Đến nay, tại 13 địa phương trên cả nước đã thành lập được 53 văn phòng thừa phát lại (TPL). Tính đến 30-9-2015, các văn phòng TPL đã tống đạt được gần 940.000 văn bản, lập gần 43.000 vi bằng, xác minh điều kiện thi hành án (THA) 885 việc, trực tiếp tổ chức THA 378 vụ việc, đạt tổng doanh thu gần 136 tỉ đồng.
Mở rộng phạm vi lập vi bằng, tống đạt
Để TPL ngày càng phát triển, Bộ Tư pháp đã xây dựng dự thảo nghị định về tổ chức và hoạt động TPL (thay thế Nghị định số 61/2009, Nghị định số 135/2013 của Chính phủ) và đang tổ chức lấy ý kiến các bộ, ngành, địa phương.
Một nội dung mới của dự thảo là mở rộng địa bàn lập vi bằng của TPL so với quy định hiện hành. Cụ thể, TPL được lập vi bằng ra ngoài tỉnh, TP trực thuộc trung ương nơi đặt văn phòng TPL. Theo Bộ Tư pháp, năng lực, trình độ của TPL ngày càng đáp ứng được yêu cầu về chức năng, nhiệm vụ. Việc mở rộng địa bàn lập vi bằng còn tạo điều kiện để tăng nguồn thu cho các văn phòng TPL, đáp ứng nhu cầu lập vi bằng của cá nhân, tổ chức ở các tỉnh, thành chưa thực hiện chế định TPL.
Cạnh đó, dự thảo dự kiến mở rộng phạm vi tống đạt văn bản của TPL. Ngoài việc tống đạt văn bản của tòa và cơ quan THA dân sự, TPL được tống đạt văn bản của đương sự trong các vụ việc dân sự, hành chính để phục vụ việc thu thập chứng cứ, thực hiện nghĩa vụ chứng minh của đương sự theo quy định của BLTTDS. TPL còn tống đạt văn bản của cơ quan có thẩm quyền nước ngoài theo quy định của pháp luật về tương trợ tư pháp; tống đạt văn bản của cơ quan hành chính nhà nước và tổ chức hành nghề bổ trợ tư pháp.
Văn phòng Thừa phát lại quận 1 (TP.HCM) trong một vụ phối hợp cưỡng chế thi hành án. Ảnh: T.TÙNG
Không lập vi bằng xâm phạm bí mật đời tư
Đáng chú ý, dự thảo nghị định bổ sung một điều luật riêng quy định các trường hợp không được lập vi bằng: Không được lập vi bằng đối với những việc TPL không được làm; các trường hợp vi phạm quy định về bảo đảm an ninh, quốc phòng; vi phạm bí mật đời tư theo quy định của BLDS, trái đạo đức xã hội; các trường hợp thuộc thẩm quyền công chứng của tổ chức hành nghề công chứng hoặc thuộc thẩm quyền chứng thực của UBND các cấp.
Liên quan đến việc đăng ký vi bằng tại các sở Tư pháp, có ý kiến đề nghị bỏ đăng ký hoặc chỉ đăng ký về hình thức. Tuy nhiên, Bộ Tư pháp cho rằng vẫn nên duy trì hoạt động này để kiểm soát bởi qua kiểm tra, việc lập vi bằng còn chưa tuân thủ quy định của pháp luật, có hiện tượng chồng lấn với hoạt động công chứng, chứng thực...
Thừa phát lại phải được đào tạo nghề
Để tăng cường chất lượng của đội ngũ TPL, dự thảo quy định người muốn được bổ nhiệm TPL phải có bằng cử nhân luật; đã công tác thực tế trong ngành pháp luật trên năm năm hoặc đã từng là thẩm phán, kiểm sát viên, luật sư; chấp hành viên, công chứng viên, điều tra viên từ trung cấp trở lên. Ngoài ra, họ còn phải có chứng chỉ tốt nghiệp đào tạo nghề; có thời gian tập sự hành nghề tại văn phòng TPL.
Thời gian đào tạo nghề TPL là sáu tháng. Thời gian tập sự hành nghề tại văn phòng TPL là sáu tháng. TPL không được kiêm nhiệm luật sư, công chứng viên, đấu giá viên, quản tài viên và những công việc thường xuyên khác.
Ngoài ra, dự thảo cũng quy định văn phòng TPL không được mở chi nhánh, văn phòng đại diện, cơ sở, địa điểm giao dịch tại tỉnh, TP trực thuộc trung ương nơi đặt văn phòng TPL và nơi đã thực hiện chế định TPL...
Mở rộng thẩm quyền xác minh điều kiện thi hành án Dự thảo nghị định dự kiến cho TPL được xác minh điều kiện THA liên quan đến việc THA thuộc thẩm quyền của các cơ quan THA dân sự. Cạnh đó, dự thảo dự kiến bổ sung quy định về ủy thác xác minh điều kiện THA giữa các văn phòng TPL; bổ sung trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan trong việc hỗ trợ TPL xác minh điều kiện THA. Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, Cục trưởng Cục Bổ trợ tư pháp Đỗ Hoàng Yến cho biết việc xây dựng nghị định này nằm trong chương trình xây dựng nghị định của Chính phủ năm 2016-2017, trong khi đó dự án luật về TPL nằm trong chương trình xây dựng luật và pháp lệnh năm 2017-2018. Việc xây dựng nghị định mới thay thế hai nghị định hiện hành quy định về tổ chức và hoạt động của TPL nằm trong kế hoạch và không có nghĩa là dừng không xây dựng luật về TPL. |