh Chính nhìn nhận năm 2024 là năm có nhiều khó khăn, thách thức nhưng nước ta đã đạt được nhiều thành tựu ấn tượng và toàn diện trên tất cả các lĩnh vực, nhất là kinh tế.

Năm 2025, chúng ta vẫn ưu tiên tăng trưởng kinh tế, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô; đảm bảo các chỉ số về nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài, bội chi ngân sách, đảm bảo an sinh xã hội, cuộc sống của người dân được ấm no.

“Chúng ta phải làm mới lại các động lực tăng trưởng truyền thống như đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu và thúc đẩy mạnh mẽ các động lực tăng trưởng mới như kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, sáng tạo, tri thức…” – Thủ tướng nói và nhấn mạnh trong các động lực tăng trưởng mới, có việc hình thành các trung tâm tài chính quốc tế và khu vực.

Thủ tướng phân tích, thời gian tới Việt Nam xác định tăng trưởng GRDP từ 8% đến hai con số thì tổng vốn đầu tư toàn xã hội phải tăng từ 45-50% GDP mỗi năm. Như vậy, mỗi năm cần khoảng 4-5 triệu tỉ đồng cho phát triển chung của đất nước, nhất là để đầu tư hạ tầng kỹ thuật.

Việt Nam phải làm 3.000 km đường cao tốc, 1.000 km đường ven biển, mở rộng các dự án lớn như đường sắt cao tốc, năng lượng điện tử, sân bay, bến cảng… với số lượng vốn lớn. Thủ tướng nhấn mạnh Trung tâm tài chính sẽ giúp huy động được vốn đầu tư trực tiếp và gián tiếp, giúp đủ lực phát triển đất nước trong giai đoạn tới.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới