Sáng nay (31-8) trong chuyến thăm và làm việc tại Bình Thuận; Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính sẽ có cuộc gặp gỡ, nói chuyện với các lãnh đạo chủ chốt tỉnh Bình Thuận.
Trước đó, vào 20g tối 30-8, Tỉnh Bình Thuận đã tổ chức Lễ kỷ niệm 30 năm tái lập tỉnh Bình Thuận. Đến dự Thủ tướng Phạm Minh Chính; Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân cùng đại diện lãnh đạo các bộ, ban, ngành, Trung ương; lãnh đạo TPHCM và các tỉnh Ninh Thuận, Đồng Nai, Lâm Đồng, Bà Rịa - Vũng Tàu, Tuyên Quang…
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại lễ kỷ niệm. Ảnh ĐH. |
Tháng 12-1991, Quốc hội có quyết định tách tỉnh Thuận Hải thành hai tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận.
Hai tỉnh này chính thức đi vào hoạt động từ ngày 1-4-1992. Khi mới tái lập, Bình Thuận là một trong những tỉnh rất khó khăn của khu vực Duyên hải Nam Trung bộ.
Toàn cảnh lễ kỷ niệm 30 năm tái lập tỉnh Bình Thuận. Ảnh ĐH. |
30 năm qua, Bình Thuận đạt được nhiều thành tựu quan trọng trên các lĩnh vực. Từ một tỉnh thuần nông, kinh tế nông nghiệp là chủ yếu, Bình Thuận đã đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu kinh tế, phát triển nhanh công nghiệp - dịch vụ.
Trong đó, ngành công nghiệp năng lượng đã có sự phát triển bứt phá, trở thành động lực chính thúc đẩy phát triển công nghiệp của tỉnh và Bình Thuận sẽ trở thành Trung tâm năng lượng lớn của đất nước.
Thủ tướng cùng đoàn công tác tại Khu công nghiệp Sơn Mỹ 1. Ảnh ĐH. |
Phát biểu tại lễ kỷ niệm, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thủ tướng Phạm Minh Chính gửi lời thăm hỏi, lời chúc sức khỏe đến toàn thể đồng bào, chiến sĩ các lực lượng vũ trang và cán bộ, đảng viên trong toàn tỉnh Bình Thuận.
Thủ tướng biểu dương, đánh giá cao và chúc mừng những thành tích đạt được qua 30 năm tái lập tỉnh của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân Bình Thuận, góp phần lớn vào thành tựu chung của cả nước.
Thủ tướng đề nghị Bình Thuận tiếp tục phát huy hơn nữa tinh thần dân chủ, kỷ cương; kiên quyết đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, chạy chức, chạy quyền, chạy dự án. Đẩy mạnh chuyển đổi số, cải cách hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh của tỉnh; chủ động tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho người dân, doanh nghiệp để đẩy mạnh sản xuất kinh doanh…
Thủ tướng tại dự án sân bay Phan Thiết. Ảnh ĐH. |
Thủ tướng tin tưởng Đảng bộ, chính quyền, quân và dân các dân tộc tỉnh Bình Thuận với khát vọng và quyết tâm lớn sẽ thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển nhanh và bền vững.
Bình Thuận sẽ trở thành tỉnh giàu đẹp, văn minh, nhân dân ngày càng ấm no, hạnh phúc, đời sống vật chất và tinh thần không ngừng được nâng cao và chung tay cùng cả nước xây dựng một nước Việt Nam hùng cường, thịnh vượng…
Vào chiều 30-8, Thủ tướng dự lễ khởi công dự án Khu công nghiệp Sơn Mỹ 1 (huyện Hàm Tân); kiểm tra, đôn đốc tiến độ xây dựng một số hạng mục dự án Cảng hàng không Phan Thiết.
Theo quy hoạch, sân bay Phan Thiết là Cảng hàng không quốc nội cấp 4E với vai trò là sân bay lưỡng dụng dùng chung dân dụng và quân sự, nhà ga hành khách có công suất thiết kế 2 triệu hành khách/năm.
Thủ tướng yêu cầu đẩy nhanh hơn nữa tiến độ thi công. Ảnh ĐH. |
Tại dự án, Thủ tướng yêu cầu Bộ Quốc phòng, Bộ KH-ĐT, UBND tỉnh Bình Thuận và các bộ, ngành, đơn vị đầu tư, nhà thầu phối hợp thúc đẩy các bước xây dựng dự án, đẩy nhanh hơn nữa tiến độ thi công; triển khai theo quy hoạch; đầu tư cảng hàng không Phan Thiết theo hướng hiện đại, phát triển lâu dài theo tiêu chuẩn quốc tế.
Thủ tướng cũng giao Bộ KHĐT chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan rà soát lại mức đầu tư của hạng mục nhà ga hành khách dân dụng và năng lực chủ đầu tư BOT hạng mục này.
Nếu chủ đầu tư đáp ứng yêu cầu thì tiếp tục triển khai, nếu không đáp ứng yêu cầu thì tiến hành đấu thầu bảo đảm công khai, minh bạch để lựa chọn nhà đầu tư đáp ứng yêu cầu, bảo đảm tiến độ, chất lượng và giảm giá thành; phấn đấu hoàn thành các công trình dân dụng trong năm 2023.