Thừa phát lại: “Ế” vì bị “làm khó”

Chế định thừa phát lại ra đời với kỳ vọng sẽ giúp chia sẻ gánh nặng công việc với ngành thi hành án, tòa án. Nhưng hiện nay, các văn phòng thừa phát lại đang gặp rất nhiều khó khăn vì nhiều cơ quan chức năng không hợp tác...

Vừa qua, Văn phòng Thừa phát lại quận Tân Bình (TP.HCM) đi xác minh về chiếc xe của một người phải thi hành án tại Phòng CSGT đường bộ - đường sắt TP.HCM. Sau khi liên hệ, đề nghị và chờ, cuối cùng cái mà văn phòng này nhận được chỉ là một công văn từ chối hợp tác.

Bị làm khó

Theo đó, Phòng CSGT đường bộ - đường sắt TP.HCM đã viện dẫn Thông tư số 37/2010 của Bộ Công an rồi từ chối cung cấp thông tin vì cho rằng Văn phòng Thừa phát lại quận Tân Bình không cung cấp được… giấy giới thiệu của cơ quan thi hành án dân sự.

Theo Văn phòng Thừa phát lại quận Tân Bình, yêu cầu này của Phòng CSGT đường bộ - đường sắt TP.HCM là hoàn toàn không hợp lý vì bản thân văn phòng thừa phát lại có chức năng trực tiếp tổ chức thi hành các bản án, quyết định của tòa và xác minh điều kiện thi hành án theo Nghị định 61 ngày 24-7-2009 của Chính phủ. Ngoài ra, ngành thi hành án cũng không thể cấp giấy giới thiệu cho các văn phòng thừa phát lại bởi việc này không thuộc thẩm quyền của họ.

Thừa phát lại: “Ế” vì bị “làm khó” ảnh 1

Tương tự, vụ khác, Văn phòng Thừa phát lại quận 8 liên hệ xác minh điều kiện thi hành án tại Phòng CSGT đường bộ - đường sắt TP.HCM thì cơ quan này yêu cầu phải cung cấp các văn bản của tòa cùng hợp đồng ủy quyền giữa văn phòng thừa phát lại với người được thi hành án. Yêu cầu này đã làm khó văn phòng thừa phát lại bởi theo bà Vũ Thị Trường Hạnh (Trưởng Văn phòng Thừa phát lại quận 8), về nguyên tắc, hợp đồng dịch vụ giữa đương sự và văn phòng thừa phát lại là bí mật và không thể cung cấp cho phía cơ quan công an.

Bị từ chối thẳng thừng

Nếu như một số cơ quan chỉ gây khó dễ, yêu cầu này yêu cầu kia như trên thì ngành ngân hàng lại thẳng thừng từ chối khi các văn phòng thừa phát lại đề nghị phối hợp xác minh thông tin tài khoản của người phải thi hành án.

Trước đây, Văn phòng Thừa phát lại quận Tân Bình xác minh tài khoản của người phải thi hành án tại Ngân hàng Vietcombank Chi nhánh TP.HCM thì bị từ chối. Lý do là ngân hàng này căn cứ vào Công văn hướng dẫn số 7102 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Theo đó, công văn của Ngân hàng Nhà nước cho rằng thừa phát lại là tổ chức hành nghề thừa phát lại chứ không phải là một cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật nên các ngân hàng không có nghĩa vụ phải hợp tác.

Ông Nguyễn Năng Quang (Trưởng Văn phòng Thừa phát lại quận Tân Bình) cho biết vừa rồi văn phòng của ông đã phải năn nỉ đương sự đến để thanh lý hợp đồng vì không thể xác minh cũng như không thể trực tiếp thi hành án được. “Người dân biết được cái khó của mình nên họ thông cảm. Nhưng chính họ cũng rất bức xúc. Họ còn muốn xin công văn từ chối cung cấp thông tin của những cơ quan này để khởi kiện ra tòa” - ông Năng nói.

Địa phương làm lơ

Theo bà Nguyễn Thị Hạnh (Văn phòng Thừa phát lại quận 1), không chỉ gặp khó trong việc xác minh điều kiện thi hành án, các văn phòng thừa phát lại còn gặp phải khó khăn khi đi tống đạt văn bản của tòa hay của cơ quan thi hành án. Nhiều trường hợp văn phòng thừa phát lại đi xuống các địa phương tống đạt giấy tờ thì cán bộ địa phương thể hiện rõ thái độ bất hợp tác. Các cán bộ này cho rằng văn phòng thừa phát lại không phải là cơ quan nhà nước có thẩm quyền nên họ không có nghĩa vụ phải phối hợp.

Ông Nguyễn Năng Quang kể: Có những vụ sau khi giúp văn phòng của ông tống đạt hay niêm yết giấy tờ, cảnh sát khu vực đã bị “cấp trên la cho một trận”. Từ đó, họ không dám hợp tác nữa.

Liên quan đến chuyện tống đạt này, theo chỉ đạo của TAND TP.HCM, từ ngày 1-7-2012, các tòa trên địa bàn TP không tiếp tục ký hợp đồng với các văn phòng thừa phát lại để tống đạt văn bản nữa. Vì vậy, hiện các văn phòng thừa phát lại chỉ còn tống đạt văn bản của ngành thi hành án. Thế nhưng hiện số lượng văn bản mà các cơ quan thi hành án dân sự chuyển qua cũng chẳng được bao nhiêu.

Bà Vũ Thị Trường Hạnh (Trưởng Văn phòng Thừa phát lại quận 8) cho biết văn phòng của bà ký hợp đồng tống đạt cho bốn Chi cục Thi hành án dân sự. Thế nhưng có những chi cục gần hai tháng trời không có văn bản, tài liệu nào chuyển qua để tống đạt.

Bốn loại việc, thực tế chỉ còn một?

Theo Nghị định 61, thừa phát lại được làm bốn loại việc sau: Thực hiện việc tống đạt theo yêu cầu của tòa hoặc cơ quan thi hành án dân sự; lập vi bằng theo yêu cầu của cá nhân, cơ quan, tổ chức; tham gia xác minh điều kiện thi hành án; trực tiếp tổ chức thi hành các bản án, quyết định của tòa theo yêu cầu của đương sự.

Tuy nhiên, hiện nay ngoài các khó khăn bộn bề trong khâu xác minh điều kiện thi hành án hay tống đạt giấy tờ, các văn phòng thừa phát lại còn đang đối mặt với một thực tế là rất ít người dân nhờ trực tiếp tổ chức thi hành án. Do đó, hoạt động của các văn phòng hầu như chỉ tập trung vào chuyện lập vi bằng. Hầu hết các trưởng văn phòng thừa phát lại đều cho biết việc ít nên buộc phải giảm số lượng nhân viên và cố gắng duy trì hoạt động. Thậm chí có văn phòng đã phải khất nợ lương nhân viên!

Xác minh nhà đất phải mất phí

Khi xác minh thông tin liên quan đến nhà đất của người phải thi hành án, các văn phòng thừa phát lại buộc phải trả một khoản phí cho một số Phòng TN&MT cũng bởi lý do “thừa phát lại không phải là cơ quan nhà nước có thẩm quyền”. Theo một nhân viên thừa phát lại, dù biết văn phòng thừa phát lại có thẩm quyền yêu cầu cơ quan nhà nước phối hợp nhưng để công việc trôi chảy, các văn phòng vẫn chấp nhận trả khoản “tiền nước” này.

Một số Phòng TN&MT khác thì không đòi hỏi, cũng không từ chối, chỉ… im bặt khi các văn phòng thừa phát lại gửi công văn đề nghị xác minh.

Lịch sử thí điểm thừa phát lại

Ngày 14-11-2008, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 24, giao Chính phủ quy định và tổ chức thực hiện thí điểm chế định thừa phát lại tại một số địa phương từ ngày 1-7-2009 (thời điểm Luật Thi hành án dân sự có hiệu lực) đến ngày 1-7-2012. Sau đó, việc thí điểm này được triển khai tại TP.HCM. Tháng 5-2010, Sở Tư pháp TP.HCM đã trao quyết định thành lập năm văn phòng thừa phát lại đầu tiên ở quận 1, quận 5, quận 8, quận Tân Bình, quận Bình Thạnh. Từ tháng 4 tới tháng 6-2012, TP.HCM tiếp tục cấp giấy phép hoạt động cho ba văn phòng nữa ở quận 10, quận Gò Vấp và quận Bình Tân.

Sau ba năm thí điểm, các văn phòng thừa phát lại đã tống đạt được 103.218 văn bản, lập và đăng ký tại Sở Tư pháp hơn 5.000 vi bằng, thực hiện được 147 vụ việc xác minh điều kiện thi hành án và trực tiếp tổ chức thi hành án 26 vụ.

Đầu tháng 11-2012, TP.HCM đã kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền ở trung ương cho mở rộng chế định thừa phát lại, trước mắt cho tiếp tục thực hiện thí điểm thừa phát lại tại TP.HCM. Ngày 23-11-2012, Quốc hội đã chấp thuận thông qua Nghị quyết về việc tiếp tục thí điểm chế định này tại một số tỉnh, TP trực thuộc trung ương đến hết ngày 31-12-2015.

TIẾN HIỂU

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm