Dù đã được nhà nước đưa ra chính sách ưu tiên và ủng hộ nhưng xem ra vẫn cần phải có thêm thời gian để thừa phát lại hoạt động hiệu quả…
Ông Phạm Quang Giang, Trưởng Văn phòng thừa phát lại quận 5, cho biết khó khăn lớn nhất hiện nay mà các văn phòng thừa phát lại gặp phải là người dân vẫn chưa biết hoặc chưa hiểu hết chức năng của thừa phát lại.
Dân chưa hiểu
Ông Giang kể, có người dân từng đến liên hệ với Văn phòng thừa phát lại quận 5 để yêu cầu đòi nợ giùm. Khi được hỏi là đã khởi kiện ra tòa chưa thì ông này trả lời ngay: “Nếu khởi kiện thì tôi nhờ thừa phát lại làm gì!”.
Tương tự, Văn phòng Thừa phát lại quận 8 cũng gặp trường hợp người dân đến nhờ thừa phát lại lập vi bằng về việc đặt tên cho con. Việc này không thuộc chức năng của thừa phát lại nên văn phòng phải giải thích cho người dân hiểu rồi hướng dẫn họ đến cơ quan chức năng làm thủ tục cần thiết.
Theo quy định, các văn phòng thừa phát lại khi nhận được đơn yêu cầu thi hành án của người dân thì phải ký hợp đồng bao gồm phí xác minh điều kiện thi hành án và phí thi hành án. Khi nghe nói đến việc chịu phí xác minh điều kiện thi hành án thì người dân lại không đồng ý. Họ chỉ muốn ký hợp đồng khoán trọn gói cho thừa phát lại.
Nhân viên Văn phòng thừa phát lại quận Bình Thạnh đang lấy dấu vân tay của bên bị lập vi bằng. (Ảnh do Văn phòng thừa phát lại cung cấp)
Theo ông Nguyễn Năng Quang - Trưởng Văn phòng thừa phát lại quận Tân Bình, gặp những trường hợp này, thừa phát lại phải giải thích cho người dân. Nếu người dân vẫn không chịu thì thừa phát lại đành phải từ chối thụ lý vì không dám mạo hiểm. Bởi lẽ không ít vụ xác minh xong mới biết người phải thi hành án không có tài sản hoặc không có thu nhập... nên không thể thi hành án. Nếu không thu phí xác minh thì công sức của thừa phát lại sẽ trở thành công cốc.
Cán bộ không tường tận
Không chỉ người dân, đến nay vẫn còn một số cán bộ cũng chưa tường tận chức năng của thừa phát lại.
Ông Lê Mạnh Hùng - Trưởng văn phòng thừa phát lại Bình Thạnh kể, vừa qua ông đi xác minh biển số xe theo yêu cầu của đương sự. Khi đến cơ quan quản lý về số xe, cán bộ ở đây hỏi ông thừa phát lại là bộ phận nào mà lại làm việc này. Sau một hồi giải thích tới lui, vị cán bộ này mới đồng ý cho ông… ngồi chờ để vào xin ý kiến cấp trên.
Ông Nguyễn Năng Quang cũng gặp phải tình huống này. Ông đến một phường ở TP.HCM, giới thiệu mình là thừa phát lại đi xác minh tình trạng nhà đất theo đơn yêu cầu. Vị cán bộ tiếp ông cũng không rõ chức năng của thừa phát lại có được quyền xác minh tình trạng nhà đất không… Ông Quang phải tốn không ít thời gian giải thích mới được cung cấp thông tin.
Pháp luật còn chung chung
Một vướng mắc khác là hiện nay Nghị định 61 ngày 24-7-2009 của Chính phủ (về tổ chức và hoạt động của thừa phát lại thực hiện thí điểm tại TP.HCM) mới chỉ quy định một cách chung chung mà chưa nêu rõ thừa phát lại được lập vi bằng trong những trường hợp nào.
Trong khi đó, nhu cầu lập vi bằng của người dân thì muôn hình vạn trạng. Việc lập vi bằng hầu hết dựa vào cảm tính của thừa phát lại nên tính pháp lý của vi bằng khi ra tòa vẫn chưa biết sẽ ra sao.
Ngoài ra, hiện nay một số văn phòng thừa phát lại cũng đang báo cáo về việc không được xác minh tài sản trước khi tòa xử. Chẳng hạn như chủ nợ nhờ thừa phát lại xác minh thông tin tài sản của con nợ trước khi yêu cầu tòa áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời. Do Nghị định 61 chỉ cho thừa phát lại quyền xác minh điều kiện thi hành án liên quan đến việc thi hành án thuộc thẩm quyền của ngành thi hành án dân sự TP.HCM nên thừa phát lại bó tay.
Vì vậy, các văn phòng thừa phát lại đề xuất nên mở rộng quyền xác minh của thừa phát lại để đáp ứng nhu cầu chính đáng của người dân thay vì chỉ xác minh điều kiện thi hành án như hiện nay.
Thừa phát lại làm gì? Theo Nghị định 61, những công việc mà thừa phát lại được làm bao gồm: - Thực hiện việc tống đạt theo yêu cầu của tòa hoặc cơ quan thi hành án dân sự. - Lập vi bằng theo yêu cầu của cá nhân, cơ quan, tổ chức. - Xác minh điều kiện thi hành án theo yêu cầu của đương sự. - Trực tiếp tổ chức thi hành án các bản án, quyết định của tòa án theo yêu cầu của đương sự. ____________________________________________________ Chỉ trả hồ sơ? Có không ít trường hợp người dân đã làm đơn yêu cầu tại cơ quan thi hành án rồi lại nóng ruột chạy đến nhờ thừa phát lại. Theo quy định, thừa phát lại phải từ chối thụ lý. Điều đáng nói là sau đó, đương sự có muốn rút yêu cầu tại cơ quan thi hành án để nhờ thừa phát lại cũng không thể được vì vụ việc thi hành án khi đó sẽ bị đình chỉ và thừa phát lại không có cơ sở giải quyết tiếp. Tôi nghĩ nên chăng quy định cơ quan thi hành án chỉ ra quyết định trả hồ sơ khi người dân yêu cầu chứ không nên đình chỉ thi hành án như hiện nay. Ông PHẠM QUANG GIANG, Trưởng Văn phòng thừa phát lại quận 5 (TP.HCM) Thừa phát lại sẽ phát triển Dù nhiều người dân vẫn chưa biết đến chức năng của thừa phát lại nhưng theo xu thế hiện nay, tôi tin rằng sớm muộn gì thì mọi người dân cũng cần đến thừa phát lại khi tham gia giao dịch dân sự. Đó là một xu hướng tất yếu. Luật sư PHẠM QUANG LIÊM, Đoàn Luật sư TP.HCM Giao dịch dân sự được nâng cao Chế định thừa phát lại là sự cải cách tư pháp theo đúng hướng phát triển của xã hội. Thừa phát lại ra đời thì quyền, nghĩa vụ trong giao dịch dân sự của người dân được nâng cao thêm một bước. Có những giao dịch dân sự cần thời gian ngắn mới thành công nên thừa phát lại là giải pháp tối ưu khi cần lập vi bằng hay xác minh điều kiện thi hành án… Luật sư NGUYỄN THANH LƯƠNG, Đoàn Luật sư tỉnh Bến Tre |
TIẾN HIỂU