Thủ tướng yêu cầu ứng phó khẩn cấp với siêu bão RAI

Phó Thủ tướng Lê Văn Thành vừa ký công điện số 1737 của Thủ tướng Chính phủ về ứng phó khẩn cấp với siêu bão RAI sắp vào Biển Đông.

Theo nội dung công điện, chiều 16-12, siêu bão RAI đã ảnh hưởng trực tiếp đến ven biển phía đông của Philippines; sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 16, giật trên cấp 17.

Theo dự báo của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, tối 17-12 bão sẽ vào biển Đông với sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão đạt cấp 13-14, giật cấp 17, gây sóng biển cao từ 6-8 m ở khu vực bắc, giữa và nam Biển Đông.

Tối ngày 17-12 bão sẽ vào biển Đông. Ảnh: KTTVQG

Ngày 19, 20-12, khu vực biển ngoài khơi các tỉnh Trung bộ có thể có gió mạnh cấp 11-12, giật cấp 14-15; đe dọa trực tiếp đến an toàn của tàu thuyền và các hoạt động trên biển, ven biển.

"Đây là cơn bão cường độ rất mạnh, di chuyển nhanh, xảy ra vào cuối mùa mưa bão, diễn biến còn rất phức tạp" - công điện nêu rõ.

Trước tình hình đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Ban chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai, các bộ, ngành và địa phương theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão, quyết liệt chỉ đạo, triển khai kịp thời công tác ứng phó với bão theo chức năng, nhiệm vụ được giao.

Cụ thể, Thủ tướng yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố ven biển phối hợp với lực lượng biên phòng và các cơ quan có liên quan chỉ đạo rà soát, nắm rõ ngay tất cả phương tiện, tàu thuyền còn hoạt động trên biển và các hoạt động trên biển.

Đồng thời tổ chức theo dõi sát diễn biến của bão, chỉ đạo thông tin, hướng dẫn phương tiện, tàu thuyền di chuyển về nơi tránh trú an toàn, kiên quyết không để tàu thuyền, phương tiện hoạt động trong vùng có nguy cơ ảnh hưởng của bão.

Triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn đối với các hoạt động trên biển, an toàn tính mạng và phòng chống dịch COVID-19 cho người dân tại nơi neo đậu, tránh trú.

UBND các tỉnh căn cứ diễn biến, nguy cơ ảnh hưởng của bão và thực tế tại địa phương chỉ đạo, triển khai các biện pháp cần thiết đảm bảo an toàn cho người và tài sản trên các đảo và trên lồng bè nuôi trồng thủy hải sản.

Công điện cũng yêu cầu các địa phương rà soát, chuẩn bị sẵn phương án để chủ động ứng phó với tình huống bão ảnh hưởng đến địa phương; không để bị động, bất ngờ, nhất là đảm bảo an toàn dân cư trong bối cảnh dịch COVID-19, bảo vệ đê điều, hồ đập, bảo vệ sản xuất.

Thủ tướng yêu cầu Bộ TN&MT theo dõi chặt chẽ, dự báo, cung cấp thông tin kịp thời về diễn biến bão để Ban chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai, các bộ, ngành, cơ quan, địa phương và người dân biết; chủ động chỉ đạo và triển khai các biện pháp ứng phó phù hợp với diễn biến của bão.

Bộ Ngoại giao theo dõi, chủ động liên hệ với các quốc gia, vùng lãnh thổ tạo điều kiện cho tàu thuyền Việt Nam vào trú tránh bão khi có yêu cầu.

Bộ Y tế chỉ đạo công tác đảm bảo an toàn phòng, chống dịch COVID-19, đặc biệt là các khu vực dự kiến sơ tán dân cư khi có tình huống.

Các Bộ: NN&PTNT, Công Thương, GTVT, Quốc phòng và các bộ ngành khác có liên quan theo chức năng quản lý nhà nước và nhiệm vụ được giao chủ động chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc triển khai các biện pháp ứng phó với bão.

Các phương tiện tàu thuyền đang di chuyển vòng tránh

Theo báo cáo của Ban chỉ đạo quốc gia về Phòng chống thiên tai, tính đến chiều 16-12, đã thông báo, kiểm đếm, hướng dẫn cho 44.915 phương tiện/242.484 người biết diễn biến, hướng đi của bão để chủ động di chuyển vòng tránh hoặc thoát khỏi khu vực nguy hiểm.

Trong đó, hoạt động ở khu vực giữa Biển Đông và quần đảo Trường Sa: 428 tàu/2.400 người. Tất cả đã nắm được thông tin về bão và đang di chuyển vòng tránh. Hoạt động ở vùng biển khác là 3.720 tàu/23.992 người, neo đậu tại các bến là 40.767 tàu/216.092 người.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm